TS. Vũ Thành Tự Anh: Đừng vội khuyến khích đầu tư nếu chưa tháo gỡ rào cản
TS. Vũ Thành Tự Anh: Đừng vội khuyến khích đầu tư nếu chưa tháo gỡ rào cản
Thủ tục hành chính, hạ tầng yếu kém, rủi ro biến đổi khí hậu… là những rào cản khiến doanh nghiệp e dè khi đầu tư vào ĐBSCL. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, trước khi bàn đến các chính sách khuyến khích, cần ưu tiên giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.
![]() TS. Vũ Thành Tự Anh phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL 2024, sáng 27/03. Ảnh: Chụp màn hình
|
Ngày 27/03, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2024 với chủ đề "Huy động đầu tư cho phát triển bền vững". Báo cáo năm nay tập trung vào vấn đề đầu tư như một điểm đột phá quan trọng để vực dậy nền kinh tế vùng, vốn đang chịu tác động từ 3 vòng xoáy suy giảm: Kinh tế, Xã hội và Môi trường.
Tại buổi lễ công bố, TS. Vũ Thành Tự Anh, đồng chủ biên báo cáo, nhấn mạnh vòng xoáy kinh tế là yếu tố có thể kiểm soát và đảo ngược nếu có chiến lược đầu tư hợp lý. Thay vì phản ứng bị động với khó khăn, ĐBSCL cần đầu tư thông minh, có chiến lược dài hạn và tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm để tạo sự bứt phá bền vững.
Thực trạng đầu tư tại ĐBSCL: Ngành nào đang chững lại?
Bức tranh tổng quan cho thấy, ĐBSCL duy trì vị trí thứ 4 trong 6 vùng kinh tế - xã hội về đầu tư toàn xã hội từ năm 2010, nhưng tốc độ tăng trưởng đầu tư chậm hơn so với cả nước. Tỷ trọng đầu tư của vùng giảm từ 13.2% năm 2014 xuống còn 10.8% năm 2023.
Xét về lĩnh vực, nông nghiệp chiếm 41.2% diện tích đất lúa cả nước và tiếp tục là trụ cột của vùng. Tuy nhiên, TS. Vũ Thành Tự Anh gợi ý về việc chuyển đổi một phần diện tích đất lúa sang các hoạt động kinh tế có giá trị cao hơn là tiềm năng đáng kể, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, giữ vững bản sắc vùng đồng bằng.
Trong khi đó, đầu tư công nghiệp của ĐBSCL liên tục đứng thứ 5 từ năm 2014, với tốc độ tăng trưởng chỉ 4.6% trong 1 thập kỷ qua. Tỷ trọng đầu tư công nghiệp của vùng giảm từ 7.5% xuống 6.5%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ dân số chiếm khoảng 17-18% cả nước. Đầu tư cho công nghiệp tại ĐBSCL có sự cân bằng giữa khu vực tư nhân trong nước và FDI, mỗi bên đóng góp khoảng 50%. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng, vùng cần đồng thời cải thiện hạ tầng và môi trường đầu tư.
Năng lượng tái tạo là điểm sáng, ĐBSCL vươn lên vị trí thứ 3 cả nước về đầu tư năng lượng nhờ làn sóng đầu tư vào năng lượng tái tạo giai đoạn 2019-2021. Khu vực tư nhân trong nước đã dần thay thế Nhà nước trở thành nhóm đầu tư lớn nhất, đặc biệt trong các dự án điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, tiềm năng điện sinh khối và tận dụng phế phẩm từ rác chưa được vùng khai thác hiệu quả.
Thị trường bất động sản cũng đang mở ra tiềm năng tăng trưởng. Với dự kiến tỷ lệ đô thị hóa tăng gấp rưỡi vào năm 2030, bất động sản có cơ hội phát triển nếu hạ tầng và công nghiệp được đẩy mạnh. Song khả năng huy động và hấp thụ vốn của ĐBSCL vẫn ở mức thấp, là điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Đầu tư cho thương mại tại ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 5% tổng đầu tư xã hội nhưng có tốc độ tăng trưởng cao gấp 1.7 lần trung bình cả nước. Nếu cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics - vốn đang có tốc độ tăng trưởng chậm so với mặt bằng chung - khu vực này có thể tạo động lực kinh tế mới. Tỷ trọng đầu tư cho vận tải và kho bãi tại ĐBSCL giảm từ 12.8% năm 2015 xuống còn 11% năm 2023, phản ánh một trong những nút thắt quan trọng mà vùng cần giải quyết.
Doanh nghiệp không còn mặn mà mở rộng đầu tư ở ĐBSCL?
Xét theo phân bổ đầu tư theo nguồn vốn, ĐBSCL đang đứng thứ 3 về vốn đầu tư ODA tính trên đầu người, đứng thứ 4 về đầu tư công, đứng thứ 5 về đầu tư FDI và đứng thứ 6 về đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước. Ngoại trừ hai lĩnh vực nổi trội là năng lượng và nông nghiệp, ĐBSCL gặp khó khăn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng đầu tư ngang bằng cả nước.
Khảo sát 153 doanh nghiệp từng có thời gian đầu tư kinh doanh tại ĐBSCL cho thấy, 32% doanh nghiệp không có ý định mở rộng đầu tư trong 5 năm tới, 11.1% có kế hoạch đầu tư nhưng tại các địa bàn khác như Đông Nam Bộ. Trong số 56.9% doanh nghiệp dự định đầu tư ở ĐBSCL, đa số (68%) chỉ có kế hoạch mở rộng quy mô tối đa 25% trong 5 năm, cho thấy sự thận trọng rõ rệt. Chỉ 20% có kế hoạch mở rộng từ 25-50%, và chỉ 6% muốn nhân đôi quy mô hiện tại.
Từ bức tranh đầu tư tư nhân tại ĐBSCL phản ánh hai thông điệp rõ ràng. Một là, dù ĐBSCL chưa thực sự hấp dẫn nhưng vẫn có khoảng 60% doanh nghiệp muốn mở rộng, nghĩa là vùng này vẫn có cơ hội, tiềm năng nhất định. Hai là, dù có tiềm năng, nhưng các rào cản khiến doanh nghiệp thận trọng, đa số chỉ mở rộng đầu tư ở mức khiêm tốn trong giai đoạn tới. Vì vậy, nhiệm vụ của chính quyền địa phương và các sở ngành là phải tháo gỡ những nút thắt này. Trước khi nghĩ đến các chính sách khuyến khích, việc đầu tiên là cần giải quyết những khó khăn doanh nghiệp đang đối mặt.
![]() TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh: "Thay vì phản ứng bị động với khó khăn, ĐBSCL cần đầu tư thông minh, có chiến lược dài hạn và tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm để tạo sự bứt phá bền vững."
|
Các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tiếp theo là công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng, xây dựng - bất động sản và nông nghiệp.
Xét về loại hình đầu tư, họ ưu tiên nâng cấp máy móc, thiết bị, phần mềm quản lý và nghiên cứu phát triển - những yếu tố then chốt để gia tăng năng suất. Đây chính là định hướng tương lai của ĐBSCL. Tuy nhiên, để hiện thực hóa, sự đồng hành của chính quyền địa phương là rất quan trọng, giúp doanh nghiệp bớt gánh nặng và gia tăng cơ hội đầu tư.
Vì sao doanh nghiệp e dè mở rộng đầu tư ở ĐBSCL?
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, có 4 nhóm rào cản lớn ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào ĐBSCL: Thứ nhất là môi trường kinh doanh, bao gồm thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ - những vấn đề mà địa phương hoàn toàn có thể chủ động tháo gỡ;
Thứ hai là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, điện, logistics, viễn thông - nhóm yếu tố không thể khắc phục ngay trong ngắn hạn nhưng cần có lộ trình cụ thể;
Thứ ba là thị trường, bao gồm cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt khó khăn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ;
Thứ tư là các vấn đề về địa chất và biến đổi khí hậu như nền đất yếu, mực nước biển dâng, xâm nhập mặn… Dù không thể loại bỏ hoàn toàn, nhưng có thể thích ứng và giảm thiểu tác động.
Một nút thắt quan trọng khác là hiệu quả phân bổ vốn. Quy hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2030 tập trung lớn vào năng lượng và giao thông, nhưng lại thiếu danh mục đầu tư vào hạ tầng viễn thông - yếu tố then chốt cho chuyển đổi số và nâng cao năng suất. Đây có thể là thiếu sót trong quy hoạch, nhưng chắc chắn cần phải là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo địa phương trong thời gian tới.
Liên kết vùng cũng là vấn đề nan giải, khi kết nối nội vùng kém, giao thương với Đông Nam Bộ và cả nước chưa hiệu quả. "ĐBSCL có nghịch lý là kết nối với thế giới nhiều hơn so với phần còn lại của Việt Nam, vì phần lớn nông sản của vùng này là để xuất khẩu”, TS. nêu.
Dù xếp thứ 6 về vốn đầu tư tư nhân, khu vực tư nhân vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của vùng. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh chưa đủ thuận lợi, hạ tầng giao thông, viễn thông và thị trường chưa kết nối tốt, cản trở doanh nghiệp phát triển.
Trong thời gian tới, chính quyền cần đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy kinh tế tư nhân, biến khu vực này thành động lực tăng trưởng quan trọng nhất của vùng. Đây cũng chính là định hướng chung của cả nước: đưa kinh tế tư nhân trở thành trụ cột quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo ĐBSCL.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của ĐBSCL trong phát triển bền vững của Việt Nam, ông Jonathan London - Cố vấn Kinh tế Cao cấp Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, kêu gọi những thay đổi đột phá, tập trung vào phát triển vốn con người, đào tạo nghề, đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao sự phối hơp. "Tương lai phát triển của Việt Nam phụ thuộc lớn vào ĐBSCL. Vì vậy, chúng ta cần hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn và cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng bền vững, năng động và bao trùm".
- 07:07 28/03/2025