Sức ép tăng tỷ giá vẫn lớn
Sức ép tăng tỷ giá vẫn lớn
Một nghiên cứu vừa công bố của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, áp lực tỷ giá ngoại hối trên thị trường ngoại hối vẫn còn mạnh và có chiều hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây.
Bản báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chủ trì, nhận xét, xu hướng tăng tỷ giá tiền đồng so với đô la Mỹ có thể sẽ tiếp tục trong thời gian trước mắt, kể cả đầu năm 2012.
Lý do chính là áp lực từ lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ và các biểu hiện đầu cơ.
Nghiên cứu này ghi nhận, trong những tháng cuối năm 2011, thị trường ngoại hối chứng kiến sự tăng lên nhanh chóng của cầu về ngoại tệ do (i) nhu cầu mua ngoại tệ để trả các khoản vay đáo hạn của các doanh nghiệp tận dụng chênh lệch lãi suất trong hai quí đầu năm 2011, (ii) nhu cầu nhập khẩu thường tăng cao vào cuối năm cộng thêm nhu cầu nhập khẩu vàng nhằm kiếm lời từ sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, (iii) Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng ngoại tệ, (iv) lãi suất tiền gửi ngoại tệ tăng cao, lên trên 5%/năm và (v) hoạt động đầu cơ gia tăng.
Thêm vào đó, cung ngoại tệ giảm sút do các doanh nghiệp không muốn bán ngoại tệ cho ngân hàng khi họ lo lắng về khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phải phá giá tiền đồng.
Uỷ ban Kinh tế cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục cam kết đi theo hướng thị trường trong quản lý tỷ giá để khôi phục niềm tin của thị trường.
Theo tính toán của nghiên cứu này, tiền đồng đã bị định giá trên 20% vào thời điểm giữa năm 2010 và cũng trải qua một thời kỳ biến động theo hướng mất giá tới 20% trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối 2008.
Cả hai đặc tính định giá cao và biến động lớn đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Đồng tiền bị định giá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế trong khi đó dao động lớn trên thị trường ngoại hối sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và giảm sút niềm tin của công chúng vào đồng Việt Nam.
Nghiên cứu của Uỷ ban Kinh tế nêu ra ba vấn đề chính sách mà Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm.
Thứ nhất, liệu mức sai lệch tỷ giá như trên có phải là kết quả của một chủ trương điều hành tỷ giá có chủ đích nhằm đạt một/những mục tiêu chính sách nào không?
Thứ hai, liệu các nhà hoạch định chính sách có ý thức được mức độ sai lệch về tỷ giá như vậy không và có những biện pháp gì để làm giảm nhẹ mức sai lệch, độ biến động của tỷ giá hoặc những tác động bất lợi của các sai lệch, biến động lớn đó không?
Cuối cùng là việc sai lệch đó có ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng kinh tế vĩ mô nói chung?
Nghiên cứu này, tuy vậy, đề xuất rằng cần tiếp tục thảo luận những vấn đề chính sách như trên.
Bản báo cáo trên được thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) sẽ được gửi đến tay các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp tới.
Tư Hoàng
TBKTSG Online