Thế giới lúng túng khi Trung Quốc dừng nhập rác

17/04/2018 18:12
17-04-2018 18:12:37+07:00

Thế giới lúng túng khi Trung Quốc dừng nhập rác

Trong suốt nhiều thập niên, Trung Quốc là nước nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới - một địa vị mà nhiều quốc gia khác xem như chuyện "đương nhiên". Bởi vậy, khi Trung Quốc bất ngờ tuyên bố dừng nhập 24 loại phế liệu bắt đầu từ năm 2018, nhiều nước đã rơi vào thế bí.

Kho phế liệu trong một nhà máy tái chế nhựa ở Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: Getty/CNBC.

Hãng tin CNBC dẫn lời giới chuyên gia cho biết, hơn 3 tháng sau khi lệnh cấm của Trung Quốc được thực thi, các quốc gia xuất khẩu phế liệu vẫn đang loay hoay tìm thị trường thay thế.

Nhiều ý tưởng khác nhau đã được đưa ra: Liên minh châu Âu (EU) nói đang cân nhắc đánh thuế sử dụng nhựa, Anh muốn chuyển xuất khẩu rác sang Đông Nam Á, còn Mỹ thì đề nghị Trung Quốc dỡ lệnh cấm. Nhưng tất cả đều không phải là giải pháp dài hạn cho một trật tự mới toàn cầu về quản lý rác.

Trước đây, Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản đều xuất khẩu phần lớn phế liệu sang Trung Quốc.

Bởi vậy, đối với 4 nền kinh tế này, "lệnh cấm của Trung Quốc đối với nhập khẩu phế liệu đồng nghĩa mất đi một kênh đổ rác quan trọn, dẫn tới những vấn đề mà họ không lường trước được", chuyên gia về Trung Quốc Neil Wang thuộc công ty tư vấn Frost and Sullivan nhận định.

"Họ không thể đi đến được những giải pháp hiệu quả trong ngắn hạn. Các nước xuất khẩu phế liệu lớn đang chật vật tìm cách khắc phục tình thế", ông Wang nói.

Trước khi có lệnh cấm, Trung Quốc là nơi tiêu thụ hơn một nửa phế liệu của thế giới. Theo tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), vào lúc đỉnh cao, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 9 triệu tấn phế liệu nhựa mỗi năm.

Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu phế liệu vào thập niên 1980 để phục vụ cho ngành sản xuất tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Theo đó, một ngành công nghiệp tái chế rác thải quy mô lớn đã hình thành, nhưng việc xử lý không phù hợp và thiếu cơ chế giám sát hiệu quả góp phần đã dẫn tới ô nhiễm nghiêm trọng.

Giờ đây, khi đã trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực làm sạch bầu không khí, nguồn nước và đất. Kể từ khi lên cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đóng cửa hàng chục nghìn nhà máy có mức độ gây ô nhiễm cao, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái sinh, và trở thành một quốc gia đi đầu về đầu tư vào phát triển xanh.

Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Theo một nghiên cứu do Đại học Chicago của Mỹ công bố vào tháng 3, mức độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc vẫn vượt quá tiêu chuẩn toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thiết lập.

Tuy nhiên, việc cấp nhập 24 loại phế liệu, được Chính phủ Trung Quốc công bố vào tháng 7 năm ngoái và thực thi từ tháng 1 năm nay, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà bảo vệ môi trường. Các nhà hoạt động nói lệnh cấm này sẽ không chỉ giúp làm sạch môi trường của Trung Quốc, mà còn buộc các quốc gia khác phải quản lý tốt hơn rác thải của chính mình.

Mỹ - quốc gia xuất khẩu 5,6 tỷ USD phế liệu sang Trung Quốc trong năm 2016 - vào tháng trước đề nghị Bắc Kinh "dừng ngay lập tức" lệnh cấm. Mỹ cho rằng cách làm của Bắc Kinh có thể gây hiệu ứng ngược, bởi nhiều loại phế liệu lẽ ra được đem tái chế sẽ bị đem ra bãi chôn lấp rác.

Trung Quốc nói rằng họ hiểu mối quan ngại của Mỹ và sẽ có sự điều chỉnh về danh mục phế liệu bị cấm nhập khẩu, nhưng không có ý định rút lại lệnh cấm - tờ báo Trung Quốc Thời báo Hoàn cầu cho hay.

Số liệu Hải quan cho thấy, trong quý 1/2018, nhập khẩu phế liệ rắn, gồm nhựa, giấy và kim loại của Trung Quốc giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng kỳ, một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan cho biết nhập khẩu phế liệu tăng mạnh - một dấu hiệu cho thấy dòng phế liệu đã chuyển hướng đi. Tuy nhiên, các chuyên gia không cho rằng các nước này có thể lấp đầy khoảng trống mà Trung Quốc để lại.

Theo ông Lawrence Loh, giáo sư thuộc Đại học Quốc gia Singapore, các nước Đông Nam Á vốn đã đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí do cháy rừng, nên "họ sẽ không muốn làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn bằng cách nhập khẩu rác".

"Trong dài hạn, vấn đề sẽ phải được giải quyết tại nguồn. Bắc Mỹ và Tây Âu cần có những những nỗ lực rõ ràng và thực sự để giảm lượng rác thải", ông Loh nói thêm. "Thay vì tìm một nơi tiếp theo để xuất khẩu rác, các nước phát triển cần chịu trách nhiệm cắt giảm rác thông qua những biện pháp bền vững".

An Huy

Vneconomy





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Mỹ tạo ít việc làm hơn dự báo, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3.9%

Nền kinh tế Mỹ có thêm ít việc làm hơn dự báo trong tháng 4/2024, chấm dứt chuỗi tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trước đó - một yếu tố đã khiến Fed phải tỏ ra cẩn...

OECD nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới

OECD đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới, nhờ sự phục hồi mạnh của kinh tế Mỹ, trong lúc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tụt lại...

Sàn giao dịch điện nở rộ, thu hút nhà đầu tư

Thị trường điện châu Âu có những bước tiến tự do hóa xa hơn. Hợp đồng điện tương lai được giao dịch rộng rãi, ước tính có quy mô gấp bảy lần quy mô thị trường giao...

"Ông lớn" dược phẩm Pfizer với cái kết hậu COVID-19

Giám đốc tài chính của Pfizer bày tỏ hài lòng về mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ 11% của các sản phẩm không liên quan tới COVID-19 trong quý vừa qua của công ty...

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ lên 6,8%

IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại từ 6,5% (được đưa ra hồi tháng Một) lên mức 6,8%, chủ yếu nhờ đầu tư công.

Chủ tịch Jerome Powell: Fed khó nâng lãi suất trở lại

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng lạm phát vẫn còn quá cao và Fed không cảm thấy tự tin về tiến triển lạm phát.

Fed giữ nguyên lãi suất, giảm nhịp độ thắt chặt định lượng

Fed giữ nguyên lãi suất khi cuộc chiến chống lạm phát dần trở nên khó khăn hơn trong thời gian gần đây.

Kinh tế toàn cầu hồi phục "đáng kinh ngạc" bất chấp các cú sốc lớn

IMF nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm nay lên 3,2%, tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách vẫn cần phải có những hành động quyết đoán để bảo vệ những...

Quỹ đầu tư Mỹ sắp đạt thoả thuận mua lại cổ phần tại chuỗi gà rán KFC Nhật Bản

Nikkei Asia cho biết quản lý quỹ tài sản Carlyle Group của Mỹ sắp mua lại KFC Holdings Japan, nhà điều hành chuỗi cửa hàng gà rán KFC tại nước này.

Nhiều nước châu Á đẩy lùi thời điểm giảm lãi suất

Với triển vọng ngày càng mờ mịt về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng tiền tệ trong năm, nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á buộc phải đẩy lùi thời điểm...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98