Cơ hội đầu tư với cổ phiếu xi măng Bỉm Sơn
Cơ hội đầu tư với cổ phiếu xi măng Bỉm Sơn
Ngày 24.11, 90 triệu cổ phiếu của công ty xi măng Bỉm Sơn sẽ chính thức được giao dịch tại TTGDCK Hà Nội. Đây là doanh nghiệp đầu tiên thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam thực hiện lên sàn chứng khoán theo tinh thần Quyết định số 528/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Với số vốn điều lệ lên tới 900 tỉ đồng, Xi măng Bỉm Sơn là DN lớn thứ hai trên sàn Hà Nội sau Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa đăng ký giao dịch ngày 21.11 vừa qua. Với sự góp mặt của cổ phiếu Bỉm Sơn, quy mô sàn Hà Nội đã tăng lên mức 6.400 tỉ đồng.
Theo chiến lược phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, dự kiến tốc độ tăng về nhu cầu sử dụng xi măng từ 10 - 15%/năm và năng lực cung cấp của hệ thống trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện tại Xi măng Bỉm Sơn có 2 dây chuyền sản xuất đang hoạt động, công suất theo thiết kế là 1,80 triệu tấn sản phẩm/năm. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, cuối năm 2008, Xi măng Bỉm Sơn sẽ hoàn thành dây chuyền mới công suất 2 triệu tấn sản phẩm/năm. Như vậy năng lực sản xuất của công ty sẽ đứng vào hàng lớn nhất cả nước.
Một trong những lợi thế quan trọng của Xi măng Bỉm Sơn là thương hiệu sản phẩm xi măng với nhãn hiệu “Con Voi” đã được thị trường chấp nhận từ lâu. Những sản phẩm chính của công ty là xi măng pooclăng hỗn hợp PCB 30 và PCB 40, clinker thương phẩm. Theo báo cáo tài chính 2005, sản phẩm xi măng PCB 30 có tỷ trọng 93,16% trong tổng doanh thu, xi măng PCB 40 chiếm 3,47% và clinker chiếm 3,36%. Định hướng trong thời gian tới, công ty sẽ sản xuất đại trà chủng loại xi măng PCB 40 pha phụ gia tỷ lệ cao, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Về nguyên liệu, công ty có nguồn nguyên liệu trữ lượng lớn với chất lượng tốt và ổn định và thời hạn khai thác theo tuổi thọ của công ty. Đặc biệt là nguyên liệu đá vôi, với trữ lượng khảo sát đạt 270 triệu tấn. Nguyên liệu đất sét được khai thác dưới dạng mỏ đồi có trữ lượng khảo sát đạt 69 triệu tấn. Các vùng nguyên liệu này được khai thác cách nhà máy khoảng 2 - 3 km, rất thuận lợi cho sản xuất. Các nguyên liệu đầu vào còn lại được cung cấp theo hình thức đấu thầu. Hiện Xi măng Bỉm Sơn có quan hệ đối tác ổn định với 16 nhà cung cấp truyền thống.
Tuy nhiên, một trong những mối lo của Bỉm Sơn là biến động giá và nguồn cung của sản phẩm than. Trong những năm tới nguồn than của công ty có khả năng bị thiếu hụt và tăng giá. Ngoài ra, giá nhập khẩu thạch cao, clinker liên tục tăng, cộng với khó khăn về vận tải và cước phí tăng cao gần 60% so với năm 2005 có khả năng ảnh hưởng tới doanh thu. Để hạn chế tác động, công ty đã thực hiện kiểm soát các chi phí bằng việc xây dựng hệ thống định mức sản xuất sản phẩm như quy định về tiêu hao nguyên vật liệu, quy định về sử dụng và trang bị phương tiện v.v... Việc quan hệ tốt với các đối tác cung cấp cũng là một lợi thế.
Về mức độ cạnh tranh trong ngành, hiện cả nước có khoảng 13 công ty sản xuất xi măng, clinker và khoảng 9 công ty chuẩn bị hoạt động. Đặc biệt đã có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài xây dựng nhà máy và lắp đặt dây chuyền sản xuất tại Việt Nam và tham gia cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm nhằm giành thị phần. Đồng thời, khi Việt Nam gia nhập WTO, thuế nhập khẩu giảm chỉ còn từ 0-5% , khi đó DN trong nước sẽ phải đối mặt trực tiếp với sản phẩm nhập khẩu và cạnh tranh gay gắt về giá.
Theo các bảng tổng kết tài chính, những chỉ số tài chính của Xi măng Bỉm Sơn khá tốt. Hệ số thanh toán ngắn hạn của công ty năm 2004 là 1,22 và năm 2005 là 1,61 cho thấy khả năng thanh toán ngắn hạn được đảm bảo. Hệ số thanh toán nhanh – chỉ số cho biết một đồng nợ ngắn hạn được đảm bảo bởi bao nhiêu đồng tài sản lưu động có tính thanh khoản cao – năm 2004 là 0,57 và 0,56 năm 2005. Chỉ số này của năm 2005 kém hơn năm 2004 là do hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn. Mặc dù đây là một đặc thù của các công ty xi măng nhưng việc tồn kho tăng cũng là một rủi ro. Hệ số nợ/tổng tài sản của Xi măng Bỉm Sơn năm 2004 là 0,46 và giảm xuống mức 0,41 năm 2005. Hiện công ty không có các khoản nợ quá hạn.
Về một số chỉ tiêu về khả năng sinh lời, hệ số lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần năm 2005 đạt 5,6%, tăng so với mức 4,59% của năm 2004. Như vậy cứ 100 đồng doanh thu thuần mới đem lại 5,6 đồng (năm 2005) lợi nhuận sau thuế. Hệ số lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu năm 2004 là 7,79% và năm 2005 là 8,54%, ở mức trung bình. Tuy nhiên nếu so sánh chỉ số của năm 2005 và năm 2004 thì hiệu quả hoạt động của công ty đang có xu hướng tốt lên.
TBKTVN