Bộ Công Thương: 'Giá xăng dù tăng 100 đồng cũng không ai muốn'
Bộ Công Thương: 'Giá xăng dù tăng 100 đồng cũng không ai muốn'
Theo cơ quan điều hành xăng dầu, mới một phần ba doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu báo âm Quỹ bình ổn giá.
Vấn đề điều hành giá xăng dầu 'giật cục', lạm dụng dùng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và doanh nghiệp xăng dầu đầu mối 'càng nhập càng lỗ'... được báo chí đặt ra với lãnh đạo Bộ Công Thương tại họp báo thường kỳ chiều 5/4.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết, theo dữ liệu mới nhất cơ quan này thống kê thì hiện chỉ có 9/28 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối bị âm Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ông Hải nói thêm, nhờ có Quỹ bình ổn này nên giá bán lẻ xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 2/4 đã 'không tăng sốc'. Bởi nếu không tăng giá xăng dầu thì vẫn phải bù hơn 2.000-2.800 đồng một lít với xăng và hơn 1.000 đồng một lít với dầu.
"Giá xăng dầu tăng 100 đồng thì cũng là điều không ai muốn cả, cá nhân tôi cũng vậy. Ngân sách không bỏ một đồng nào để can thiệp vào xăng dầu, không có Quỹ bình ổn thì giá mặt hàng này "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng", ông Hải nói.
Với riêng quỹ bình ổn, ông Hải nói "cá nhân tôi muốn bỏ càng sớm càng tốt", nhưng chưa thể bỏ quỹ này do hiện Việt Nam vẫn cần vai trò quản lý của Nhà nước.
Trả lời vì sao kỳ điều hành ngày 2/4 giá các mặt hàng dầu thành phẩm bình quân 15 ngày trên thị trường Singapore giảm, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền cũng giảm nhưng giá bán lẻ các loại dầu lại tăng, ông Hải giải thích, bỏ xả Quỹ bình ổn đi thì vẫn phải tăng vì "tiếp tục bù thì lấy đâu ra nữa".
Nhắc lại hiện tượng một số cây xăng dừng bán xăng RON 95 do thiếu nguồn cung, ông Hải nói do Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp sự cố kỹ thuật từ cuối tháng 2 nên lượng xăng dầu cung ứng không đủ cho thị trường. Nhà máy này cung cấp gần 40% sản lượng cho thị trường, gặp sự cố nên dẫn tới thiếu cung cục bộ. Theo ông, Bộ đã phải yêu cầu Petrolimex nhập 200.000 m3 xăng dầu từ thị trường thuế suất 20%, gấp đôi thị trường Hàn Quốc, để đủ nguồn cung cho tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng.
"Đây chính là khó khăn của nhà điều hành", ông Hải nói và khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu tới đây "phải bám vào thực tiễn cuộc sống và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, cũng như chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền".
"Chúng tôi những người điều hành cũng muốn đúng 15h điều hành giá nhưng các kỳ điều hành gần đây đều phải chờ chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền, như kỳ điều hành ngày 2/4 phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng, nên điều chỉnh muộn hơn, 17h",
Trước đó, từ 17h chiều 2/4, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.370 đồng một lít, xăng RON 95 tăng 1.480 đồng một lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.000–1.200 đồng một lít, kg. Giá xăng RON 95 đã vượt 20.000 đồng một lít, lên mức 20.030 đồng.
Dữ liệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại tập đoàn này còn 9,6 tỷ đồng trước khi tăng giá ngày 2/4. Số dư quỹ này tại Petrolimex ước giảm 645 tỷ đồng so với cách đây 17 ngày.
Nguyễn Hoài