Hạ lãi suất cho vay: Xu thế tất yếu!
Hạ lãi suất cho vay: Xu thế tất yếu!
Với mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng là 21% như thời gian qua thì các ý kiến đều cho là quá cao. Thậm chí đại diện một doanh nghiệp đã nêu ra một ví dụ, với mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng như doanh nghiệp của ông thì nếu vay ngân hàng mỗi tháng doanh nghiệp này sẽ phải trả lãi khoảng 42 tỷ đồng. Đó là chưa kể, nếu ngân hàng "lách" trần lãi suất, thì các khoản phí mà doanh nghiệp phải trả thêm không hề nhỏ. Với một mức lãi suất như thế, doanh nghiệp rất khó để thu lãi.
Tuy nhiên, sau cuộc đua lãi suất huy động, lãi suất huy động tại các ngân hàng đang dần đi vào ổn định, không còn ồ ạt tăng mà ngược lại, một số ngân hàng đang dần cắt giảm lãi suất tiết kiệm để tiết giảm chi phí đầu vào. Lãi suất cho vay cũng đang từng bước hạ nhiệt. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là xu thế tất yếu khi lạm phát đã có dấu hiệu được kiềm chế.
Một số ngân hàng đã thông báo hạ lãi suất cho vay xuống dưới mức trần 21%/năm. Tín hiệu này cho thấy cuộc đua lãi suất trong hệ thống các ngân hàng thương mại đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Động thái trái chiều
Kể từ đầu tháng 7 tới nay, đã có ít nhất 5 giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch của các Ngân hàng Thương mại cổ phần có tiếng là Sacombank, Techcombank, VIB Bank đã bị Ngân hàng nhà nước yêu cầu cách chức. Ngày 1/7, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã yêu cầu lãnh đạo VIB Bank xử lý những sai phạm của chi nhánh NH này tại Sài Gòn, trong đó có việc cách chức Giám đốc VIB Bank Chi nhánh Sài Gòn. Theo Ngân hàng nhà nước, VIB Bank Sài Gòn đã lách trần lãi suất cho vay khi cho Công ty Vận tải biển Sài Gòn vay tiền nhưng lại buộc khách hàng phải ký quỹ.
Gần đây nhất, ngày 17/7, Thống đốc Ngân hàng nhà nước tiếp tục có văn bản yêu cầu lãnh đạo Techcombank thực hiện xem xét xử lý với hình thức cách chức đối với Giám đốc Techcombank chi nhánh TP HCM - Trưởng phòng Giao dịch Lê Đức Thọ và Phó Trưởng phòng Giao dịch Thủ Đức cũng của Techcombank đã có hành động yêu cầu ký quỹ tiền trước khi vay, cầm cố tiền gửi, đồng thời áp lãi suất cho vay lên đến 24,4%/ năm. Trước đó một ngày, cùng với văn bản gửi Techcombank, Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP HCM cũng đề nghị cách chức Trưởng phòng giao dịch Tân Định của Sacombank vì đã áp mức lãi suất cho vay đối với khách hàng lên đến 1,92%/ tháng (tức 23,04%/ năm)
Trong khi liên tiếp một số ngân hàng tăng trần lãi suất cho vay thì một số ngân hàng đã công bố giảm lãi suất. Diễn biến trái chiều này có thể thấy qua việc ba ngân hàng lớn nhất Việt Nam - rồi tiếp đó là Eximbank - liên tiếp công bố hạ lãi suất cho vay nhưng không hạ lãi suất huy động. Mở đầu là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố hạ lãi suất từ ngày 9/7 với mức hạ 0,2%/năm đối với VND áp dụng cho tất cả các khách hàng và 0,6%/năm cho các khách hàng thuộc đối tượng ưu tiên. Với cho vay ngắn hạn ngoại tệ, BIDV giảm 2%/năm, mức tối đa còn 8,8%/năm đối với các mặt hàng nhập khẩu ưu tiên và 9,8%/năm đối với các mặt hàng còn lại.
Tiếp đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng công bố giảm lãi suất cho vay đối với tất cả các khách hàng với mức giảm là 0,5%/năm đối với VND (mức giảm lớn hơn BIDV) và cũng giảm 2%/năm đối với cho vay ngoại tệ như BIDV nhưng lãi suất cho vay tối đa chỉ còn có 8%/năm. Vietcombank công bố giảm lãi suất sau nhưng mức giảm lãi suất VND được coi là lớn nhất: giảm 1%/năm nhưng chỉ dành cho đối tượng khách hàng ưu tiên. Vietcombank cũng công bố giảm lãi suất cho vay USD 0,5%/năm, lãi suất cho vay chỉ còn 8,5%/năm (mức lãi suất cho vay USD khi chưa giảm của Vietcombank cũng thấp hơn mức lãi suất cho vay USD đã giảm rồi của BIDV).
Cú sốc thực sự đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng lại đến từ Eximbank – một ngân hàng cổ phần. Tối 18/7, ban lãnh đạo ngân hàng này đã họp và đưa ra quyết định sẽ giảm lãi suất cho vay VND 1%/năm đối với tất cả các khách hàng vay vốn tại Eximbank kể từ 19/7. Mức giảm này của Eximbank tương đương với mức giảm của Vietcombank vừa công bố trước đó, nhưng thay vì chỉ giới hạn ở một số đối tượng như Vietcombank thì Eximbank áp dụng cho tất cả khách hàng.
Như vậy, đến thời điểm này, giảm lãi suất cho vay đã định hình thành một xu hướng và có thể trong những ngày tới sẽ có thêm những thành viên mới nhập cuộc.
Hạ lãi suất cho vay: "Đón đầu" thành công!
Một số ý kiến cho rằng, giảm lãi suất thời điểm này là một chính sách hiệu quả trong việc thu hút khách hàng vay vốn, có giá trị làm nổi bật tên tuổi ngân hàng gắn với những ý nghĩa mà doanh nghiệp, người dân thực sự cần. Một số ý kiến khác cho rằng đó là những quyết định đi trước đón đầu hướng vận động của thị trường.
Dự báo từ tháng 7 này và trong những tháng tới, lạm phát sẽ có chuyển biến tích cực, đi cùng với đó lãi suất ngân hàng dự báo sẽ có sự điều chỉnh thích hợp. Đây là cơ sở cần cho các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, giảm lãi suất cho vay để giữ chân và thu hút khác hàng cũng là một mục tiêu mà các ngân hàng cần tính tới.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng quyết định giảm lãi suất của những thành viên nói trên thực sự là một “thách thức”, bởi ngân hàng ông mới chuyển đổi, các tiêu chí cơ bản trong cạnh tranh đều yếu hơn và lợi thế cạnh tranh còn lại chủ yếu là lãi suất; theo đó quyết định giảm lãi suất cho vay hay không hiện vẫn ở mức độ “xem xét”.
Còn khả năng chung, hiện vẫn tập trung ở những tín hiệu của lạm phát và chuyển động của nền kinh tế vĩ mô, bên cạnh thực tế cân đối tài sản nợ và có, yêu cầu giải ngân… của mỗi ngân hàng. Với những điều kiện này, hy vọng những quyết định giảm lãi suất nói trên sẽ “đón đầu” thành công.
dddn