Cơ chế Sandbox - Lý thuyết và thực tiễn (Kỳ 2)
Cơ chế Sandbox - Lý thuyết và thực tiễn (Kỳ 2)
Cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) giúp đánh giá và điều chỉnh quy định, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Dựa trên mục tiêu, sandbox được phân loại thành bốn nhóm chính: tập trung vào chính sách, tập trung vào sản phẩm hoặc đổi mới sáng tạo, theo chủ đề và xuyên biên giới. Sandbox đang đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ tài chính số.
Sự trỗi dậy và phát triển của Sandbox
Cơ chế thử nghiệm đã thu hút được nhiều sự chú ý trong những năm gần đây và hiện tại, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WBG) chỉ ra rằng có hơn 70 sandbox liên quan đến fintech đã được chính thức công bố trên toàn cầu. Các sandbox này đã được các cơ quan quản lý trên thế giới sử dụng vì nhiều lý do, bao gồm việc giúp đánh giá và điều chỉnh cơ chế quy định của khu vực pháp lý và để báo hiệu sự cởi mở của cơ quan quản lý (hoặc chính phủ) đối với sự đổi mới.
Một cơ chế thử nghiệm có khả năng đáp ứng nhiều mục tiêu, cả về mặt quy định lẫn thể chế. Trong khi các mục tiêu quy định thường chỉ giới hạn ở những vấn đề ổn định tài chính, tính toàn vẹn, bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy tài chính toàn diện và đôi khi là sự cạnh tranh, thì các mục tiêu thể chế lại có phạm vi rộng hơn, chẳng hạn như hỗ trợ hệ sinh thái fintech hoặc khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, sandbox không phải là giải pháp toàn diện cho tất cả các thách thức mà các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách phải đối mặt với những đổi mới trong hệ sinh thái dịch vụ tài chính.
Sandbox là khái niệm có nền tảng vững chắc. Nó bắt nguồn từ ngành công nghệ thông tin để chỉ một môi trường tách biệt, cô lập nhằm thử nghiệm các sản phẩm hoặc phần mềm, từ đó giảm thiểu rủi ro trước khi các sản phẩm được đưa ra thị trường. Các nhà phát triển đã sử dụng các sandbox trong công nghệ thông tin để thực hiện các mã độc, khởi chạy các cuộc tấn công ngầm hoặc kiểm tra phần mềm bảo mật cho các lỗ hổng mà không làm tổn hại đến thiết bị hoặc mạng máy chủ.
Sandbox cũng được ứng dụng trong ngành y tế để xác định và thử nghiệm các xét nghiệm và dịch vụ sáng tạo. Ví dụ, Health Data Research UK, Viện Nghiên cứu Dữ liệu Sức khỏe Vương quốc Anh, đã sử dụng môi trường sandbox để thử nghiệm ảo các dịch vụ và sáng kiến nhằm phát hiện sớm các bệnh thoái hóa thần kinh, phản ứng với điều trị chống trầm cảm, hay sàng lọc các bệnh hiếm gặp, cùng nhiều ứng dụng y học khác.
Trong khi các ngân hàng và hệ sinh thái thanh toán thường xuyên thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ mới, các sandbox chỉ thực sự xuất hiện trong quy định của ngành tài chính vào năm 2012 với sự ra mắt của Dự án Phân tích (Project Catalyst), triển khai bởi Cục Bảo vệ Tài chính tiêu dùng (CFPB) tại Mỹ, với mục tiêu duy nhất là thúc đẩy các giải pháp đổi mới thân thiện với người dùng. Tuy nhiên, thuật ngữ “regulatory sandbox” đã được phổ biến bởi Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCA) thông qua dự án Innovate vào năm 2016, đó là lần đầu tiên họ thúc đẩy ý tưởng sandbox để hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho các công ty fintechs. Mặc dù các nền kinh tế phát triển (AE) như Vương quốc Anh và Singapore được cho là lá cờ tiên phong trong lĩnh vực này, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDES) cũng không bị tụt lại phía sau.
Phân loại Sandbox
Mục tiêu của một sandbox có thể khác nhau trong thực tế. Các sandbox thường được phân loại thành bốn loại, dựa trên mục tiêu của chúng: (i) tập trung vào chính sách; (ii) tập trung vào sản phẩm hoặc đổi mới sáng tạo; (iii) theo chủ đề; và (iv) xuyên biên giới. Tuy nhiên, những loại này không phải là độc lập hoàn toàn.
● Sandbox tập trung vào chính sách: Các sandbox này sử dụng quy trình sandbox để đánh giá các quy định hoặc chính sách cụ thể.
● Sandbox tập trung vào đổi mới sáng tạo hoặc sản phẩm: Các sandbox này khuyến khích sự đổi mới sáng tạo bằng cách giảm chi phí gia nhập thị trường, cho phép các công ty thử nghiệm khả năng tồn tại trên thị trường của các mô hình kinh doanh mới.
● Sandbox theo chủ đề: Các sandbox thuộc loại này tập trung vào một chủ đề cụ thể với mục tiêu thúc đẩy việc áp dụng một chính sách hoặc đổi mới sáng tạo cụ thể, hoặc hỗ trợ phát triển một phân ngành cụ thể, thậm chí là các sản phẩm cụ thể nhằm vào các phân khúc khách hàng nhất định.
● Sandbox xuyên biên giới: Các sandbox xuyên biên giới hoặc đa khu vực pháp lý hỗ trợ sự di chuyển và hoạt động xuyên quốc gia của các công ty, đồng thời khuyến khích hợp tác giữa các cơ quan quản lý và giảm thiểu sự khác biệt về luật lệ. Mục tiêu của các sandbox này bao gồm cải thiện sự quản lý hài hòa giữa các quốc gia và khả năng mở rộng nhanh chóng của các công ty fintech trên quy mô khu vực hoặc toàn cầu.
Tình hình triển khai trên thế giới
Kể từ năm 2016, đã có 73 sandbox liên quan đến fintech được công bố trên toàn cầu. Trong số đó, có 52 sandbox - chiếm khoảng 70% - đã được triển khai tại các thị trường kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDEs), trong khi phần còn lại thuộc về các nền kinh tế phát triển (AEs). Một số quốc gia đã thiết lập nhiều hơn một sandbox fintech, phản ánh sự khác biệt về ưu tiên và nguồn lực của các cơ quan quản lý trong từng khu vực. Điều đáng chú ý là khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dẫn đầu về số lượng sandbox fintech, theo sau là khu vực châu Âu và Trung Á. Còn ở chiều ngược lại, khu vực Bắc Mỹ và Nam Á có số lượng sandbox ít nhất, mặc dù cả Ấn Độ và Mỹ đều có sự tập trung đáng kể trong lĩnh vực này.
Mặc dù không phải tất cả các sandbox đều giống nhau, nhưng về bản chất chúng là các chương trình quản lý quy chế chính thức nhằm phản ứng lại sự thay đổi nhanh chóng của các dịch vụ tài chính số. Sandbox tạo ra một môi trường quản lý năng động, dựa trên dữ liệu thực tế, giúp các cơ quan quản lý học hỏi và thích ứng với các công nghệ đang phát triển. Tuy nhiên, không có một mô hình chung phù hợp cho tất cả quốc gia khi triển khai sandbox.
Các cơ chế thử nghiệm Fintech toàn cầu liên quan đến quản lý (Đã công bố và đang hoạt động)
Nguồn: Nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG)
Lưu ý: Một số quốc gia có nhiều cơ chế thử nghiệm (sandboxes), chẳng hạn như Brazil, Nigeria và Mỹ, có cả các sandboxes đã công bố và đang hoạt động. Các quốc gia này được thể hiện là có sandboxes đang hoạt động.
- 09:00 29/03/2025