Một công ty Nhật rót vốn vào dự án đất "kim cương" Saigon Centre giai đoạn 3
Một công ty Nhật rót vốn vào dự án đất "kim cương" Saigon Centre giai đoạn 3
Toshin Development Co., Ltd. (Toshin) vừa quyết định rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua việc mua cổ phần tại công ty con của Keppel Ltd.
Cụ thể, công ty Nhật Bản này đã đăng ký mua gần 46.4 triệu cổ phiếu phổ thông mới của Himawari VNSC3 Pte Ltd (Himawari), một công ty con của tập đoàn Keppel có trụ sở tại Singapore.
Thông qua thương vụ này, Toshin sẽ gián tiếp tham gia vào dự án Saigon Centre giai đoạn 3, một dự án phát triển đa chức năng đầy tiềm năng tọa lạc tại khu vực trung tâm sôi động nhất của TPHCM. Dự án đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Hiện Himawari, công ty mà Toshin vừa mua cổ phần, nắm giữ cổ phiếu ưu đãi loại C trong hai công ty khác là Keppel Land (Saigon Centre) Limited (KLSC) và Krystal Investments Pte. Ltd. (KIPL). Hai công ty này lần lượt sở hữu 68% và 16% vốn chủ sở hữu trong Công ty TNHH Keppel Land Watco-IV (KLW IV) và Công ty TNHH Keppel Land Watco-V (KLW V) - những pháp nhân trực tiếp nắm giữ quyền sử dụng đất của dự án Saigon Centre giai đoạn 3.
Để sở hữu số cổ phần này, Toshin sẽ chi ra khoảng 46.4 triệu USD, tương đương 62.2 triệu SGD. Khoản tiền này sẽ được thanh toán theo 7 đợt, với đợt cuối cùng dự kiến diễn ra sau khi các giấy phép xây dựng được cấp cho các công ty phát triển dự án.
Theo thông báo của Keppel, giá trị giao dịch được xác định dựa trên sự đồng thuận giữa hai bên, có tính đến giá trị tài sản ròng điều chỉnh của phần lợi ích mà Toshin sẽ nắm giữ trong dự án. Theo đó, tính đến cuối tháng 8/2024, giá trị này ước tính vào khoảng 46.4 triệu USD.
Toshin Development Co., LTD là nhà phát triển nổi tiếng trong giới địa ốc, thành lập vào cuối năm 1963 bởi Tập đoàn Takashimaya – nhà điều hành các trung tâm mua sắm cao cấp của Nhật Bản.
Tại Việt Nam, vào năm 2019, Toshin hợp tác với THT Development để phát triển một trung tâm thương mại, văn hoá đậm chất Nhật Bản rộng 1.7ha tại lô đất C1CC1 thuộc dự án Starlake Tây Hồ Tây.
Năm 2021, Tập đoàn Trung Thủy hợp tác Toshin tại dự án Lancaster Luminaire (Hà Nội), nhằm quản lý, vận hành tòa nhà phức hợp căn hộ, văn phòng và khu thương mại với dịch vụ cao cấp.
Dự án bất động 3 thập kỷ trở lại
Sự xuất hiện của nhà đầu tư Nhật Bản càng trở nên đáng chú ý hơn khi nó xảy ra đúng vào thời điểm Saigon Centre giai đoạn 3 đang có dấu hiệu "rục rịch" trở lại sau gần ba thập kỷ trì trệ.
Theo tìm hiểu, Saigon Centre IV và V (giai đoạn 3) hiện đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng để chuẩn bị thi công. Xung quanh khu đất dự án đã xuất hiện những băng rôn quảng cáo cho giai đoạn 3 sắp ra mắt, báo hiệu một khởi đầu mới cho "dự án ba thập kỷ" này.
Băng rôn được dán trước khu đất mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, giới thiệu dự án sắp ra mắt giai đoạn 3 - Ảnh: Thanh Tú
|
Nhìn lại lịch sử, Saigon Centre là một dự án đã gây tiếng vang từ vài thập niên qua. Tọa lạc tại vị trí "đất kim cương" ở trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, dự án được bao bọc bởi bốn trục đường huyết mạch: Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Huỳnh Thúc Kháng và Pasteur, được ví như "cái rốn" của Sài Gòn.
Dự án được cấp phép đầu tư lần đầu năm 1993 cho Công ty TNHH FPSL Watco, một liên doanh giữa Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (Resco), Keppel Land và Krystal Investments. Năm 1996, dự án được phân chia thành 5 dự án thành phần, tương ứng với các nhà đầu tư là các công ty con của Keppel Land Watco.
Trong 5 dự án này, Saigon Centre I đã hoàn thành từ năm 1996, trong khi Saigon Centre II và III (giai đoạn 2) đã đi vào hoạt động từ năm 2016. Tuy nhiên, Saigon Centre IV và V (giai đoạn 3) đã bị đình trệ trong gần 30 năm do vấn đề giải phóng mặt bằng.
Với tổng diện tích 8,623m2, Saigon Centre IV và V đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong suốt ba thập kỷ qua. Nguyên nhân chính là do các đối tác Việt Nam chưa bàn giao đủ quỹ đất để xây dựng dự án. Hiện tại, phần đất còn lại đang được sử dụng bởi 4 đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải, bao gồm Văn phòng thường trực phía Nam của Bộ, CTCP Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải Phía Nam (TediSouth), CTCP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Công trình (Tranimexco, UPCoM: TNM) và CTCP Hàng hải Đông Đô (UPCoM: DDM).