Dòng tiền bắt đáy có tiếp tục tạo sóng cho thị trường?
Vietstock Daily – Ngày 27/10/2010:
Dòng tiền bắt đáy có tiếp tục tạo sóng cho thị trường?
(Vietstock) – Phiên tăng điểm hôm nay một lần nữa đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, việc thị trường tăng điểm sẽ kích thích một số dòng tiền mới đổ vào. Như vậy, nhiều khả tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Lực cản của thị trường đến từ các tín hiệu kỹ thuật và tâm lý đầu tư ”ngắn ngày”, cũng như rủi ro vĩ mô đến bất ngờ trong những ngày cuối tháng.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 27/10/2010
Thị trường đã có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện. Hàng loạt mã cổ phiếu đồng loạt đảo chiều tăng trần với khối lượng dư mua lớn. Chuỗi ngày ”rơi tự do” của nhiều cổ phiếu đã được chặn lại. Tâm lý nhà đầu tư trở nên phấn khích hơn trước sự phục hồi của thị trường đã khiến thanh khoản gia tăng khá mạnh. Khối ngoại tiếp tục cuộc đua khi mua ròng hơn 63 tỷ đồng trên HoSE.
Kết thúc phiên giao dịch VN-Index tăng 1.45% lên mức 455.12 điểm. Trong khi đó, HNX-Index đã có một phiên thực sự bứt phá khi tăng tới 2.81%, lên mức 114.91 điểm. Thanh khoản của thị trường tiếp tục được cải thiện khá mạnh khi giá trị giao dịch trên HoSE đạt 830 tỷ đồng, còn trên HNX đạt 664 tỷ đồng. Thanh khoản trên HNX tăng mạnh do thanh khoản một số cổ phiếu ”nóng” tăng mạnh như PVX khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị, KLS hơn 3 triệu đơn vị.
Phiên giao dịch bùng nổ hôm nay khởi đầu từ giao dịch trên HNX. Nhóm penny-stocks giảm giá mạnh trong thời gian qua nên đã xuống mức khá sâu. AAA và VE9 mất 2/3 giá trị kể từ mức đỉnh cách đây hơn 1 tháng hôm nay quay đầu tăng trần. Một loạt mã cổ phiếu họ Sông Đà, Vinaconex và cổ phiếu ngành xây dựng cũng đạt được sự phục hồi mạnh mẽ. Sàn HoSE thời gian đầu giao dịch thận trọng, nhưng sau đó đã bắt nhịp cùng HNX. HTV sau khoảng thời gian dài sụt giảm liên tục cũng đã tăng nhẹ trở lại. Ngoài ra, một số cổ phiếu ngành sắt thép, xây dựng và bất động sản tiếp tục có dấu hiệu phục hồi.
Giao dịch của khối ngoại hôm nay cũng diễn ra sôi động. Giá trị mua ròng khối ngoại đạt hơn 63 tỷ đồng trên HoSE, trong khi bán nhẹ trên HNX. Các mã được khối ngoại mua ròng nhiều tiếp tục là HAG, FPT, DPM, trong khi đó bán ròng các mã VPL và SJS. Việc khối ngoại kiên trì mua ròng một số bluechips trên sàn đã góp phần quan trọng cho VN-Index giảm không quá sâu trong thời gian qua.
Diễn biến thị trường khá tích cực bất chấp một số thông tin không thuận lợi về nền kinh tế được công bố trong thời gian gần đây. Có lẽ việc giá cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian qua đã phản ánh kỳ vọng này. Như chúng tôi đã đề cập trước đây, cổ phiếu giảm về vùng giá hấp dẫn chính là một lực đỡ mạnh cho thị trường. Giá cổ phiếu hấp dẫn và gần vùng 1x đã thu hút những nhà đầu tư giá trị; trong lúc đó bên bán cũng không còn tâm lý bán tháo vì cổ phiếu đã giảm quá sâu và P/E đang ở vùng thấp.
Phiên tăng điểm hôm nay một lần nữa đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, việc thị trường tăng điểm sẽ kích thích một số dòng tiền mới đổ vào. Như vậy, nhiều khả tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Lực cản của thị trường đến từ các tín hiệu kỹ thuật và tâm lý đầu tư ”ngắn ngày”, cũng như rủi ro vĩ mô đến bất ngờ trong những ngày cuối tháng.
II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
VN-Index – Phá vỡ SMA 50
Kể từ ngày 21/07/2010, sau khi rớt xuống dưới SMA 50, giá đã bắt đầu một sự sụt giảm đến khó tin: từ 505.4 điểm rớt xuống 423.89 điểm trong vòng chưa đầy 1 tháng. Vì vậy, việc phá vỡ lại ngưỡng này làm dấy lên một khả năng là thị trường sẽ bật mạnh trong những tháng cuối năm. Đương nhiên, đây không phải là một sự khẳng định bởi vì xác suất cho tín hiệu nhiễu trong một thị trường giá xuống (bear market) là rất cao. Vào tháng 01/2009 điều này đã từng diễn ra. Vậy thì đâu sẽ là hành động hợp lý?
Chúng tôi cho rằng nếu thị trường tiếp tục bứt phá trong các phiên tới thì sẽ gặp phải áp lực khá lớn. Điều này bắt nguồn từ ba yếu tố:
Thứ nhất: Vùng đáy cũ 475 – 485 điểm đã trở thành một vùng kháng cự mạnh và có thể sẽ cản lại đà tăng của giá.
Thứ hai: Sự hạ thấp liên tục của các SMA dài hạn mà gần nhất là SMA 100. Trong tháng 08/2010 đường này đã ngăn chặn khá thành công sự bứt phá của thị trường.
Thứ ba: Giá đang test Kumo của Ichimoku Kinko Hyo. Điều này cũng sẽ làm tăng khả năng điều chỉnh.
Về mặt quan điểm phân tích, chúng tôi vẫn ủng hộ khả năng tăng trưởng của thị trường trong trung hạn vì các tín hiệu đang quay trở lại. Tuy nhiên, trường phái đầu tư ngắn hạn đã mua tại các vùng giá thấp vào tuần trước thì việc chốt lời khi thị trường test lại vùng 475 – 485 điểm là điều cần thiết, nhằm tránh bị rơi vào thế bị động khi thị trường quay đầu giảm điểm.
Trong trường hợp ngược lại, khi thị trường rung lắc mạnh vào cuối tuần, việc mua vào theo chúng tôi cũng không phải là một chiến lược quá rủi ro.
Dow Jones – Sự bứt phá liệu có tiếp diễn?
Nếu tiếp tục bứt phá trong vài tuần tới thì thị trường Mỹ sẽ tạo ra một ngoại lệ thú vị: bứt phá mà không cần tích lũy để lấy đà.
Trên quan điểm trung hạn, thị trường này sẽ tiếp tục tăng giá và có thể phá vỡ kênh ổn định hiện tại. Theo cách tính toán mục tiêu giá của một số chuyên gia phân tích kỹ thuật hàng đầu như Colin Twiggs, Marty Chenard... thì nếu bứt phá giá có thể đạt mục tiêu trung hạn 12,700:
Target: 11,200 + ( 11,200 – 9,700 ) = 12,700
Chúng tôi không đưa ra dự báo mức điểm nhưng chúng tôi cho rằng chừng nào giá còn nằm trên các đường trung hạn của MA và vùng 9,700 – 10,000 điểm vẫn còn đứng vững thì xu hướng tăng vẫn còn tiếp tục.
Sự thoái lùi trong ngắn hạn (nếu có) cũng không đáng ngại vì cận dưới của kênh giá tăng sẽ chống đỡ cho thị trường. Việc mua vào khi thị trường tích lũy là có thể xem xét.
III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 26/10/2010
Thống kê chỉ số VN-Index và HNX-Index
Thống kê giao dịch cổ phiếu tiêu biểu
Thống kê giao dịch nhà đầu tư nước ngoài
Một số chỉ số chứng khoán thế giới
Hồ Bá Tình - Nguyễn Quang Minh