Vì sao người tiết kiệm Mỹ chưa thể hưởng lợi từ quyết định tăng lãi suất của Fed?

24/03/2017 13:40
24-03-2017 13:40:00+07:00

Vì sao người tiết kiệm Mỹ chưa thể hưởng lợi từ quyết định tăng lãi suất của Fed?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất thêm 0.25% vào hôm thứ Tư tuần trước – và đó là lần tăng thứ 3 kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính kết thúc, Washingtonpost đưa tin.

Có lẽ bạn đã để ý rằng những đợt tăng lãi suất làm cho việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn do lãi suất dành cho thẻ tín dụng, các khoản vay hạn mức theo vốn chủ sở hữu và những hình thức vay khác bị đẩy lên. Tuy nhiên, có thể phải mất một thời gian trước khi các đợt tăng lãi suất ấy giúp cho tiền trong tài khoản tiết kiệm của bạn tăng lên. Các ngân hàng phải chọn thời điểm tăng lãi suất dành cho tài khoản tiết kiệm, và họ chẳng vội vàng gì trong chuyện mang thêm tiền đến cho bạn.

“Mọi người cần phải quen với chuyện lãi suất tiết kiệm thấp”, Alan MacEachin, chuyên gia kinh tế doanh nghiệp tại Navy Federal Credit Union, nói.

Trong quá khứ, các đợt tăng lãi suất của Fed hầu như ngay lập tức dẫn đến lợi suất tốt hơn dành cho các tài khoản tiết kiệm. Lãi suất cao hơn khiến cho các ngân hàng và hội tín dụng có thể tính chi phí vay cao hơn, giúp họ kiếm được lợi nhuận nhiều hơn, rồi từ đó “san sẻ” cho khách hàng gửi tiết kiệm dưới hình thức lợi suất cao hơn.

Tuy vậy, sau cuộc khủng hoảng tài chính – một sự kiện khiến cho nhiều người tiêu dùng lo lắng hơn khi đầu tư hay tiêu tiền, nhiều tổ chức tài chính đã dồi dào tiền mặt đến nỗi họ không có nhiều động lực tăng lợi suất dành các tài khoản tiết kiệm, Sean McQuay, chuyên gia ngân hàng và tín dụng của trang web tài chính cá nhân NerdWallet, nêu ý kiến. Mặc dù một số công ty đã bắt đầu áp dụng lãi suất cao hơn cho người tiết kiệm, nhưng Fed có thể phải nâng lãi suất thêm vài lần nữa trước khi ‘các tài khoản tiết kiệm được hưởng lợi suất cao hơn’ trở thành điều bình thường, McQuay nói.

Kể từ khi Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất mới nhất vào tháng 12/2015, lợi suất dành cho các tài khoản tiết kiệm, chẳng hạn như các tài khoản thị trường tiền tệ, chứng chỉ tiền gửi, và tài khoản tiết kiệm truyền thống đã tương đối ổn định. Theo Bankrate.com, trang web chuyên so sánh lãi suất các ngân hàng với nhau, từ thứ Tư tuần trước trở đi, lợi suất trung bình dành cho các tài khoản thị trường tiền tệ là 0.11%, không thay đổi nhiều so với mức 0.10% hồi tháng 12/2015.

Ngược lại, người tiêu dùng đang bị “vắt kiệt” bởi lãi suất cao dành cho tín dụng và các khoản vay khác, vốn luôn bị các đợt tăng lãi suất của Fed ảnh hưởng trực tiếp. Chẳng hạn, theo Bankrate.com, vào tuần trước lãi suất tín dụng trung bình đã tăng từ mức 15.77% (thời điểm đầu tháng 12/2015) lên 16.26%. Lãi suất trung bình dành cho các khoản vay hạn mức theo vốn chủ sở hữu, vốn cũng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi Fed, đã tăng từ mức cũ là 4.75% lên 5.15%, trong cùng khoảng thời gian đó.

Ngay cả sau khi nhiều ngân hàng hơn bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm, chúng ta còn lâu lắm mới được thấy các mức lợi suất “hào phóng” 5%, 6% hay 7% dành cho các chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm vốn khá phổ biến trong những năm 1980 và 1990, Greg McBride, chuyên gia phân tích tài chính trưởng của Bankrate.com, cho biết. “Sẽ là một hành trình dài và khó khăn”, ông nói, và cho biết thêm ông kỳ vọng Fed sẽ tăng từ từ.

Cho tới lúc đó, người tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính lớn nhìn chung sẽ cần phải tiết kiệm thêm, hoặc chờ lâu hơn, để bù cho quãng thời gian lợi suất thấp.

Một số người tiêu dùng có thể quyết định đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu – và đối mặt với nhiều rủi ro hơn – nếu họ muốn kiếm được lợi nhuận cao hơn, Clinton Key, chuyên gia nghiên cứu của Pew Charitable Trusts, nói. Điều đó có thể không là vấn đề đối với những người tiết kiệm cho các mục tiêu dài hạn, như hưu trí, và những người có nhiều thời gian hồi phục thua lỗ.

Nhưng một số người đã hoặc sắp về hưu, cũng như những ai đang tiết kiệm cho một mục tiêu ngắn hạn, chẳng hạn như để có tiền đặt cọc cho một ngôi nhà họ muốn mua trong 5 năm tới, có thể không thể chấp nhận loại rủi ro đó, Key nói.

Nếu bạn không muốn chấp nhận rủi ro đó, thì lướt một vòng quanh các ngân hàng, hội tín dụng trong khu vực mình đang sống và những tài khoản tiết kiệm trực tuyến để có được lợi suất cao nhất cho tài khoản tiết của mình có lẽ là điều khôn ngoan, McQuay. Chẳng hạn, một số ngân hàng trực tuyến có thể đưa ra các lợi suất tiết kiệm lên tới 1%, so với lợi suất 0.01% thông thường mà các ngân hàng truyền thống đang áp dụng, ông nói./.







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nhật Bản: Đồng yen có thể suy yếu xuống mức kỷ lục của 38 năm trước

Đồng yen của Nhật Bản là “nạn nhân” rõ ràng nhất của sự chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa Nhật Bản với Mỹ, và thậm chí cả hoạt động đầu cơ.

Các đồng tiền châu Á sắp có tuần tăng giá mạnh nhất trong 2 tháng

Các đồng tiền châu Á sắp ghi nhận tuần tăng tốt nhất trong 2 tháng, khi các nhà hoạch định chính sách ở các nước đẩy mạnh can thiệp để hỗ trợ tỷ giá.

Nikkei: Báo động đỏ về biên lãi ròng của các ngân hàng Trung Quốc

Theo kết quả khảo sát 58 ngân hàng thương mại được niêm yết tại Trung Quốc đại lục và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của tờ Nikkei, biên lãi ròng của 39 ngân...

Microsoft cam kết đầu tư 1,7 tỷ USD phát triển hạ tầng AI cho Indonesia

Giám đốc Điều hành Microsoft cho biết hãng sẽ sớm xây dựng các trung tâm dữ liệu ở Indonesia, cũng như giúp quốc gia này đào tạo hàng trăm nghìn lao động trong lĩnh...

Hơn 100 cửa hàng KFC tại Malaysia phải đóng cửa

QSR đã thay đổi chiến lược xây dựng thương hiệu theo hướng mang tính Hồi giáo hơn trên trang web của mình, nhưng nhiều người Malaysia vẫn tiếp tục quay lưng với...

Bất động sản Trung Quốc vẫn gặp khó dù tăng cho vay, nới lỏng hạn chế

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã phải cắt giảm mạnh mẽ lực lượng lao động khi họ phải gánh chịu các nghĩa vụ nợ ngày càng tăng và doanh số bán hàng sụt...

Nhật Bản: Đồng yen tiếp tục trượt dốc, giảm xuống mức thấp kỷ lục mới

Đồng yen tiếp tục trượt dốc xuống mức thấp kỷ lục khi Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) ngày 26/4 duy trì lãi suất hiện nay sau cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày.

Thêm một ngân hàng Mỹ phá sản

Trong ngày 26/04, Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã thông báo về việc đóng cửa ngân hàng Republic First Bank, đánh dấu vụ sụp đổ ngân hàng đầu tiên tại...

Đồng yen của Nhật Bản trượt giá xuống mức thấp nhất trong 34 năm

Giá đồng yen giảm sau khi Mỹ công bố các dữ liệu lạm phát mới cao hơn dự tính, đẩy giá đồng USD lên mức cao nhất trong 5 tháng và càng củng cố niềm tin rằng Fed sẽ...

Indonesia bất ngờ nâng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Indonesia bất ngờ nâng lãi suất trong ngày 24/04 nhằm hỗ trợ đồng Rupiah, sau khi đồng tiền này rơi xuống đáy 4 năm.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98