Cuộc đối đầu sắp tới trong thế giới của Trump

16/03/2025 10:02
16-03-2025 10:02:00+07:00

Cuộc đối đầu sắp tới trong thế giới của Trump

Những người ủng hộ Trump thuộc tầng lớp tinh hoa ưu tiên lợi ích nhóm của họ hơn là các nguyên tắc dân chủ. Tuy nhiên, nhiều khả năng mâu thuẫn nội bộ sẽ xuất hiện và khiến cho khối liên minh của Trump sụp đổ.

Khi những người chống tinh hoa lại chính là tinh hoa

Mặc dù Donald Trump đắc cử nhờ làn sóng phản đối mạnh mẽ của công chúng nhắm vào “giới tinh hoa” nhưng những người ủng hộ tiêu biểu nhất của ông lại là các chính khách và tài phiệt hàng đầu. Điều này đã được chứng minh trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump - một doanh nhân giàu có và nổi tiếng - tập hợp xung quanh mình với một nhóm gồm các chính trị gia Đảng Cộng hòa, các nhà tài phiệt Phố Wall và những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Nhưng lần này, những nhóm này còn được bổ sung thêm bởi những thành viên của phe cánh hữu công nghệ, tiêu biểu nhất là Elon Musk - người giàu nhất thế giới.

Nguồn: The New Yorker

Điều liên kết những nhóm này, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, không phải là tính cách hay khả năng lãnh đạo của ông Trump (những vấn đề này còn nhiều tranh cãi). Thay vào đó, là niềm tin rằng các mục tiêu riêng của họ sẽ dễ dàng đạt được hơn dưới thời ông Trump so với các phương án khác.

Những người bên phe Cộng hòa bảo thủ muốn thuế thấp và bớt các quy định, trong khi những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế muốn thu hẹp thâm hụt thương mại và khôi phục lại ngành sản xuất của Mỹ.

Những người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận cho rằng cần chấm dứt cái mà họ coi là “sự kiểm duyệt theo phong trào tỉnh thức”, trong khi phe cánh hữu công nghệ mong muốn có tự do tuyệt đối để hiện thực hóa tầm nhìn về tương lai của riêng họ.

Khi lợi ích nhóm lấn át giá trị dân chủ

Bất kể ý đồ riêng của họ là gì thì các nhóm này đều coi Kamala Harris (và Joe Biden) là một trở ngại, trong khi Trump được xem là một đồng minh đầy hứa hẹn. Hầu hết không phản đối nền dân chủ nhưng họ dường như sẵn sàng bỏ qua và từ đó tạo điều kiện cho chủ nghĩa độc đoán của Trump miễn là mục tiêu của họ được thực hiện. Nếu bạn nhấn mạnh vào các khuynh hướng chống dân chủ và sự khinh thường luật pháp của Trump, họ sẽ trả lời một cách mập mờ hoặc coi nhẹ những rủi ro đó.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, tôi đã chia sẻ mối quan ngại của mình với một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của ông ấy (một người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế). Nhưng người đối thoại của tôi đã gạt phăng những lo lắng đó và phản bác rằng Đảng Dân chủ và bộ máy hành chính mới là những mối đe dọa nghiêm trọng hơn. Cuối cùng, ông ta chỉ quan tâm đến cam kết của Trump đối với thuế quan, chứ không phải bất kỳ hậu quả nào có thể xảy ra đối với nền dân chủ.

Tương tự, trong một podcast gần đây của nhà báo Ezra Klein của tờ New York Times, người theo chủ nghĩa tuyệt đối về quyền tự do ngôn luận Martin Gurri đã giải thích rằng sự ủng hộ của riêng ông đối với Trump chủ yếu được thúc đẩy bởi sự siết chặt tự do ngôn luận của chính quyền Biden. Gurri cho rằng Biden đã “yêu cầu các mạng xã hội phải tuân thủ các tiêu chuẩn cộng đồng của châu Âu”. Tuy nhiên, những hạn chế mà Trump áp đặt đối với phát ngôn của các công chức và các tổ chức tư nhân do chính phủ tài trợ đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Ngay cả khi ông thừa nhận rằng Trump có thể "thậm chí còn tệ hơn", Gurri dường như không hề để tâm. Khi mọi chuyện trở nên căng thẳng, dường như việc chống lại văn hóa “woke”* lại được ưu tiên hơn việc bảo vệ Tu chính án thứ nhất.

(*) “Woke” hiện được biết đến như một thuật ngữ chính trị tiêu cực dùng để mô tả bất cứ điều gì được coi là quá tự do hoặc tiến bộ. Tuy nhiên, từ này có lịch sử lâu đời, ban đầu có nghĩa là nhận thức về các mối đe dọa có động cơ phân biệt chủng tộc (Theo Forbes).

Mâu thuẫn nội bộ giữa nhóm dân tộc kinh tế và nhóm cánh hữu công nghệ

Những người ủng hộ Trump thuộc tầng lớp tinh hoa ưu tiên lợi ích nhóm của họ hơn là các nguyên tắc dân chủ. Tuy nhiên, nhiều khả năng mâu thuẫn nội bộ sẽ xuất hiện và khiến cho khối liên minh của Trump sụp đổ. Những mâu thuẫn nổi bật nhất là giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế và những người theo phe cánh hữu công nghệ. Cả hai phe đều tự xem mình là những người chống lại hệ thống đã bị giới tinh hoa của Đảng Dân chủ áp đặt. Nhưng họ lại đại diện cho những tầm nhìn rất khác nhau về nước Mỹ và điều mà nước Mỹ nên hướng đến.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế muốn quay trở lại với một quá khứ huy hoàng khi ngành công nghiệp Mỹ tỏa sáng rực rỡ, trong khi nhóm cánh hữu công nghệ hình dung về một tương lai không tưởng được AI quản lý. Một bên muốn lấy dân làm gốc, bên còn lại chỉ tôn thờ công nghệ. Một bên muốn chặn đứng nhập cư hoàn toàn, bên còn lại muốn chào đón những tài năng có tay nghề. Một bên muốn hạn chế Thung Lũng Silicon, bên còn lại muốn trao quyền cho nó. Một bên tin vào việc đánh thuế người giàu, còn bên kia thì ưu đãi người giàu.

Những người theo chủ nghĩa dân túy dân tộc tuyên bố sẽ lên tiếng thay cho những người mà cuộc cách mạng công nghệ của Musk sẽ bỏ lại phía sau. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi họ coi thường sâu sắc “những người theo chủ nghĩa phong kiến ​​công nghệ” của Thung lũng Silicon. Steve Bannon, một trong những người có tiếng nói hàng đầu trong số những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế (và tốt nghiệp Đại học Harvard), thậm chí còn đi xa hơn khi gọi Musk là "kẻ ký sinh nhập cư bất hợp pháp". Musk và những gì ông đại diện phải "bị ngăn chặn". Bannon cảnh báo: "Nếu chúng ta không ngăn chặn nó ngay bây giờ, nó sẽ không chỉ hủy hoại đất nước này mà còn hủy hoại cả thế giới”.

Nguồn: Project Syndicate

Mặc dù Bannon hiện không phục vụ trong chính quyền Trump, nhưng ông là một nhân vật quan trọng trong phong trào MAGA ("Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại") và ông vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền. Tuy nhiên, rõ ràng là Musk hiện đang được Trump lắng nghe hơn. Nhà Trắng đã cho phép cái gọi là Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) của Musk tự do hành động và bản thân Trump đã khuyến khích Musk trở nên quyết liệt hơn.

Chiến thuật của Trump và tương lai bất định của nước Mỹ

Những nhà lãnh đạo như Trump thường thích cho các đồng minh (thực chất là những người cận thần) đấu đá với nhau để cán cân quyền lực không nghiêng hẳn về một bên nào. Trump nghĩ rằng ông có thể duy trì vị thế của mình và lợi dụng những mâu thuẫn đó cho lợi ích riêng. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ thực sự hiệu quả khi sự cạnh tranh giữa các nhóm xoay quanh nguồn lực và quyền lợi của chính phủ, thay vì phản ánh các hệ tư tưởng và niềm tin khác nhau.

Với những thế lực thúc đẩy chính quyền Trump có những quan điểm và ưu tiên chính sách khác biệt rõ rệt thì một cuộc đối đầu gần như là điều không thể tránh khỏi. Nhưng điều gì sẽ xảy ra sau đó? Liệu sẽ có sự tê liệt hay một trong các nhóm sẽ đứng lên khẳng định quyền lực của mình? Liệu Đảng Dân chủ có thể tận dụng được sự chia rẽ này? Liệu chủ nghĩa Trump có bị làm mất uy tín? Liệu triển vọng cho nền dân chủ Mỹ có được hồi sinh hay tiếp tục bị suy giảm?

Bất kể kết quả thế nào, bi kịch là những cử tri lao động ít học, những người đã ủng hộ thông điệp chống tinh hoa của Trump, sẽ vẫn là người thua cuộc. Không một nhóm đối kháng nào trong liên minh của Trump đưa ra một tầm nhìn thuyết phục cho họ. Điều này cũng đúng với những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế (dù có lời lẽ hùng hồn), khi mà nguyện vọng của họ phụ thuộc vào một sự phục hồi không thực tế trong ngành công nghiệp sản xuất.

Khi các tầng lớp tinh hoa khác nhau tranh đấu cho những phiên bản nước Mỹ riêng của họ thì chương trình chính sách cấp bách cần thiết để xây dựng một nền kinh tế trung lưu trong xã hội hậu công nghiệp sẽ vẫn còn xa vời.

Giới thiệu về tác giả Dani Rodrik

Dani Rodrik là một nhà kinh tế người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều công trình nghiên cứu xoay quanh vấn đề toàn cầu hóa, tăng trưởng, phát triển kinh tế và kinh tế chính trị.

Ông nhận bằng cử nhân về Chính trị học và Kinh tế tại Đại học Harvard vào năm 1979, sau đó lấy bằng thạc sĩ Quản lý công của Đại học Princeton vào năm 1981. Ông tiếp tục theo học tại khoa Kinh tế Đại học Princeton và nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học vào năm 1985.

Dani Rodrik hiện là Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế của Quỹ Ford công tác tại Đại học Harvard. Ông đồng thời cũng là giám đốc của EFIP (Economics for Inclusive Prosperity). Ông cũng là chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế Quốc tế từ 2021-2023 và giúp thành lập sáng kiến Phụ nữ trong Lãnh đạo Kinh tế (IEA-WE) của Hiệp hội Kinh tế Quốc tế (IEA).

Nguồn: PEAC

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Dani Rodrik

Phòng Tư Vấn Vietstock

FILI

- 09:00 16/03/2025





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nóng: Mỹ công bố lộ trình áp phí đối với tàu Trung Quốc cập cảng Mỹ

Ngày 17/04, chính quyền Trump hôm thứ Năm đã chính thức công bố biểu phí áp dụng đối với tàu thuyền do Trung Quốc đóng mỗi khi cập cảng Mỹ.

Trump tỏ ý không muốn tiếp tục tăng thuế với Trung Quốc, nói Trung Quốc đã nhiều lần liên hệ

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết không muốn tiếp tục nâng thuế quan đối với Trung Quốc, viện lý do điều này có thể làm ngưng trệ hoạt động thương mại giữa hai...

Fitch hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức thấp nhất trong 6 năm

Trong một bản cập nhật đặc biệt cho báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu hàng quý, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng chậm lại...

Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tăng lãi suất 350 điểm cơ bản

Trong một động thái bất ngờ với giới tài chính toàn cầu, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định tăng lãi suất thêm 350 điểm cơ bản vào ngày 17/04, đưa mức...

ECB hạ lãi suất lần thứ 7, cảnh báo triển vọng đã xấu đi nhiều vì thuế quan Trump

Trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã quyết định hạ lãi suất lần thứ 7...

Đối đầu với Mỹ, Trung Quốc đang nắm những quân bài nào?

Hai gã khổng lồ kinh tế thế giới đang bước vào một cuộc đối đầu nguy hiểm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gây sức ép buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ.

Trump đòi sa thải Chủ tịch Fed vì chậm hạ lãi suất 

Căng thẳng giữa Nhà Trắng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại một lần nữa leo thang khi Tổng thống Donald Trump công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell trên...

Thuế quan của ông Trump sẽ khiến mỗi gia đình Mỹ tốn thêm 4.700 USD/năm

Giới chức Mỹ cảnh báo, các đòn thuế nhằm vào hàng nhập khẩu do Tổng thống Donald Trump mới ban hành sẽ chỉ khiến chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình nước này tăng...

Niềm tin người tiêu dùng Mỹ lao dốc mạnh

Nguy cơ chiến tranh thương mại do các chính sách của Tổng thống Donald Trump đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế Mỹ, đẩy niềm tin người tiêu dùng Xứ Cờ hoa xuống...

Nhà Trắng kỳ vọng đạt thỏa thuận thương mại với Anh "trong vòng 3 tuần"

Theo nguồn tin độc quyền từ The Telegraph, giới chức Nhà Trắng tin tưởng rằng một thỏa thuận thương mại với Anh Quốc có thể được hoàn tất trong vòng ba tuần tới.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98