Những bí quyết đem đến thành công cho cặp bài trùng Warren Buffett và Charlie Munger
Những bí quyết đem đến thành công cho cặp bài trùng Warren Buffett và Charlie Munger
Chẳng ai có thể nghi ngờ, Charlie Munger và Warren Buffett là một cặp bài trùng thật sự. Sau 40 năm làm việc cùng với nhau, cả hai nhà đầu tư huyền thoại này đều vẫn dành cho nhau rất nhiều sự ngưỡng mộ và tôn trọng.
Với cương vị là Phó Chủ tịch của Berkshire Hathaway, ông Munger nói rằng ở ông Buffett có một phẩm chất mà ông rất lấy làm quý trọng: Đó chính là khả năng “học, học nữa, học mãi” của ông Buffett.
Charlie Munger (bên trái) và Warren Buffett
|
“Nếu bạn ở chung một chỗ với Warren Buffett và theo dõi ông ấy với một cái đồng hồ, thì tôi có thể chắc chắn rằng ông ấy sẽ dành cả một nửa thời gian chỉ ngồi và đọc thứ gì đó”, ông Munger cho biết trong một bài phát biểu mở đầu tại Đại học Nam California vào năm 2017.
“Nếu như không học tập liên tục, bạn sẽ không thể nào làm tốt mọi việc được. Bạn cũng sẽ không thể nào tiến xa hơn trên đường đời nếu như chỉ dựa vào những kiến thức mà bạn đã biết sẵn rồi cả”, ông Munger nói.
“Lấy Berkshire Hathaway làm ví dụ, tính đến hiện tại đây là một trong những tập đoàn được đánh giá cao nhất thế giới và có thể là tập đoàn có vốn đầu tư dài hạn kỷ lục trong lịch sử nhân loại từ trước đến giờ, kỹ năng đã khiến Berkshire duy trì kỷ lục suốt 10 năm nay sẽ không thể giúp tập đoàn này duy trì những thành tựu mà nó đã đạt được thêm 10 năm nữa”, ông Munger cho biết. “Nếu như không có sự học tập không ngừng nghỉ của Warren Buffett, thì tập đoàn này vốn hoàn toàn không thể tạo nên kỷ lục được”.
Nhưng ông Munger cũng là một người không ngừng học tập.
Trong một cuộc phỏng vấn với tác giả Alice Schroeder, người đã viết cuốn sách tiểu sử “Quả cầu tuyết: Warren Buffett và Sự nghiệp cả đời”, ông Buffett đã kể một câu chuyện về những ngày tháng mà ông Munger còn làm luật sư. Vào lúc đó, “ông ấy chắc chỉ kiếm được 20 USD cho một giờ làm việc. Ông ấy tự nghĩ rằng, ‘Khách hàng tiềm năng nhất của mình là ai?’ Và ông ấy đã quyết định người khách hàng đó chính là bản thân ông. Thế nên ông Munger đã quyết định tự bán cho bản thân một giờ mỗi ngày”.
Ông Munger đã biến việc đó thành thói quen hàng ngày, theo như ông Buffett giải thích. “Ông ấy làm việc đó vào mỗi buổi sáng sớm, giải quyết những dự án xây dựng và những hợp đồng giao dịch bất động sản. Mọi người đều nên làm giống như ông ấy – hãy trở thành khách hàng của chính bản thân, sau đó hãy làm việc cho vị khách đó và tự bán cho bản thân một giờ mỗi ngày”.
Có một câu nói rằng, thành công là một cuộc hành trình chứ không phải là đích đến. Vậy nên việc học tập không ngừng nghỉ là như thế nào?
1. Đọc, đọc nữa, đọc mãi
Sự quan sát của ông Munger trùng khớp với những gì ông Buffett tự nhận xét về bản thân – ông ấy thường đọc khoảng 500 trang sách mỗi ngày.
Trong quyển sách “Làm việc cùng nhau: Lý do vì sao những mối quan hệ đối tác tuyệt vời sẽ dẫn đến thành công”, ông Buffett đã kể với tác giả Michael Eisner rằng: “Hãy nhìn xem, công việc của tôi về cơ bản là ngày hôm nay phải tiếp nhận nhiều thông tin và sự thật hơn ngày hôm qua và đôi khi là phải xem thử liệu những thông tin đó có dẫn đến việc phải đưa ra hành động nào không. Và Charlie – những đứa con của ông ấy gọi ông là một cuốn từ điển sống”.
2. Luyện não
Có rất nhiều cách để luyện tập cho những nếp nhăn trong não của bạn. (Tuy nhiên, không may là xem Netflix không phải là một trong những cách đó).
Ông Buffett lựa chọn cách chơi bài Bridge – và việc làm đó đã khiến một người ở độ tuổi 88 như ông ấy vẫn giữ được sự minh mẫn của mình. “Tôi chơi bài nhiều lắm”, ông Buffett cho biết trong buổi phỏng vấn với tờ báo Washington Post. “Tôi chơi ít nhất 4 lần một tuần, mỗi lần chơi khoảng hai tiếng”.
Ông Munger tập luyện theo phương pháp “tư duy đa chiều”, về cơ bản phương pháp này có nghĩa là liên tục nghiên cứu về những quan điểm mới trên thế giới – và sau đó luyện tập nghiên cứu về chúng.
Trong bài phát biểu của mình, ông Munger đã tranh luận rằng bạn không thể đưa ra những quyết định thông minh chỉ với những sự thật rời rạc. Những kiến thức mà bạn thu nhặt được từ “việc nghiên cứu tất cả những quan điểm lớn và tất cả những lĩnh vực lớn” sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề theo những góc nhìn khác nhau.
“Tôi sống đến bây giờ cùng với việc liên tục tập luyện với phương pháp tiếp cận lĩnh vực này”, ông Munger nói. “Tôi không thể nói rõ với các bạn việc đó đã đem lại cho tôi những kết quả gì. Nó khiến cuộc sống của tôi vui vẻ hơn. Nó khiến tôi có thể đưa ra nhiều ý kiến mang tính xây dựng hơn. Nó khiến tôi trở nên có ích với mọi người hơn. Nó còn khiến tôi trở nên giàu kinh khủng”.
3. Truyền đạt lại trí tuệ của bạn
Bạn sẽ không thể nào trở thành một huyền thoại nếu như bạn luôn muốn giữ những kiến thức có giá trị cho riêng bản thân mình.
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2009 trên Tạp chí Khoa học Giáo dục và Công nghệ, việc dạy học cũng là một nguồn động lực để thúc đẩy việc học tập, có nghĩa là những người thường thúc đẩy bản thân học tập với mục đích để truyền dạy lại cho người khác có khả năng giao tiếp tốt hơn, tăng sự tự tin và có những kỹ năng lãnh đạo tốt hơn. Các nhà nghiên cứu gọi đó là “Hiệu ứng protégé”.
Như ông Munger đã nói, “sự hy sinh, sự truyền đạt trí tuệ và giá trị từ thế hệ này sang thế hệ khác không bao giờ bị đánh giá thấp cả”.
Sẽ thật ngu ngốc khi cứ cho rằng việc giữ kiến thức cho riêng bản thân sẽ biến bạn thành một tỷ phú. Có rất nhiều những yếu tố trong con đường trở thành tỷ phú, nhưng yếu tố quan trọng nhất là hành động.
Ông Munger khuyên gì? Hãy tiếp tục thúc đẩy bản thân và đừng bao giờ dừng lại.
“Tôi liên tục thấy những người tiến xa hơn trong cuộc đời của họ đều không phải là những người thông minh nhất, đôi khi thậm chí họ còn không phải là người siêng năng nhất, nhưng họ là người học tập không ngừng”, ông Munger nói. “Họ đi ngủ mỗi ngày với một cái đầu thông thái hơn so với lúc họ thức giấc. Và cậu bé à, việc đó thật sự giúp ích nhiều đấy – đặc biệt là khi bạn có một cuộc đua dài ở phía trước”.
FiLi