Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Bị đẩy vào khó khăn, doanh nghiệp mới phát triển được'
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Bị đẩy vào khó khăn, doanh nghiệp mới phát triển được'
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ về những kỳ vọng với doanh nghiệp công nghệ nước nhà ngay trước thềm Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam khai mạc sáng nay (9/5) tại Hà Nội.
- Tại Diễn đàn, Bộ Thông tin & Truyền thông mang đến một slogan gây chú ý là "Make in Vietnam" thay vì "Made in Vietnam". Vì sao Bộ chọn nó như một slogan cho ngành công nghiệp ICT của Việt Nam?
- Diễn đàn này được chúng tôi xem như bước khởi động để xây dựng chiến lược quốc gia về công nghệ, một chiến lược mang tên "Make in Vietnam". Chiến lược này sẽ được hé lộ chi tiết tại Diễn đàn hôm nay.
"Make in Vietnam" là một cách gọi sáng tạo, muốn nói đến sự sáng tạo, thiết kế và sản xuất đều thực hiện tại Việt Nam. 'Làm tại Việt Nam' sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ.
- Vậy những doanh nghiệp công nghệ như thế nào sẽ nằm trong chiến lược "Make in Vietnam" đó?
- Để thực sự "Make in Vietnam", Việt Nam cần có sự đóng góp của 3 nhóm doanh nghiệp công nghệ với vai trò khác nhau. Một là nhóm startup - tạo ra những sản phẩm giải pháp mới mẻ, bất ngờ và rất hữu dụng, thậm chí nếu thành công thì có thể mang tính toàn cầu.
Nhóm thứ hai là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Họ dùng công nghệ có sẵn, vận dụng để phát triển sản phẩm, tạo ra giải pháp cho đơn vị khác. Ví dụ có những doanh nghiệp mang công nghệ của thế giới, tư vấn để những người nuôi tôm, trồng rau có thể áp dụng được.
Nhóm thứ ba là những doanh nghiệp công nghệ lớn, được chia làm 2 nhánh. Thứ nhất là những tên tuổi lớn, từ lâu trong lĩnh vực công nghệ như Tập đoàn FPT, VNG, CMC...
Nhánh thứ hai là những doanh nghiệp trưởng thành từ thương mại, dịch vụ, bất động sản, viễn thông như Vingroup, Viettel, Phenikaa... và đang có hướng chuyển mình. Họ trước làm ngành khác và nay có vốn, kinh nghiệm quản trị nên đầu tư tiền nghiên cứu phát triển công nghệ. Việt Nam cũng cần những doanh nghiệp như vậy để cạnh tranh tầm quốc tế.
Phải nhìn vào thực tế, những doanh nghiệp start-up với vài ba người mới ra trường thì rất khó để cạnh tranh với thế giới. Họ có thể tạo nên một doanh nghiệp làm ăn tốt, bán được vài chục hoặc hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, nếu để đầu tư sản xuất một thiết bị viễn thông vài nghìn tỷ trong nhiều năm là điều không khả thi. Song những doanh nghiệp lớn như tôi lấy ví dụ ở trên lại có thể làm được điều đó. Hơn nữa, hiện nay chính nước Mỹ cũng không sản xuất được thiết bị viễn thông mà điều này doanh nghiệp Việt lại làm được. Đó cũng chính là những cơ hội cho Việt Nam.
Ông kỳ vọng chiến lược "Make in Vietnam" sẽ giúp ngành này phát triển ra sao?
- Doanh nghiệp ICT có nhiệm vụ áp dụng công nghệ để giải quyết những bài toán đang tồn tại trong từng lĩnh vực, hoặc đôi khi chỉ là thay đổi cách mình đang vận hành, khiến những việc cũ làm theo cách mới một cách hiệu quả hơn.
Quá trình vận dụng công nghệ đó dù ở quy mô nào cũng nhằm tăng năng suất lao động, thoát bẫy thu nhập trung bình và tiến tới mục tiêu lớn hơn là sáng tạo ra công nghệ Việt Nam. Ngành ICT hiện có khoảng gần 50.000 doanh nghiệp và mục tiêu 5 năm nữa con số này là 100.000. Và trong số này sẽ có những doanh nghiệp công nghệ lớn lên, trở thành công ty toàn cầu.
Hiện Việt Nam có rất nhiều công ty đưa công nghệ để áp dụng vào những đơn vị nuôi tôm, trồng rau, tưới cây... Các công ty này có quy mô nhỏ, chỉ chưa 10 người, rất trẻ. Chúng ta đang cần rất nhiều công ty thế này và cũng đang bước đầy phát triển.
Còn những công ty có khả năng sáng tạo công nghệ thì phải đợi một thời gian nữa. Bởi tất cả người giỏi nhất về công nghệ thì họ đang ở Mỹ rồi, trong khi đó lương và môi trường của Việt Nam làm sao được như họ.
- Một thời các doanh nghiệp đổ xô đầu tư bất động sản. Ông nghĩ sao nếu có tình trạng các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sắp tới, giúp số doanh nghiệp ICT có thể cán mốc 100.000 hay 150.000 nhanh hơn?
- Ngay sau diễn đàn mà có ngay những bước ngoặt theo kiểu những làn sóng đầu tư như thế thì đó là ảo tưởng. Là người quản trị nhiều năm thì tôi thấy, mọi sự phát triển theo sơ đồ từ từ đi lên một cách chắc chắn thì thường sẽ thành công và dễ đạt đến đỉnh cao hơn.
Tuy nhiên, sau diễn đàn, tôi tin ít nhất sẽ có tuyên bố để trong nhận thức của các Bộ, ngành, doanh nghiệp cũng như cộng cồng bắt đầu thay đổi, giống như phát súng về mặt truyền thông.
Bước ngoặt có thể xảy ra sau một năm, ba năm hay khi nào thì tôi chưa biết, nhưng điều đó phụ thuộc vào tất cả chúng ta, trong đó có Bộ Thông tin & Truyền thông. Tuy nhiên, Bộ cũng có những phương án để thời điểm bước ngoặt diễn ra nhanh hơn như việc khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào các start-up, hướng dẫn họ về kinh nghiệm quản trị cũng như các mối quan hệ hợp tác với quốc tế...
- Để phát triển doanh nghiệp công nghệ cả về số lượng và chất lượng thì Bộ Thông tin & Truyền thông có đề xuất cơ chế gì để tạo điều kiện cho họ?
- Tại Diễn đàn về doanh nghiệp công nghệ lần đầu tiên được tổ chức này, Bộ dự kiến đưa ra một số kiến nghị dựa trên kinh nghiệm quốc tế. Từ đó, hướng tới việc xây dựng chiến lược quốc gia về việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Từ trước đến nay, khi nói chiến lược trong lĩnh vực gì thì câu đầu tiên, doanh nghiệp hay mọi người thường hỏi là nhà nước ủng hộ như thế nào, có chính sách ưu tiên gì. Chúng ta quên mất một vế là nhiều khi, việc tạo ra một khó khăn, thách thức mới là tạo cơ hội cho sự phát triển. Do đó, câu chuyện ở đây không chỉ là giảm thuế, cho đất bởi nhiều trường hợp thì những ưu ái đó lại dẫn đến thất bại.
Bởi vậy, những đề xuất của chúng tôi mang tính dài hạn hơn là Chính phủ, các Bộ ngành cần nâng cao hơn các tiêu chuẩn đối với sản phẩm Việt Nam. Đó là một biện pháp tăng năng lực cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp Việt phải đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó là Bộ sẽ kiến nghị không hỗ trợ doanh nghiệp nữa mà nên giao cho họ việc khó, để trưởng thành nhanh hơn. Tại diễn đàn, tôi sẽ đề nghị các Bộ, đặt hàng, giao cho doanh nghiệp công nghệ giải quyết và đó cũng là cơ hội cho họ.
- Nhiều doanh nghiệp nhận định trình độ nhân lực ngành công nghệ ở Việt Nam còn thấp. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
- Làm thế nào để tạo ra người giỏi? Câu trả lời là phải tạo ra việc thôi. Bây giờ mà lại nói đến chuyện đổi mới giáo dục thì mất 30 năm nữa, vì còn phải xây trường đẳng cấp quốc tế, dạy dỗ các thế hệ sau mất tầm 20 năm nữa thì chẳng lẽ đến khi đó Việt Nam mới phát triển được sao? Cho nên, tôi cho rằng, việc tạo ra người.
Với nguồn nhân lực hiện nay, muốn họ giỏi lên thì nên đào tạo theo phương pháp reskill và upskill (đào tạo lại và nâng cao trình độ). Người Việt Nam có đặc điểm quan trọng là sự học hỏi nhanh, tính linh hoạt cao nhưng với điều kiện "nước đến chân mới nhảy" mà không phải nhân sự nước nào cũng có khả năng đó. Và đây cũng chính là cơ hội của chúng ta. Tôi cho rằng phương án tạo ra nhiều việc làm khó mới khả thi.
Một nguồn lực nhân sự nữa là người Việt Nam ở nước ngoài hiện vào khoảng gần 5 triệu người, trong đó rất nhiều người thành đạt về công nghệ và lập nghiệp ở nước ngoài, có kinh nghiệm, quan hệ quốc tế... Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ thuyết phục để thu hút họ về lập nghiệp hoặc tham gia vào các công ty công nghệ ở Việt Nam.
- Một số quan điểm cho rằng Việt Nam và cụ thể là chính sách của Việt Nam chưa sẵn sàng đón nhận những mô hình mới về công nghệ, ví dụ rõ nhất là câu chuyện của mô hình như Uber, Grab hay Fintech. Ông nghĩ sao?
- Mỗi khi có một mô hình mới được sinh ra thì thường bị đa số phản đối, bởi mâu thuẫn với cái cũ, giống như câu chuyện của Grab và taxi truyền thống. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đến giờ phút này, Việt Nam đã cho thí điểm mô hình Grab và đó là một điểm rất tích cực, không phải dễ chút nào, cho thấy Chính phủ Việt Nam không bảo thủ lắm đâu.
Gần đây, chúng ta cũng có một mô hình mới là sandbox (khung pháp lý thử nghiệm với những mô hình mới). Ở đó, những mô hình mới, chưa biết quản như thế nào sẽ được cho thí điểm trong một không gian, thời gian nhất định để đánh giá. Việt Nam hiện đã sẵn sàng cho thử những cái mới như các mô hình fintech, taxi công nghệ và tiến tới nhiều hơn nữa... cho thấy Chính phủ không bảo thủ.
- Các chỉ số đánh giá của tổ chức quốc tế cho thấy những thay đổi của Việt Nam về mặt chính sách còn chậm. Quan điểm của ông như thế nào?
- Hiện ở góc độ các Bộ, ngành, khi đề nghị cho ý kiến về một văn bản, nếu không đồng thuận thì doanh nghiệp, hiệp hội không nêu được ảnh cũng như hướng điều chỉnh ra sao. Trong khi đó, thực tế số nhân sự xây dựng dự thảo văn bản của các cục, vụ hiện khá mỏng.
Tôi lấy ví dụ liên quan đến truyền hình trả tiền, hiện chỉ có 4 người ngồi phụ trách về mảng này. Nếu doanh nghiệp không đề xuất cụ thể thì đôi khi họ cũng khó tìm ra hướng sửa cho phù hợp. Bởi vậy, khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, tôi cũng đề nghị tất cả doanh nghiệp trong ngành phải thành lập bộ phận pháp chế. Họ sẽ cùng cơ quan quản lý nghiên cứu chính sách, kinh nghiệm quốc tế đồng thời đưa ra những phản biện, góp ý có lý luận và lời giải cụ thể. Họ có tiếng nói bảo vệ chính họ nên sẽ dành thời gian nghiên cứu sâu.
Trước đây, quá trình xây dựng chính sách cơ bản là Bộ tự làm, tự nghiên cứu một đống giấy tờ rồi đưa ra xin ý kiến, rồi nhiều lúc những bản dự thảo đó lại không phù hợp, dẫn đến tranh cãi. Nay, chúng tôi sẽ tìm cách đẩy nhiệm vụ này vào thực tiễn cuộc sống thì bài toán dễ đi nhiều.
Nguyễn Hà
Ảnh: Giang Huy, Võ Hải
Đồ hoạ: Tiến Thành