Vai trò và tương lai của Kinh tế tư nhân Trung Quốc

11/08/2006 06:09
11-08-2006 06:09:41+07:00

Vai trò và tương lai của Kinh tế tư nhân Trung Quốc

Kể từ khi Đại hội 14 Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định vai trò và địa vị của kinh tế tư nhân Trung Quốc trong nền kinh tế quốc dân, tiếp đó Trung Quốc cho phép đảng viên làm kinh tế và kết nạp các chủ hãng tư nhân cũng như hộ kinh tế cá thể vào Đảng Cộng sản, tới nay kinh tế tư nhân và kinh doanh của hộ cá thể đã có bước phát triển mạnh mẽ, ...

Kể từ khi Đại hội 14 Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định vai trò và địa vị của kinh tế tư nhân Trung Quốc trong nền kinh tế quốc dân, tiếp đó Trung Quốc cho phép đảng viên làm kinh tế và kết nạp các chủ hãng tư nhân cũng như hộ kinh tế cá thể vào Đảng Cộng sản, tới nay kinh tế tư nhân và kinh doanh của hộ cá thể đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành bộ phận có sức sống nhất trong nền kinh tế quốc dân với sự đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước cũng như giải quyết việc làm. Kinh tế tư nhân cũng là lực lượng chủ yếu thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế ở Trung Quốc, đồng thời cũng góp phần thu hẹp chênh lệch giàu nghèo đang ngày càng nghiêm trọng hiện nay.

1-Vai trò của kinh tế tư nhân
Cuối tháng 2/2006, Trung Quốc tổ chức một đoàn kinh tế tiến hành phỏng vấn, trao đổi với gần 400 chủ xí nghiệp tư nhân, đồng thời gửi phiếu thăm dò tới hơn 2400 xí nghiệp tư nhân về đánh giá vai trò của kinh tế tư nhân cũng như những vấn đề và thách thức mà họ gặp phải để từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa xí nghiệp tư nhân lên bước phát triển mới.

Số liệu thống kê của Trung Quốc cho biết hiện nước này có trên 1,3 triệu xí nghiệp tư nhân với vốn đăng ký trên 817 tỉ nhân dân tệ (NDT), đó là chưa kể hàng chục triệu hộ kinh doanh cá thể. Kể từ năm 1980 tới nay, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giá trị sản lượng kinh tế tư nhân tới 71%, hàng năm tỉ lệ giải quyết việc làm tăng tới 41%. Báo cáo của Công ty tài chính quốc tế (IFC) cho biết kinh tế tư nhân Trung Quốc là lực lượng chủ yếu thúc đẩy sự thay đổi của Trung Quốc, nhất là tăng thu nhập cho kinh tế quốc dân và giải quyết việc làm, từ đó giảm nhẹ được những ảnh hưởng tiêu cực của công cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc. Các nhà kinh tế Trung Quốc đều cho rằng: Sự xuất hiện của kinh tế tư nhân là kết quả quan trọng nhất trong tiến trình cải cách của Trung Quốc, vì kinh tế tư nhân đã phát huy vai trò quan trọng và có đóng góp to lớn làm GDP của Trung Quốc tăng lên. Chính vì vậy mà tháng 3/1999 Trung Quốc đã đưa thành phần kinh tế tư nhân vào hiến pháp, được nhà nước bảo hộ.

2-Các giai đoạn phát triển
Trong thời gian từ năm 1949 tới nay, quá trình phát triển kinh tế tư nhân của Trung Quốc có thể chia thành những giai đoạn sau:

-Từ 1949-1979: về cơ bản bị loại bỏ và diệt vong.

-Từ 1979-1983: kinh tế tư nhân được phục hồi, nhưng cũng mới chỉ giới hạn ở kinh doanh hộ cá thể và môt số nhỏ lẻ lĩnh vực mà kinh tế quốc doanh bỏ trống. Các nhà kinh tế Trung Quốc gọi giai đoạn này là “giai đoạn thử nghiệm” của nền kinh tế tư nhân.

-Từ 1984 tới 1992: đây là giai đoạn trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế tư nhân, lúc này Chính phủ Trung Quốc chính thức có phân loại như thuê từ 8 người làm công trở xuống gọi là hộ cá thể, thuê trên 8 người gọi là xí nghiệp tư doanh. Thời gian này chính phủ Trung Quốc chính thức ban hành quy định luật pháp về phát triển kinh tế tư nhân, chính thức coi kinh tế tư nhân là bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân thời gian này vẫn gặp cản trở và bị chấn chỉnh, như cuối năm 1988 có trên 23,1 triệu hộ kinh doanh cá thể và 90.600 xí nghiệp tư nhân, nhưng tới cuối năm 1989 chỉ còn lại 19,4 triệu hộ kinh doanh cá thể và 88.000 xí nghiệp tư nhân.

-Từ 1993 tới nay, có thể nói kinh tế tư nhân được đảm bảo bằng luật pháp, nên phát triển vững chắc hơn. Trong thời gian này, tư tưởng cải cách của lãnh đạo cũng thoáng hơn, nhận thức về kinh tế tư nhân và hộ cá thể đã có chuyển biến căn bản, gạt bỏ được định kiến trước đây, nhất là trong Đại hội 15 năm 1997, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã coi kinh tế tư nhân và hộ cá thể là bộ phận quan trọng hợp thành của kinh tế quốc dân, tiếp đó tháng 3/1999 Trung Quốc đã sửa lại hiến pháp trong đó có việc bảo hộ kinh tế tư nhân.

Sự phát triển của kinh tế tư nhân Trung Quốc có 5 đặc điểm sau: một là, kinh tế tư nhân đã trỗi dậy từ những địa phương và khu vực có ngành nghề truyền thống, có làng nghề lâu năm, nhất là những xí nghiệp gia đình và hương trấn, đại biểu là thành phố Vô Tích, Tô Châu, Thường Châu. Hai là, có sự hỗ trợ tích cực của Hoa kiều từ nước ngoài, nhất là từ Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan, bắt đầu từ các thành phố mở cửa ven biển, lấy đó làm bàn đạp tiến sâu vào nội địa. Ba là, kinh tế tư nhân phát triển cơ bản đã theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, nhưng lúc đầu vẫn phải dựa vào kinh tế công hữu làm chủ đạo. Bốn là, kinh tế tư nhân đã phát triển vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao đại biểu là Khu công nghệ cao Trung Quan Thôn ở Bắc Kinh. Năm là, một số xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ đã chuyển sở hữu sang kinh tế tư nhân, từ đó đã làm cho đội ngũ kinh tế tư nhân ngày càng hùng mạnh, làm ăn có hiệu quả, có sức cạnh tranh.

3-Những thách thức và giải pháp
Mặc dù hiện nay kinh tế tư nhân Trung Quốc đã có vai trò và địa vị xứng đáng hơn trước trong nền kinh tế quốc dân, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như lịch sử, kinh tế tư nhân vẫn chưa được đối xử bình đẳng như kinh tế quốc doanh, bởi vậy chưa phát huy đầy đủ thế mạnh của kinh tế tư nhân. Thách thức của kinh tế tư nhân thể hiện trên những mặt sau:

Một là, chưa được phân phối công bằng nguồn tài nguyên chung của đất nước so với kinh tế quốc doanh. Trong cuộc hội thảo mang tên “Ôn lại cải cách kinh tế Trung Quốc và triển vọng” tổ chức vừa qua ở Bắc Kinh, nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc Ngô Kính Liễn cho biết hiện nay tỉ trọng gía trị sản lượng của kinh tế quốc doanh chỉ chiếm 1/3 GDP của cả nước trong khi kinh tế tư nhân đóng góp tới 2/3 GDP, nhưng họ chỉ nhận được có 1/3 nguồn tài nguyên nhà nước phân phối. Đây là sự bất công trong phân phối nguồn tài nguyên đất nước đối với kinh tế tư nhân.

Hai là, xí nghiệp tư nhân vẫn bị ngăn cấm tham gia đầu tư và sản xuất trong một số ngành mà xí nghiệp quốc doanh vẫn nắm độc quyền và lũng đoạn, nhưng nhiều xí nghiệp quốc doanh thời gian qua kinh doanh không hiệu quả trong những ngành này.

Ba là, nhà nước vẫn áp dụng chính sách đăng ký ngặt nghèo, khắt khe đối với xí nghiệp tư nhân. So với các nước khác trên thế giới thì tiêu chuẩn đăng ký dành cho xí nghiệp tư nhân ở Trung Quốc cao nhất, điều này khiến cho nhiều xí nghiệp tư nhân gặp khó khăn, trong khi đó điều kiện mà ngân hàng đưa ra cho xí nghiệp tư nhân vay vốn cũng rất ngặt nghèo.

Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Hội công thương Trung Quốc Kinh Thúc Bình đã đua ra một số kiến nghị với nhà nước trong việc tạo điều kiện hơn nữa cho xí nghiệp tư nhân, như: Một là, nhà nước phải đưa kinh tế tư nhân vào trong quy hoạch phát triển 5 năm của nhà nước. Hai là, nhà nước cần có kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật cho xí nghiệp tư nhân để họ phát triển có hiệu quả hơn. Ba là, xí nghiệp tư nhân và xí nghiệp quốc doanh cần bình đẳng trước pháp luật, không nên phân biệt đối xử như thời gian qua, nhất là các xí nghiệp tư nhân cũng phải được vay vốn ngân hàng theo điều kiện bình đẳng như xí nghiệp quốc doanh.

Nhìn chung, các nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng thời gian tới vai trò, địa vị và cống hiến của kinh tế tư nhân cho nền kinh tế quốc dân sẽ nhiều hơn và có tương lai phát triển sáng sủa hơn.

TTXVN



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH

VPBankS lên kế hoạch lãi trước thuế vượt 2,000 tỷ đồng, không chia cổ tức năm 2024

VPBankS lên kế hoạch lãi trước thuế vượt 2,000 tỷ đồng, không chia cổ tức năm 2024

Trên cơ sở kế hoạch kinh doanh năm 2025 do Tổng Giám đốc báo cáo, HĐQT CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) sẽ trình ĐHĐCĐ xem xét và thông qua các chỉ tiêu cụ thể, nhìn chung cho thấy kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ, với các cột mốc doanh thu và lợi nhuận mới trong lịch sử hoạt động.




Hotline: 0908 16 98 98