Áp lực tăng tỷ giá vẫn hiện hữu
Áp lực tăng tỷ giá vẫn hiện hữu
Theo các chuyên gia, để giải tỏa áp lực đối với tỷ giá hối đoái, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ
NHNN vừa công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của đồng Việt Nam với đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 14/12/2011 tăng thêm 0,05%. Mức tăng này vẫn thuộc về cam kết bình ổn trong phạm vi 1% của Thống đốc NHNN, bởi nếu tính từ ngày 7/9/2011, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng tổng cộng 0,9%. Ngay lập tức, các ngân hàng cũng đã đẩy mức giá bán ra kịch mức trần mới. Cụ thể, Eximbank nâng giá mua vào lên mức 21.000 VND/USD, BIDV khoảng 21.021 VND/USD, Vietcombank là 21.021 VND/USD.
Việc NHNN tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng được đánh giá là khá bất ngờ đối với thị trường ngoại hối đang được nhìn nhận là "nguôi" áp lực tỷ giá. Lý do bởi, lượng kiều hối dồi dào, với ước tính của WB có thể lên tới 9 tỷ USD; nhập siêu giảm trong tháng 11; các dự án FDI tính đến tháng 11 đã giải ngân ước đạt 10,05 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2010; lạm phát tính đến cuối tháng 11 vẫn còn cao so với các nước trong khu vực nhưng đang trên đà giảm tốc trong 3 tháng liên tiếp trở lại đây và dự kiến sẽ còn giảm tiếp trong năm 2012. Đặc biệt, tỷ giá ổn định đi kèm với thị trường vàng hạ nhiệt trong thời gian vừa qua…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng do đây là thời điểm các doanh nghiệp nhập hàng về phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân; một số doanh nghiệp bắt đầu mua ngoại tệ trả nợ các khoản vay từ đầu năm; các khoản nợ nước ngoài đến thời điểm đáo hạn và cân đối mức chênh lệch giữa cho vay ngoại tệ và huy động của rất nhiều ngân hàng hiện rất cao, có ngân hàng đã cho vay gấp đôi huy động. Về tổng thể, tính đến cuối tháng 11/2011, tín dụng ngoại tệ tăng 17% và tiền gửi tăng 7% so với đầu năm. "Những con số trên thể hiện rõ áp lực tỷ giá đang hoàn toàn hiện hữu", một chuyên gia ngân hàng nhận định.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nêu quan điểm, Thống đốc NHNN vẫn có thể giữ được cam kết bình ổn tỷ giá trong mức 1% từ nay đến cuối năm nay, bởi thời gian thực tế chỉ còn khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, với các áp lực hiện hữu, căng thẳng thanh khoản ngoại tệ cũng như căng thẳng thanh khoản đang hiện hữu trên toàn hệ thống, TS. Hiếu dự báo, tỷ giá sẽ thay đổi ngay trong quý I/2012.
Theo các chuyên gia, để giải tỏa áp lực đối với tỷ giá hối đoái, NHNN nên tiếp tục tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ. Điều này có thể làm cho chi phí vốn tăng lên, lãi suất đầu ra tăng lên, khoảng cách về lãi suất giữa cho vay ngoại tệ và cho vay bằng VND thu hẹp lại. Song song, NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với tín dụng ngoại tệ, đặc biệt với các nhóm hàng, đối tượng được cấp tín dụng ngoại tệ. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp mang tính hành chính, tạm thời, còn về dài hạn, việc điều tiết tín dụng nội tệ và ngoại tệ phải thông qua các công cụ của thị trường.
Bên cạnh đó, trong trường hợp căng thẳng, NHNN có thể sử dụng lượng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường tỷ giá hối đoái. Nhưng quan trọng hơn cả, các chuyên gia cho rằng, mặc dù không phủ nhận NHNN đã điều hành thị trường ngoại hối linh hoạt theo cung cầu của thị trường nhưng giữ mức biên độ 1% là quá hẹp, cần mở rộng hơn khoảng 3% để thị trường dễ vận hành. Đồng thời nên áp dụng các biện pháp thị trường với liều lượng và thời gian tùy thuộc vào diễn biến của thị trường.
Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh: "Chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái cần phải tập trung vào xây dựng lòng tin vào tiền đồng; kỳ vọng lạm phát thấp hơn và tái thiết dự trữ ngoại hối. Đặc biệt, lòng tin là một mục tiêu dài hạn, nó khó đạt được, có thách thức liên tục để duy trì niềm tin và dễ dàng để mất".
Thủy Nguyên
Đầu tư chứng khoán