Cô gái nghỉ việc ở Hàn Quốc về Việt Nam bán trà sữa

03/05/2019 11:16
03-05-2019 11:16:57+07:00

Cô gái nghỉ việc ở Hàn Quốc về Việt Nam bán trà sữa

Lương thưởng mỗi năm ở Samsung hơn tỷ đồng nhưng Thảo lại về Việt Nam lao vào “cơn lốc trà sữa” nhiều cạnh tranh.

"Tôi nghĩ 10 năm là quá đủ. Cuộc sống bên Hàn Quốc hiện đại, thoải mái. Công việc ổn định, ngoại ngữ tốt và có nhiều bạn bè nhưng tôi vẫn cảm giác mình là khách ‘ở tạm’. Trong khi, Việt Nam đang phát triển mạnh, nhiều cơ hội và tôi có máu kinh doanh", Hồ Nguyên Phương Thảo nói về lý do  về Nha Trang, sau 2 năm học MBA và hơn 7 năm làm việc cho Samsung tại Hàn Quốc.

Được chồng ủng hộ, cô về nước cuối năm 2016. Ngoài việc muốn thoát khỏi cuộc sống quá an toàn, Thảo sợ tuổi càng lớn thì sức ỳ sẽ càng cao, "mộng" lập nghiệp ở quê nhà khó thành. Phần nữa, con cũng sắp vào lớp 1 và cô muốn sống gần bố mẹ.

"Sau 7 năm, tôi nhận ra mình chỉ là một mắt xích rất nhỏ trong một tổ chức quá lớn. Phần cũng là nỗi buồn không diễn tả được khi xa quê". Cô nói ngày đầu trở về đổ gần một tỷ đồng làm mỹ phẩm. Cô đặt hàng gia công tại Hàn Quốc cho thương hiệu riêng.

Tuy nhiên, thiếu kinh nghiệm thị trường, không tập trung vào tiếp thị và bán hàng nên dự án thất bại. "Tôi lỗ hàng trăm triệu và thấm thía câu nói 'Đừng bao giờ hỏi kinh doanh cái gì để giàu mà hãy hỏi vì sao tôi chọn kinh doanh cái này?'", Thảo nói đó cũng là lúc cô nhớ mình rất ‘nghiện’ trà sữa’.

Hồ Nguyên Phương Thảo muốn chuỗi trà sữa trung cấp sẽ đạt 42 quán trong năm nay.

Thạc sỹ bán trà sữa

Cuối năm 2017, Thảo mở cửa hàng trà sữa đầu tiên ở Nha Trang, lấy tên ilaCha. Đến nay, cô có 12 cửa hàng ở Khánh Hòa, Phú Yên, TP HCM và Đồng Nai. Một năm qua, trung bình mỗi tháng cô mở một cửa hàng và chỉ mới nhượng quyền 2 cửa hàng, phần còn lại do vốn trực tiếp của cô cùng người thân, người quen đầu tư.

"Tôi ghiền trà sữa và thấy thị trường có hai phân khúc. Trà sữa cao cấp thì quá đắt vì vị trí và tiền mua nhượng quyền nước ngoài. Trà sữa giá rẻ xe đẩy hay các quán 'nhà làm' thì bản thân mình uống không an tâm. Thế nên, tôi làm phân khúc tầm trung, giá hợp lý, nguyên liệu rõ nguồn gốc", Thảo giải thích.

Các quán của cô đều nằm ở đô thị nhỏ, đang phát triển. Ngay ở TP HCM, cô cũng né khu trung tâm mà chọn Tân Phú làm "cứ điểm". Ở các thị xã nhỏ tại Khánh Hòa hay Phú Yên, cô luôn là người đầu tiên mở cửa hàng trà sữa kiểu hiện đại, theo thị hiếu giới trẻ. Mỗi quán được cô đổ vào 400-500 triệu đồng.

"Ở thị xã, thương hiệu lớn không vào nên mình đầu tư bài bản thì chiếm thị phần rất nhanh. Tôi định vị ilaCha là ‘trà sữa quốc dân’ vì dễ uống, giá chỉ bằng một nửa thương hiệu lớn", Thảo nói giá rẻ nhờ nguồn trà từ Bảo Lộc. Trong khi trà thô Việt Nam được xuất sang Đài Loan để chế biến và nhập lại cho các hệ thống lớn thì cô tìm được nguồn cung với công nghệ ướp trà tương đương Đài Loan nhưng chỉ cách Sài Gòn tầm 200 km, giá thành tiết kiệm hơn.

Có người sẽ cho rằng MBA rồi về Việt Nam bán trà sữa thì phí công. Nhưng Thảo nói rằng, tất cả trải nghiệm trong đời, từ khi là sinh viên, làm thêm, đến vào các tập đoàn lớn đều được đóng gói thành vốn sống. Khi vốn sống đủ lớn thì nó cho ta khả năng làm được và thành công với những gì đam mê.

"Xã hội ngày xưa nghĩ rằng bán hàng, mở quán không cần bằng cấp, có tiền thì ai cũng làm được. Nhưng bây giờ khác rồi, nhất là với kinh doanh chuỗi. Rất nhiều người thành công một quán nhưng họ không biết cách nhân rộng hệ thống, tạo quy trình, đào tạo người khác", cô cho hay tất cả các quán đều đã được tự động hóa, quản lý từ xa, đơn giản và hiệu quả.

Trà sữa đang thoái trào?

Đầu năm đến giờ, Thảo đếm được hơn chục quán trà sữa ở Nha Trang phải sang nhượng hoặc đóng cửa. Diễn biến đó không khác mấy ở những thành phố lớn. Nhiều người cho rằng, trà sữa cũng sẽ có cái kết tương tự mỳ cay một thời.

"Rất nhiều quán đang sang nhượng. Năm ngoái là đỉnh điểm của đầu tư trà sữa, người ta mở quán ồ ạt. Nhưng tôi nghĩ thị trường đang sàng lọc. Ai không có mô hình đặc biệt, sản phẩm không nổi trội và tiếp thị không đến nơi đến chốn sẽ bị đào thải", cô nhận định.

Phương Thảo đưa ra ba lý do để tự tin. Thứ nhất, trà sữa sẽ là một bộ phận trong ngành F&B, phục vụ nhóm khách trẻ, không uống được cà phê mà chọn thức uống thay thế là trà sữa, trà trái cây hay đá xay. Thứ hai, sức sáng tạo của thị trường trà sữa Việt Nam rất cao, luôn có món mới để thỏa mãn khách hàng. Thứ ba, thị trường tỉnh lẻ, thị xã còn rất rộng lớn.

Không thường xuyên đến quán nhưng Thảo hay ngược xuôi vào Sài Gòn gặp nhà cung cấp để thảo luận về các nguyên liệu và công thức mới. Ở ngành trà sữa, không cập nhật món mới liên tục cũng là cách tự giết mình. Ngoài ra, cô đang từng bước biến các quán trà sữa của mình thành một điểm hẹn cho giới trẻ hơn là bán thức uống đơn thuần. Cô tổ chức các sự kiện, đêm nhạc, tích điểm thành viên đổi quà... Cô còn định làm tủ sách và đang kêu gọi giới trẻ bảo vệ môi trường bằng cách giảm giá 15% cho ai tự mang ly đến.

Về kế hoạch, cô đang đẩy mạnh hướng nhượng quyền. "Sau hai năm lập nghiệp, tư duy kinh doanh của tôi đã đổi nhiều. Một mình tôi không thể mở hết khắp tỉnh thành Việt Nam. Nhượng quyền chính là cách để san sẻ lợi nhuận. Tôi không còn nghĩ rằng bà chủ thì phải túc trực ở cửa hàng. Và tôi cũng không ngại cạnh tranh mà cứ lo làm việc của mình. Mình tốt hơn mỗi ngày là được", cô nói.

Nhiều kế hoạch và lạc quan dù ai có nói trà sữa sẽ thoái trào, hỏi định mở bao nhiêu cửa hàng mới năm nay, cô nói mục tiêu đến hết 2019 là thêm 30 quán.

 "Mình đặt mục tiêu thì phải làm chính mình run sợ chứ", Thảo cười.

Viễn Thông

VNEXPRESS





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Startup tái chế rác đề nghị 43 tỷ đồng cho 30% cổ phần khiến cả 5 Shark không dám "chốt deal"

Mang tới Shark Tank chiếc móc áo được tái chế 100% từ vỏ sữa giấy, startup LAGOM kêu gọi đầu tư 43 tỷ đồng cho 30% cổ phần. Cả 5 Shark đều mong muốn đồng hành nhưng...

Rời ghế ngân hàng ở tuổi 52, người đàn ông hồi sinh công ty rệu rã thành đế chế 100 triệu USD

Charles Coristine từng say mê làm việc tại Morgan Stanley. Ông yêu thích nhịp độ công việc, thậm chí thức dậy giữa đêm để giao dịch trên thị trường chứng khoán...

Elon Musk sẽ là doanh nhân nghìn tỷ USD đầu tiên của thế giới

Không chỉ là người giàu nhất thế giới, Elon Musk còn trên đà trở thành doanh nhân nghìn tỷ USD đầu tiên của thế giới vào năm 2027.

Chốt lịch xét xử anh em ông chủ đậu phộng Tân Tân

Nhà sáng lập thương hiệu đậu phộng Tân Tân cùng em trai bị TAND ở Bình Dương đưa ra xét xử với các tội danh “Không chấp hành án” và “Trốn thuế”.

Ông Lê Đức Thành, chủ hãng xe Thành Bưởi qua đời

Người thân của ông Lê Đức Thành, chủ hãng xe Thành Bưởi, cho hay ông vừa qua đời.

5 câu nói tạo động lực mạnh mẽ từ các tỷ phú nổi tiếng thế giới

Thông điệp từ các tỷ phú nổi tiếng có thể truyền cảm hứng cho bạn hành động, ước mơ và phấn đấu để đạt được những điều tốt đẹp hơn.

Startup giải cứu trái bơ làm mỹ phẩm thiên nhiên khiến 3 "cá mập" liên minh đầu tư

Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 6 xuất hiện startup Pơ Lang, thương hiệu cung cấp các sản phẩm chăm sóc da từ quả bơ tươi, đã thu hút được Shark Bình, Shark Minh Beta...

Vị trí nữ tỷ phú giàu nhất thế giới đổi chủ

Theo chỉ số theo dõi tài sản các tỷ phú của hãng tin Bloomberg, khối tài sản của bà Alice Walton, con gái của nhà sáng lập chuỗi bán lẻ Walmart Sam Walton, đã tăng...

"Rich kid" mở quán cơm tấm cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ lên Shark Tank gọi vốn, chỉ bán 40-50 suất/ngày

"Các startup 'con nhà giàu' cần cẩn thận hơn rất nhiều vì hầu hết đều gặp khó khăn trong vấn đề quản lý P&L", Shark Bình góp ý với Võ Kim Vĩnh, nhà sáng lập 18 tuổi...

Đua nhau khởi nghiệp từ thảo dược

Thời gian gần đây, nhiều dự án khởi nghiệp liên quan các sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh cá nhân sử dụng nguyên liệu từ thảo dược địa phương ngày càng nở rộ.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98