Sau 7 năm bị bán giải chấp, Chủ tịch 9x của CDO bất ngờ muốn tăng tỷ lệ sở hữu
Sau 7 năm bị bán giải chấp, Chủ tịch 9x của CDO bất ngờ muốn tăng tỷ lệ sở hữu
Ông Vũ Đình Nhân - Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị (UPCoM: CDO) vừa đăng ký mua 1 triệu cp CDO, trong thời gian từ 11/10-08/11/2024, theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu.
Hiện, giá cổ phiếu CDO chỉ vỏn vẹn 1,500 đồng/cp, ước tính số tiền ông Nhân cần chi khoảng 1.5 tỷ đồng. Nếu thành công, vị Chủ tịch sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại CDO từ 0.21% lên 3.38%.
Ông Vũ Đình Nhân (sinh năm 1990) từng sở hữu 6.5% vốn CDO vào đầu năm 2016 nhưng giảm còn 0.2% trong năm 2017 do bị bán giải chấp hơn 1.6 triệu cp khi giá mỗi cổ phiếu giảm còn vài ngàn đồng. Không riêng vị Chủ tịch, các lãnh đạo khác của CDO như Phó Chủ tịch, Thành viên HĐQT, Kế toán trưởng cũng mất hết cổ phiếu với cùng lý do.
Các lãnh đạo CDO từng bị bán giải chấp cổ phiếu năm 2017. Nguồn: CDO
|
Cổ phiếu CDO niêm yết trên HOSE từ năm 2015 (thời điểm đó ông Nhân chỉ mới 25 tuổi) và bị hủy niêm yết bắt buộc vào năm 2018 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. 2018 cũng là năm CDO bắt đầu chuỗi kinh doanh thua lỗ cho tới nay, Công ty không năm nào có lãi. Tính tới cuối tháng 6/2024, CDO lỗ lũy kế gần 84 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận của CDO từ khi niêm yết tới nay | ||
Ông Vũ Đình Nhân thực hiện nghi thức niêm yết cổ phiếu CDO trên HOSE vào năm 2015.
|
Mức giá cao nhất của cổ phiếu CDO là 36,500 đồng/cp (sau điều chỉnh) vào cuối năm 2016 trước khi lập kỷ lục 34 phiên giảm sàn liên tiếp đưa giá về ngang ly trà đá, được cho là có liên quan đến một vụ án thao túng giá chứng khoán.
Thời hoàng kim gần nhất của cổ phiếu CDO bắt đầu từ năm 2021, với mức tăng thần tốc gần 1,400%, từ 700 đồng/cp lên 10,400 đồng/cp. Sau khi đạt đỉnh vào đầu năm 2022, giá cổ phiếu CDO lao dốc không phanh. Thị giá còn khoảng 1,500 đồng/cp từ tháng 10/2022 và lẹt đẹt suốt từ đó đến nay, thậm chí có lúc xuống mức 800-900 đồng/cp do chỉ còn được giao dịch phiên thứ Sáu hàng tuần.
Thanh khoản giai đoạn 2021-2022 ghi nhận sự đột biến, trung bình khoảng 700,000 đến hơn 1.2 triệu cp/phiên. Tuy nhiên, lượng giao dịch 2 năm qua sụt rõ rệt, chỉ còn hơn 50,000 cp/phiên.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu CDO và chỉ cho phép giao dịch phiên thứ Sáu hàng tuần từ ngày 21/10/2022 khiến thanh khoản sụt giảm, do Công ty chậm công bố thông tin quá 45 ngày đối với BCTC soát xét bán niên 2022. Hiện tại, cổ phiếu CDO vẫn tiếp tục bị hạn chế giao dịch do chưa nộp BCTC kiểm toán năm 2023 và BCTC soát xét bán niên 2023.
Không chỉ vậy, CDO còn đang gặp khó khi chưa công bố BCTC soát xét bán niên 2024. Công ty đã phải tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 đến 2 lần mới đủ điều kiện tiến hành, nhờ đó mới có thể thông qua lựa chọn đơn vị kiểm toán cho năm tài chính 2024. Tuy nhiên, CDO cho biết với nhiều lý do khách quan và chủ quan, các công ty kiểm toán này đều đưa ra những vướng mắc khiến việc ký kết hợp đồng và thực hiện kiểm toán BCTC chưa thể thực hiện được.
Diễn biến giá cổ phiếu CDO từ năm 2021 đến nay | ||