Nông dân lo ngại vì giá cao su liên tục rớt dù được mùa

14/06/2018 18:12
14-06-2018 18:12:51+07:00

Nông dân lo ngại vì giá cao su liên tục rớt dù được mùa

Mùa khai thác mủ cao su năm nay chỉ mới tiến hành được hơn một tháng nhưng giá cả của loại nông sản này hiện rớt liên tục khiến nông dân không khỏi lo ngại.

Loại nông sản từng được ví như vàng trắng này vẫn chưa thể giúp nông dân có được sự yên tâm khi gắn bó. Ảnh: Phú Li

Theo một thông báo phát đi ngày 14-6 của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, hiện giá thu mua mủ cao su tiểu điền của đơn vị này ở mức 255 đồng/độ (mỗi kg mủ nước thường từ 26-42 độ tùy chất lượng thấp hay cao) tại vườn cây và 260 đồng/độ tại nhà máy. Đây là mức giá thấp hơn cả mức đáy của năm 2017 (260-265 đồng/độ).

Thời tiết thuận lợi giúp cho việc khai thác mủ năm nay diễn ra sớm hơn một tháng so với thông thường. Các nông trường quốc doanh đã tiến hành thu hoạch ngay từ tháng 4 trong khi những vườn cao su tiểu điền được nông dân lấy mủ từ tháng 5. Tuy vậy, việc này không mang lại ý nghĩa tích cực nào bởi giá cả đã không như kì vọng. Nếu như vụ mùa 2017 được khởi đầu với mức giá 315-320 đồng/độ thì trong năm 2018 này, mức khởi điểm chỉ là 265-270 đồng/độ.

Từng có thời điểm nông dân đã khấp khởi hy vọng tình hình tốt hơn khi trong tháng 5, giá mủ cao su được điều chỉnh đến 4 lần theo xu hướng tăng dần (mỗi lần tăng 5 đồng) và đạt mức 285-290 đồng/độ vào ngày 27-5. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên xấu đi khi chỉ trong nửa đầu tháng 6, giá cao su đã có đến 5 lần được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần. Trong đó, ngày 14-6 được xem là đợt giảm khá mạnh, chỉ còn 255-260 đồng/độ (giảm đến 10 đồng so với đợt điều chỉnh ngày 12-6).

Giá cao su tại Việt Nam giảm theo chiều hướng lao dốc của giá cao su trên thị trường quốc tế. Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), hợp đồng cao su kì hạn tháng 11 khi kết thúc phiên giao dịch ngày 14-6 chỉ đạt 181,3 yên Nhật/kg (tương đương 1,64 đô la/kg). Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 18-4. Còn tại Thượng Hải (Trung Quốc), hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 có lúc giảm xuống còn 10.600 nhân dân tệ/tấn (1.655 đô la/tấn), mức thấp nhất kể từ tháng 7-2016.

Nhu cầu giảm và cùng với đó là mức dự trữ tăng lên của các nước tiêu thụ cao su hàng đầu được xem là yếu tố chính tác động đến giá. Ngoài ra, giá dầu giảm, đồng yên Nhật mạnh lên so với đô la Mỹ… cũng khiến giá của loại hàng hóa này chao đảo.

Đối với những nông dân trồng cao su tại Việt Nam, khi giá bán mủ nước đạt từ 300 đồng/độ thì họ mới có được mức lãi để đảm bảo trang trải cuộc sống. Với mức giá hiện tại, những vườn cao su đã khai thác được vài năm thì không đến nỗi nào, bởi sản lượng và độ mủ đã cao. Tuy nhiên, với những vườn non, nếu không khéo điều chỉnh mức đầu tư chăm sóc thì sau khi trừ chi phí, nông dân chỉ cầm chắc lỗ.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, một nông dân ở xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết sau hơn một tháng bán mủ, ông vẫn chưa thu hồi được chi phí đầu tư ban đầu (kiềng, máng che mưa, chén hứng mủ…) cho một ha cao su mới đưa vào khai thác. Dù là vườn non, nhưng ông Quang vẫn khai thác theo chế độ d2 (một ngày nghỉ và một ngày cạo lấy mủ). Trung bình mỗi cữ cạo mủ người nông dân này thu về khoảng hơn 400.000 đồng. Tuy nhiên, ông lại phải trả cho nhân công cạo mủ hết 200.000 đồng, nghĩa là mất một nửa nguồn thu cho công cạo mủ.

Chưa hết, nông dân còn phải tốn chi phí cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ông Quang kể rằng trong thời gian tới nếu giá cao su vẫn còn tiếp tục giảm thêm, nhiều khả năng ông sẽ phải ngưng thu hoạch nhằm tránh lỗ lã. Còn nhớ cuối 2015, giá cao su từng có lúc chỉ đạt 190 đồng/độ, đây là mức giá mà ngay cả những nông dân có vườn cao su với sản lượng và độ mủ cao ngất cũng phải kêu trời.

Phú Li

TBKTSG





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngành sắn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2023

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến đến năm 2030 diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và...

3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường UAE tăng 67% so với cùng kỳ

Tháng 3, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu USD cá tra sang UAE, tăng 62%. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 7 triệu USD, tăng...

Lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore

Ba tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore đạt khoảng 36,15 triệu SGD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái

FAO: Sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đạt kỷ lục vào năm 2022

Theo số liệu của FAO, sản lượng thủy sản nuôi và khai thác toàn cầu đạt 223.2 triệu tấn vào năm 2022, đây là mức cao nhất kể từ năm 1950.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index lấy lại đà tăng sau 3 ngày suy yếu

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, phản ánh diễn biến giá phân hoá của giá hàng hoá nguyên liệu thế giới...

Giá cà phê trong nước tăng như vũ bão, tiến sát 120.000 đồng/kg

Giá cà phê trong nước và quốc tế đồng loạt tăng từng ngày, phá vỡ mọi đỉnh lịch sử.

Sầu riêng sụt giá mạnh

Ngày 16-4, tại một số tỉnh ở ĐBSCL, giá sầu riêng giảm 45.000 - 50.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Thương lái hiện mua sầu riêng xô tại vườn với giá 65.000 -...

Chỉ số hàng hóa MXV-Index trở lại vùng đỉnh 7 tháng

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 10/4, lực mua chiếm ưu thế trở lại trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới...

Việt Nam có 4 loại hạt tỷ USD: Giá bán cao kỷ lục, sản lượng top đầu thế giới

Trúng thầu lớn, giá cao kỷ lục lịch sử, hàng trong kho sắp cạn, từ chối bớt đơn hàng… là những thông tin được đề cập khi nói đến 4 loại hạt tỷ USD của Việt Nam. Cả...

Giá cà phê tăng cao, nguy cơ đổ vỡ các hợp đồng liên kết

Thực tế hiện nay ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt là giá tăng quá nhanh, ở mức quá cao, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, và có nguy cơ đổ vỡ hợp đồng.

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98