Cổ phiếu ngành than giảm sức hấp dẫn

21/10/2009 22:43
21-10-2009 22:43:49+07:00

Cổ phiếu ngành than giảm sức hấp dẫn

Ngành than được đánh giá là có tiềm năng lớn, nhưng do một số đặc thù của ngành, nên nhà đầu tư chưa đặt nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu than.

Tiềm năng cổ phiếu ngành than

Hiện có 7 công ty than trực thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với tổng số lượng cổ phiếu niêm yết khoảng 64,5 triệu cổ phiếu.

Tính từ đầu tháng 10/2009 đến nay, cổ phiếu ngành than niêm yết trên HNX trung bình có 9 phiên tăng giá liên tiếp, giao dịch diễn ra sôi động. Hầu hết giá cổ phiếu ngành than đều tăng, mức tăng phổ biến 23 - 49%. Sau một chuỗi dài liên tiếp tăng giá, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 16/10) và đầu tuần này (ngày 19/10), các cổ phiếu than đã quay đầu giảm giá mạnh trước áp lực bán ra chốt lời của nhà đầu tư.

Cụ thể, THT (Than Hà Tu) dừng ở mức giá 38.100 đồng/cổ phiếu, TC6 (Than Cọc Sáu) ở mức 31.600 đồng/cổ phiếu; TCS (Than Cao Sơn) 30.600 đồng/cổ phiếu; NBC (Than Núi Béo) 50.800 đồng/cổ phiếu; TDN (Than Đèo Nai) 32.900 đồng/cổ phiếu… Khối lượng giao dịch trung bình trong mỗi phiên của 7 công ty than khoảng 619.000 đơn vị, giá trị giao dịch trung bình đạt trên 23 tỷ đồng.

Tổng giá trị vốn hóa của các công ty than hiện ở mức 224,53 tỷ đồng (chiếm khoảng 0,04% tổng giá trị toàn thị trường). So với mức P/E của thị trường hiện tại, P/E của ngành than đang ở mức rất hấp dẫn (3,37 lần so với mức trung bình 20 lần của toàn thị trường). Mức P/E thấp cho thấy cổ phiếu ngành than đang khá hấp dẫn, tuy nhiên, cũng phản ánh sự đánh giá chưa cao của các nhà đầu tư với nhóm cổ phiếu than.

Kỳ vọng ngắn hạn của giới đầu tư đang gia tăng, khi TKV đã có quyết định chính thức nâng giá bán than của các đơn vị trong tập đoàn thêm 30% và có khả năng nâng tới 100%. Ngoài ra, việc TKV tăng giá và điều chỉnh tăng sản lượng lên 43 triệu tấn trong năm nay, sẽ giúp một số công ty có thể tăng doanh thu và lợi nhuận (NBC và TC6 đã có quyết định điều chỉnh tăng doanh thu và lợi nhuận năm 2009).

Dựa theo EPS, có thể chia cổ phiếu ngành than thành 2 nhóm. Nhóm một gồm 3 công ty: THT, NBC và TDN, với EPS 4 quý gần nhất lớn hơn 9.000 đồng. Nhóm hai gồm 4 công ty còn lại, với EPS 4 quý gần nhất thấp hơn 9.000 đồng.

Trong nhóm 1, THT đang có mức thanh khoản tốt nhất, với khoảng hơn 300.000 cổ phiếu/phiên (tính trung bình trong 10 phiên gần nhất). Tiếp theo là NBC, với gần 90.000 cổ phiếu giao dịch/phiên, trong khi TDN thanh khoản thấp hơn ở mức gần 30.000 cổ phiếu. Khả năng sinh lời của THT ở mức tốt nhất trong nhóm này, ROA và ROE của THT ở mức 11,4% và 53,2%, giá trị sổ sách đạt 19.330 đồng/cổ phiếu.

Đối với cổ phiếu thuộc Nhóm 2, ngoại trừ TC6 có thanh khoản khá tốt (trung bình trong 10 phiên gần nhất khoảng 80.000 cổ phiếu/phiên), các cổ phiếu còn lại thanh khoản thấp, chỉ trên dưới 20.000 cổ phiếu/phiên.

Nhà đầu tư chưa đặt nhiều kỳ vọng

Mặc dù có P/E rất hấp dẫn, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa đặt nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu ngành than. Nguyên nhân là do định mức lợi nhuận năm nay của các công ty than vẫn ở mức 2% và khó có khả năng tăng, trừ phi giá bán than cho các ngành sản xuất công nghiệp trong nước (xi măng, phân bón) được điều chỉnh theo giá thị trường vào quý IV.

Ngoài ra, xuất lậu than vẫn rất phổ biến và khó kiểm soát. Hiện vẫn chưa có số liệu chính thức về số lượng than xuất lậu. Nhưng theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), lượng than sản xuất do TKV công bố hàng năm chưa phản ánh chính xác lượng than sản xuất thực tế.

Số liệu mà TVSI thu thập được cho thấy, lượng than xuất lậu tương đương với con số sản lượng khai thác mà TKV công bố. Đây cũng chính là vấn đề nhức nhối của Việt Nam trong thời gian qua và về lâu dài, sẽ ảnh hưởng không tốt tới lòng tin của nhà đầu tư khi đầu tư vào các cổ phiếu ngành than.

Bên cạnh đó, một số đặc thù của ngành than cũng làm giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu ngành này.

Thứ nhất là việc các công ty ngành than chỉ dành một tỷ lệ lợi nhuận nhỏ để trả cổ tức (15-16%), trong khi trích quỹ khen thưởng, phúc lợi rất cao. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu ngành than.

Thứ hai, các doanh nghiệp ngành than chưa chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, do chịu sự điều tiết và quản lý của công ty mẹ (TKV). Hàng năm, các công ty đều khai thác than theo các hợp đồng ký với TKV và giá bán than cùng việc phân chia lợi nhuận đều do TKV điều phối quyết định.

ĐẦU TƯ



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98