Trung Quốc báo hiệu sẽ chẳng bao giờ thay đổi cấu trúc kinh tế chỉ vì Mỹ yêu cầu
Trung Quốc báo hiệu sẽ chẳng bao giờ thay đổi cấu trúc kinh tế chỉ vì Mỹ yêu cầu
Trong lúc các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung ngày càng tập trung vào cách Trung Quốc đối xử với các công ty nước ngoài, Bắc Kinh cho biết những lời phàn nàn của Mỹ về cấu trúc kinh tế của Trung Quốc đang đi ngược với “những lợi ích cốt lõi” của họ.
Ý nghĩa là gì? Những vấn đề này không phải là để thương lượng.
Trong quá khứ, cụm từ “lợi ích cốt lõi” mơ hồ nhìn chung được hiểu là đề cập tới vấn đề chủ quyền của Bắc Kinh. Thế nhưng, một bài bình luận vừa được Tân Hoa Xã đăng tải vào cuối tuần trước đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ các đặc quyền về cách thức quản lý kinh tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
|
Bài báo bằng tiếng Trung Quốc trên – vốn đăng tải vào ngày thứ Bảy (25/05) – chỉ ra có 5 cách mà Mỹ đang cản trở tăng trưởng toàn cầu khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
“Tại bàn đàm phán, Chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều yêu cầu ngạo mạng, bao gồm giới hạn phát triển các doanh nghiệp Nhà nước”, trích từ bài nhận định trên. “Rõ ràng, điều này vượt quá phạm vi của các cuộc đàm phán thương mại và đụng chạm tới hệ thống kinh tế cơ bản của Trung Quốc”.
“Điều này cho thấy, đằng sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một nỗ lực xâm phạm chủ quyền kinh tế của Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải làm tổn hại tới lợi ích cốt lõi của họ”, trích từ bài báo trên.
Các doanh nghiệp Nhà nước của Trung Quốc kiểm soát các ngành công nghiệp chiến lược như năng lượng, viễn thông và quốc phòng. Vì những doanh nghiệp Nhà nước được hưởng những chính sách có lợi và nhận được trợ cấp, các công ty nước ngoài liền lên tiếng phản đối sự bất công này. Xung đột thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào các cáo buộc về việc ép buộc chuyển giao công nghệ độc quyền và chà đạp quyền sở hữu trí tuệ.
Những nhà phê bình cho biết Trung Quốc có khả năng hưởng lợi về kinh tế từ việc gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 2001 mà không tuân thủ theo các cam kết giảm bớt sự kiểm soát của Nhà nước. Về phần mình, Bắc Kinh đã nỗ lực tăng vai trò của thị trường trong nền kinh tế và cho phép các công ty nước ngoài khả năng tiếp cận tốt hơn – nhưng nhiều nhà quan sát bên ngoài cho rằng vẫn còn quá ít và quá chậm.
Lợi ích cốt lõi
Chính phủ Trung Quốc cũng thường ám chỉ tới sự phát triển dần dần của các lĩnh vực kinh tế, nhưng lại đưa ra quan điểm cứng rắn về các vấn đề địa chính trị. Và sau bài nhận định hôm thứ Bảy (25/05), một số người cho rằng, Bắc Kinh cũng trở nên cứng rắn về công nghệ và kinh tế.
Trong tháng 1/2018, Tân Hoa Xã đã đăng tải một bài nhận định bằng tiếng Anh, trong đó cho biết: “Sự toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Hồng Kông, Macao, Đài Loan và Tây Tạng là những phần không thể thiếu của Trung Quốc. Đây là sự thật mà không thể hoài nghi và phủ nhận”.
Những tuyên bố công khai từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra những quan điểm tương tự.
Tuy nhiên, một số chuyên viên phân tích chỉ rõ, Chính phủ Trung Quốc trước đó cho biết sự phát triển kinh tế nằm trong số những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Trong tháng 9/2011, khi ông Hồ Cẩm Đào còn là Chủ tịch Trung Quốc, Chính phủ đã đưa ra một tài liệu về “Sự phát triển Hòa bình của Trung Quốc”. Trong tài liệu này có nói rõ những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc bao gồm: “Chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia, sự ổn định của hệ thống chính trị và xã hội nói chung được lập ra bởi Hiến pháp Trung Quốc và những đảm bảo cơ bản về sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững”.
Bắc Kinh cũng khá lỏng lẻo với các thuật ngữ tiếng Anh. Cụm từ về kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và tuyến đường thương mại trong khu vực từng là “One Belt, One Road” (“Nhất Đới, Nhất Lộ”) – được nhiều người ngầm hiểu là Trung Quốc muốn sử dụng chương trình này để tăng sự thống trị trên toàn cầu. Trong vài năm vừa qua, cụm từ “Belt and Road Initiative” (“Sáng kiến Vành đai và Con đường”) bỗng xuất hiện, ngụ ý quan điểm cho rằng Trung Quốc dẫn dắt chứ không phải thống trị.
Thế nhưng, Trung Quốc vẫn còn mù mờ về phạm vi cụ thể của chương trình “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Các chuyên viên phân tích lưu ý rằng Diễn đàn Vành đai và Con đường trong năm nay đã nói rõ rằng chương trình này vượt ra khỏi sự phát triển cơ sở hạ tầng để gây ảnh hưởng tới công nghệ và quản trị toàn cầu.
FiLi