Tăng trưởng kinh tế – phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng và rủi ro bong bóng tài sản

15/02/2025 08:12
15-02-2025 08:12:00+07:00

Tăng trưởng kinh tế – phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng và rủi ro bong bóng tài sản

Không thể phủ nhận rằng tăng trưởng kinh tế đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, khi hiệu quả và mức độ lan tỏa của chính sách tài khóa vẫn chưa phát huy hết được như kỳ vọng. Nhưng mức độ phụ thuộc này nếu kéo dài có thể dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế.

Năm 2024, tăng thêm vào nền kinh tế vốn dư nợ khoảng 2,1 triệu tỉ đồng. Ảnh: LÊ VŨ

Quan hệ giữa tín dụng và tăng trưởng

Để có thể mang lại 1 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế (GDP) sẽ cần trung bình hơn 2 điểm phần trăm tăng trưởng tín dụng. Như năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Vì vậy, theo chia sẻ của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, trong năm 2025 NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18-20%.

Cũng theo đại diện NHNN, cuối năm 2023, tổng dư nợ khoảng 13,4 triệu tỉ đồng, đến cuối năm 2024 là 15,5 triệu tỉ đồng. Như vậy riêng năm 2024, chúng ta tăng thêm vào nền kinh tế vốn dư nợ khoảng 2,1 triệu tỉ đồng. Tổng cả năm 2024, doanh số cho vay là 23 triệu tỉ đồng, doanh số thu nợ là 21 triệu tỉ đồng để có được 7,09% tăng trưởng GDP.

Về cơ bản, rõ ràng hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng và sự tăng trưởng của nền kinh tế có những mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Cụ thể, chính sách tín dụng mở rộng giúp các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn để mở rộng sản xuất, đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, và xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này góp phần tăng năng suất lao động và tạo ra việc làm, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tương tự, các hộ gia đình và cá nhân cũng dễ dàng vay mượn để mua sắm các hàng hóa, dịch vụ, hoặc đầu tư vào nhà ở, giáo dục… Và khi nhu cầu tiêu dùng tăng, các doanh nghiệp sẽ sản xuất nhiều hơn để đáp ứng thị trường, tạo ra một vòng quay kinh tế thuận lợi góp phần thúc đẩy nền kinh tế.

Việc phụ thuộc quá lớn vào chính sách tín dụng có thể dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế. Theo hiệu ứng chu kỳ tín dụng, nếu tăng trưởng tín dụng quá nhanh hoặc không được kiểm soát chặt chẽ, có thể dẫn đến rủi ro tích tụ trong hệ thống tài chính, như nợ xấu và bong bóng tài sản. Khi các rủi ro này bùng phát, chu kỳ tín dụng có thể đảo ngược và gây ra suy giảm kinh tế.

Và ngược lại, khi tăng trưởng tích cực, các doanh nghiệp và cá nhân cũng có niềm tin cao hơn vào triển vọng nền kinh tế, do đó cũng tăng nhu cầu vay vốn để đầu tư, tiêu dùng.

Tuy nhiên, hệ số 2:1 giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế không phải luôn cố định. Như năm 2022, tăng trưởng GDP lên đến 8,02%, nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ hơn 14%. Hay như năm 2021, tăng trưởng GDP là 2,58%, trong khi tăng trưởng tín dụng lại lên đến hơn 13,6%. Hay như năm 2020, tăng trưởng GDP chỉ ở mức 2,91%, trong khi tăng trưởng tín dụng cũng gần 12,2%.

Thực tế, trong một số giai đoạn, tăng trưởng tín dụng cao là do hệ thống ngân hàng phải thực hiện tái cơ cấu nợ theo hướng lãi nhập gốc cho các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, hoặc chạy đua chỉ tiêu những ngày cuối năm để lấy dư địa cho năm sau. Ngoài ra, dòng vốn tín dụng chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng ở nhóm đầu tư tư nhân, vì vậy khi lực kéo tăng trưởng ở khu vực nhà nước hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) suy yếu thì tăng trưởng tín dụng cao cũng không mang lại tác động quá lớn đến tăng trưởng.

Như giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giãn cách kéo dài, hoạt động thương mại toàn cầu giảm sút, khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI bị tác động tiêu cực, trong khi các dự án đầu tư công cũng trì trệ, tăng trưởng kinh tế đạt được mức thấp bất chấp nhà điều hành nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ với việc giảm sâu lãi suất và thúc đẩy tín dụng.

Mức độ phụ thuộc và rủi ro bong bóng tài sản

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng tăng trưởng kinh tế đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, khi hiệu quả và mức độ lan tỏa của chính sách tài khóa vẫn chưa phát huy hết được như kỳ vọng. Dù tốc độ giải ngân của các dự án đầu tư công đã nhanh hơn so với những năm trước, nhưng chưa năm nào đạt được kế hoạch đề ra, nhiều dự án lớn vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong các khâu giải phóng mặt bằng.

Hệ quả là để đảm bảo tăng trưởng, những năm gần đây NHNN phải theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, với việc mở rộng tăng trưởng tín dụng và thường xuyên nới chỉ tiêu tăng trưởng cho các ngân hàng trong năm, cũng như duy trì mặt bằng lãi suất thấp để thúc đẩy nhu cầu tín dụng. Đáng lưu ý, lạm phát được kiểm soát ổn định tại Việt Nam đã góp phần tạo điều kiện cho nhà điều hành duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng này.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá lớn vào chính sách tín dụng có thể dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế. Theo hiệu ứng chu kỳ tín dụng, nếu tăng trưởng tín dụng quá nhanh hoặc không được kiểm soát chặt chẽ, có thể dẫn đến rủi ro tích tụ trong hệ thống tài chính, như nợ xấu và bong bóng tài sản. Khi các rủi ro này bùng phát, chu kỳ tín dụng có thể đảo ngược và gây ra suy giảm kinh tế.

Xu hướng nợ xấu tăng nhanh trong hai năm gần đây đã phần nào phản ánh hiện tượng này, khi nhiều doanh nghiệp đã không thể vượt qua khó khăn sau thời kỳ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo báo cáo tài chính năm 2024 được công bố, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng là hơn 227.000 tỉ đồng, trong đó có đến 24 ngân hàng chứng kiến nợ xấu đi lên.

Theo giới phân tích, sau hai năm đỉnh cao của đại dịch thì giờ đây nhiều doanh nghiệp mới bắt đầu thấm đòn. Con số 58.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thương trường trong tháng 1-2025, gấp 1,75 lần so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trong đó số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn đang gia tăng đột biến, là một tín hiệu đáng lo lắng.

Ngoài ra, khi các doanh nghiệp đang suy yếu, nếu cứ cố rót thêm tín dụng vào nền kinh tế, trong một số trường hợp có thể giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, nhưng cũng có những trường hợp doanh nghiệp tiếp tục lún sâu và càng làm gia tăng rủi ro nợ xấu. Đặc biệt, khi lĩnh vực sản xuất không đủ sức để hấp thụ nguồn vốn tín dụng dồi dào, dòng tiền này có thể chạy vào các kênh đầu tư tài sản và dần hình thành nên những bong bóng tài sản mới.

Quá trình này có thể diễn tả như sau, khi mặt bằng lãi suất thấp và khả năng tiếp cận tín dụng quá dễ dàng vì các ngân hàng cũng chịu áp lực giải ngân vốn đầu ra, các nhà đầu tư có khuynh hướng gia tăng đòn bẫy từ nguồn vốn rẻ này để mua sắm tài sản như chứng khoán, bất động sản với kỳ vọng kiếm lời nhanh. Sự dồi dào của dòng vốn tín dụng tiếp tục đẩy giá tài sản tăng mạnh kéo theo mức lợi nhuận hấp dẫn, tạo ra những kỳ vọng tăng giá ngày càng lớn hơn, càng kích thích vay vốn đầu cơ lướt sóng.

Khi mức giá tài sản đã tăng quá cao và không còn phù hợp với các yếu tố kinh tế cơ bản, thị trường có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh. Đặc biệt, nếu có những yếu tố tiêu cực như lãi suất tăng hoặc nguồn cung tín dụng thắt chặt trở lại, dòng vốn có thể đảo ngược khiến giá tài sản giảm đột ngột. Sự sụt giảm giá tài sản làm bùng phát các vấn đề nợ xấu, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư đã sử dụng đòn bẩy cao.

Tuệ Nhiên

TBKTSG

- 10:00 14/02/2025





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Vì sao SHB ghi nhận tăng trưởng nhanh nhất về mức độ hài lòng của khách hàng?

Trong bảng xếp hạng Mức độ hài lòng đối với các ngân hàng tại Việt Nam năm 2025 do Decision Lab công bố, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) không chỉ góp mặt...

Nam A Bank huy động 10 triệu USD từ Global Climate Partnership Funds 

Ngày 25/04/2025, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, HOSE: NAB) vừa được Quỹ Hợp tác Khí hậu Toàn cầu (Global Climate Partnership Funds - GCPF) giải ngân thành công...

Tín dụng xanh: Đòn bẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tín dụng xanh nổi lên như một công cụ tài chính quan trọng để thúc đẩy kinh tế bền vững. Tại Việt Nam, dù còn nhiều khó khăn, tiềm...

Giá USD ngân hàng cao chưa từng có, lên sát 26.200 đồng

Tỷ giá USD hôm nay 25/4/2025 ghi nhận giá đồng bạc xanh tại các ngân hàng tăng cao chưa từng có, lên sát mức 26.200 đồng/USD.

PVcomBank 6 năm liên tiếp vào Top 50 Doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam

Ngày 24/04/2025, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) chính thức được vinh danh lần thứ 6 liên tiếp trong Top 50 Doanh nghiệp tăng trưởng xuất...

Cần làm gì để gói tín dụng 500,000 tỷ đồng cho hạ tầng, công nghệ số phát huy hiệu quả cao nhất?

Chiều 24/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có buổi làm việc với các bộ, ngành và các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước để triển khai gói tín dụng 500,000 tỷ đồng...

MB duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1/2025, tiếp tục tối ưu hiệu quả vận hành

Ngày 24/4/2025 – Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2025 với nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực, tiếp tục khẳng định năng...

Ngân hàng Phương Đông tiếp tục nằm trong top ngân hàng mạnh nhất Việt Nam

Vừa qua, tại lễ công bố “Top 30 thương hiệu ngân hàng Việt Nam 2024” do Mibrand Việt Nam tổ chức, ngân hàng Phương Đông (HOSE: OCB) tiếp tục được vinh danh danh...

NCB ra mắt thẻ Visa phiên bản giới hạn, chào mừng 50 năm thống nhất Đất nước

Trong không khí hân hoan trên khắp cả nước kỷ niệm 50 năm thống nhất Đất nước (30/04/1975 - 30/04/2025), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) tự hào ra mắt sản...

ĐHĐCĐ BVBank 2025 – Linh hoạt nắm bắt cơ hội kinh doanh, đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 41%

Ngày 24/04/2025, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2025 với nhiều nội dung quan trọng được đệ trình và thông qua.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98