Triển vọng kinh tế của Trung Quốc
Triển vọng kinh tế của Trung Quốc
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, kinh tế đại lục này năm 2010 tăng trưởng 10,3% và đạt 39.800 tỉ nhân dân tệ (NDT), tương đương 6.000 tỉ USD, trong khi GDP của Nhật Bản năm 2010 chỉ tăng 3,9% và đạt 5.474 tỷ USD.
Nhiều người cho rằng, với đà tăng trưởng này, Trung Quốc sẽ nhanh chóng chi phối kinh tế toàn cầu và giúp thế giới thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chỉ so sánh quy mô kinh tế nước này với Nhật Bản sẽ không đem lại một bức tranh đầy đủ, chính xác do thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc là 4.500 USD, trong khi con số này tại Nhật Bản là 40.000 USD, Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển. Nhà kinh tế Mỹ Bryan Rich cũng cho rằng, kinh tế Trung Quốc tuy tăng nhanh nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu, nhận xét này xuất phát từ hai lý do:
Thứ nhất, việc Trung Quốc duy trì NDT yếu để hỗ trợ xuất khẩu thế giới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, nhưng lại gây thiệt hại cho các đối tác thương mại, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu. Tình trạng mất cân cân bằng thương mại toàn cầu đang đẩy kinh tế thế giới vào tình cảnh khó khăn, việc duy trì NDT yếu có thể đến các cuộc chiến tranh tiền tệ, chia rẽ chính trị và bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, đó chưa phải là vấn đề cấp thiết trong năm 2011 do không quốc gia nào muốn Trung Quốc sụp đổ, nếu kinh tế Trung Quốc suy thoái, kinh tế toàn cầu sẽ mất ổn định mà thế giới đang cần sự phục hồi ổn định hiện nay.
Thứ hai, sự tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc có thể nhanh chóng biến thành nền kinh tế bong bóng. Thế giới đã chứng kiến sự suy thoái đầy kịch tính tại các nước Đông Nam Á năm 1997 và sự chi tiêu dựa trên tín dụng dễ dàng tại Trung Quốc đã chạm ngưỡng nguy hiểm, diễn biến gần đây sẽ làm cho tình hình xấu đi khi tỉ lệ tiêu dùng cá nhân trong GDP ngày càng giảm, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đầu tư.
Trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng tiêu dùng cá nhân thông qua nhiều biện pháp khác nhau, đáng chú ý là tăng lương cho người lao động. Đây là chủ trương đúng đắn, nhưng tăng lương sẽ gây ra vòng xoáy lạm phát. Hơn nữa, biện pháp này cũng khó mang lại hiệu quả do cạnh tranh quyết liệt đã và đang đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản với hậu quả là một tỉ lệ lao động nhất định mất việc làm, nên thu nhập và sức mua thấp. Trầm trọng hơn, bùng nổ đầu cơ thúc đẩy xây dựng hạ tầng ồ ạt và quá mức tại Trung Quốc đang tràn sang các thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu thông qua các khoản tín dụng rẻ tiền mà Trung Quốc cung cấp cho thế giới.
Còn nhớ, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 lên đến đỉnh cao, các chính phủ đã phải tung ra các gói kích thích tài chính ồ ạt nhằm khởi động quá trình phục hồi. Còn tại Trung Quốc, mặc dù kinh tế tăng 6%, nhưng chính phủ vẫn sử dụng gói kích thích tài chính lớn nhất thế giới và lên tới 16% GDP, chưa kể các khoản cho vay mới từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC). Cung ứng tiền tệ của Trung Quốc tăng vọt và đạt 79% kể từ khi bùng nổ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, gấp 5 lần cung ứng tiền tệ của Mỹ.
Hiện nay, tuy Trung Quốc bắt đầu siết lại tốc độ tăng cung ứng tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng người ta nghi ngờ biện pháp này rất khó giúp Trung Quốc thoát khỏi suy thoái, nhiều chuyên gia cũng ngạc nhiên khi PBC liên tục tăng lãi suất mà không tăng giá NDT trong khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã lên tới trên 2.850 tỉ USD.
Để quản lý tỉ giá theo hướng duy trì tỉ giá cố định, PBC phải liên tục mua USD từ thị trường tự do, USD càng yếu thì càng phải mua nhiều. Nhưng khi Mỹ cố tình đẩy lùi giảm phát bằng cách in thêm tiền và USD giảm giá, thì chính sách tỉ giá cố định của Trung Quốc dường như đã mất hiệu lực. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ và một số ngân hàng trung ương in thêm tiền để đổi lấy hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mà không để mua hàng sản xuất trong nước nên lạm phát thấp, lượng NDT in thêm không được xuất khẩu mà nằm lại trong nước, qua đó đẩy giá tiêu dùng tăng cao và lạm phát đang trở thành vấn đề chính trị nổi bật tại Trung Quốc. Một số người cho rằng, việc in thêm tiền để mua ngoại tệ nhằm kiềm chế tỉ giá là giải pháp thường được thực thi trong nền kinh tế đang suy thoái, trong khi kinh tế Trung Quốc đang hưng thịnh, và đây chính là nguyên nhân dẫn đến lạm phát.
Từ nhiều thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao và thường xuyên đạt 2 con số, nếu tốc độ này giảm xuống còn 5% thì kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào suy thoái, đe dọa việc làm của hơn một tỉ người dân trong nước và sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm giáo sư Đại học Havard, suy thoái kinh tế tại Trung quốc có thể làm giảm giá hàng hóa toàn cầu tới 20%, dẫn đến tình trạng vỡ nợ quốc gia mang tính dây chuyền, và bùng nổ tín dụng kéo dài trong thập niên qua có thể thay thế bằng một thập niên trả nợ. Như vậy, thập niên tiếp theo sau 10 năm bùng nổ tín dụng của Trung Quốc sẽ là thập niên “thắt lưng buộc bụng” để trả nợ. Trong bối cảnh này, kinh tế toàn cầu sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn.
Theo kết quả thăm dò ý kiến của 1.000 khách hàng của Bloomberg, 45% tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc sẽ nổ ra trong vòng 5 năm tới, 40% khác dự đoán chuyện này chỉ xảy ra sau 2016, chỉ có 7% quả quyết rằng Trung Quốc sẽ không lâm vào những rắc rối như vậy.
Hoàng Thế Thỏa
SBV