Vốn FDI đổ vào bất động sản công nghiệp tăng mạnh
Vốn FDI đổ vào bất động sản công nghiệp tăng mạnh
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ, vị trí chiến lược, chi phí cạnh tranh, tăng trưởng thương mại điện tử, chính sách thương mại cởi mở và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam đã thúc đẩy bất động sản công nghiệp bùng nổ.
Cuộc chạy đua mới
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa đồng ý chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp (KCN) Bàu Cạn - Tân Hiệp (giai đoạn 1) ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai do Công ty CP KCN Tân Hiệp làm chủ đầu tư.
Đồng Nai hiện có 31 KCN hoạt động và trong tương lai sẽ có thêm 8 KCN mới, gồm Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, Phước Bình, Phước Bình 2, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn.
Bất động sản KCN đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. |
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chấp thuận đầu tư dự án mở rộng KCN Mỹ Xuân B1 - Conac với quy mô 110 ha. KCN này được thực hiện tại thị xã Phú Mỹ với tổng mức vốn 1.989 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư Xây dựng Dầu khí Idico là chủ đầu tư.
KCN Mỹ Xuân B1 - Conac được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2012, có 163 ha diện tích đất công nghiệp cho thuê. Với tỷ lệ lấp đầy cao, chủ đầu tư Idico đề xuất mở rộng khu công nghiệp này thêm 110 ha.
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 13 KCN đang hoạt động với tổng diện tích là 7.243 ha. Trong tương lai sẽ có thêm 4 KCN là Dầu khí Long Sơn, Vạn Thương, KCN đô thị HD, Mỹ Xuân B1 - Conac mở rộng với tổng diện tích là 1.810 ha.
Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) và Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ vừa ký kết hợp tác chiến lược phát triển các dự án bất động sản khu công nghiệp - logistics, nhà ở, thương mại và dịch vụ. Theo thỏa thuận, Phát Đạt và Thanh Bình Phú Mỹ sẽ cùng nhau phát triển các KCN theo mô hình khu công nghiệp kiểu mẫu, sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành. Mô hình này sẽ tương tự như KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.
Tổng công ty Viglacera sẽ thành lập các pháp nhân, chi nhánh mới để triển khai thực hiện các dự án như KCN Phù Ninh (400 ha) và KCN Bắc Sơn (200 ha) tại Phú Thọ, KCN Đông Mai mở rộng (150 ha) tại Quảng Ninh, KCN Tây Phổ Yên (868 ha)…
|
Không chỉ doanh nghiệp Việt, năm nay, bất động sản KCN cũng đón lượng lớn vốn FDI chảy vào. Cụ thể, CapitaLand Investment thuộc Tập đoàn CapitaLand dự kiến đầu tư thêm khoảng 110 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng danh mục hạ tầng bất động sản công nghiệp.
Làm ăn khấm khá
Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa hết khó khăn nhưng doanh nghiệp thuộc nhóm KCN ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Chẳng hạn, Tổng công ty Idico (mã chứng khoán: IDC) tăng trưởng 58% về doanh thu và gấp 3,2 lần lợi nhuận so với cùng kỳ nhờ ghi nhận doanh thu một lần từ hợp đồng cho thuê hạ tầng KCN. Dòng tiền kinh doanh ghi nhận trên 3.580 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Idico đang đầu tư, quản lý khoảng 10 KCN với tổng diện tích hơn 3.260 ha. Trong đó, có khoảng 5 KCN đang trong giai đoạn cho thuê gồm Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng (Bà Rịa - Vũng Tàu) với giá thuê 130 - 132 USD/m2/chu kỳ thuê, KCN Cầu Nghìn (Thái Bình), KCN Hựu Thạnh (Long An), KCN Quế Võ 2 (Bắc Ninh).
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh KCN đang làm ăn phát đạt. |
Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) tăng trưởng 16% doanh thu và 56% lợi nhuận trong quý III năm nay. Kết quả này được đóng góp từ mảng cung cấp dịch vụ (điện, nước cho KCN) và cổ tức được chia, lãi bán các khoản đầu tư.
SIP đang vận hành 4 KCN (Phước Đông, Đông Nam, Lê Minh Xuân 3, Lộc An - Bình Sơn) với tổng diện tích hơn 3.200 ha, trong đó còn hơn 1.000 ha diện tích đất thương phẩm chưa cho thuê, phân bổ tại Tây Ninh, Đồng Nai và TPHCM.
Tổng công ty CP Khu công nghiệp (Sonadezi - mã chứng khoán: SNZ) đang có dòng tiền kinh doanh dương với giá trị gần 2.300 tỷ đồng. Quý III năm nay, doanh thu cho thuê đất và hạ tầng tại các KCN đạt 335 tỷ đồng.
Danh mục dự án đang khai thác của Sonadezi có KCN Châu Đức (1.556 ha ở Bà Rịa - Vũng Tàu), KCN Tân Đức (300 ha ở Bình Thuận), Khu xử lý chất thải Quang Trung (130 ha ở Đồng Nai), cầu cảng số 3 - cảng Long Bình Tân (tải trọng 5.000 DWT ở Đồng Nai).
Ông John Campbell - Giám đốc kiêm Trưởng bộ phận Bất động sản công Nghiệp Savills Việt Nam - cho rằng, dòng vốn FDI mạnh mẽ, vị trí chiến lược, chi phí cạnh tranh, tăng trưởng thương mại điện tử, chính sách thương mại cởi mở và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam sẽ rất cần thiết cho nguồn cung và hiệu suất dài hạn của phân khúc bất động sản KCN. Đáng chú ý, với ngành thương mại điện tử phát triển và FDI gia tăng, nhu cầu về kho bãi và mặt bằng công nghiệp xây sẵn đã tăng mạnh. |
Duy Quang