Đế chế của Lý Gia Thành hướng sang châu Âu giữa căng thẳng ở cảng Panama

24/03/2025 10:44
24-03-2025 10:44:55+07:00

Đế chế của Lý Gia Thành hướng sang châu Âu giữa căng thẳng ở cảng Panama

Cổ phiếu CK Hutchison lao dốc khi đế chế của Lý Gia Thành chịu áp lực địa chính trị từ Trump và Bắc Kinh.

Tòa nhà Cheung Kong Center tại Hồng Kông là trụ sở của đế chế gia đình Lý Gia Thành - Ảnh: Kenji Kawase

Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của CK Hutchison Holdings, đế chế kinh doanh do gia đình tỷ phú Lý Gia Thành kiểm soát, trên đà giảm trong tuần trước, ngay sau khi tập đoàn công bố báo cáo tài chính thường niên và cắt giảm cổ tức.

Giá cổ phiếu giảm 3.6% xuống còn 43.25 Đôla Hồng Kông, mạnh hơn mức giảm 2.2% của chỉ số Hang Seng. Không chỉ riêng CK Hutchison Holdings, CK Asset Holdings, một tập đoàn chủ lực khác thuộc gia đình Lý Gia Thành, cũng giảm mạnh 5.8% xuống còn 31.70 Đôla Hồng Kông sau khi công bố lợi nhuận ròng niên độ tài chính 2024 giảm 20% so với cùng kỳ, chỉ đạt 13.65 tỷ Đôla Hồng Kông (tương đương 1.75 tỷ USD).

Cổ phiếu CK Hutchison đang chịu áp lực vì mắc kẹt trong căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung. Tập đoàn hiện do con trai cả của Lý Gia Thành là Lý Trạch Cự (Victor Li) điều hành đang vướng vào tranh cãi liên quan đến việc bán hai cảng ở kênh đào Panama và các tài sản hàng hải khác cho một liên doanh do quỹ đầu tư Mỹ BlackRock dẫn đầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng yêu cầu rằng tuyến đường thủy chiến lược ở Trung Mỹ này không được để Trung Quốc quản lý - ám chỉ rằng các cảng do công ty Hồng Kông điều hành cũng đồng nghĩa với sự kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi CK Hutchison đạt được thỏa thuận với liên doanh BlackRock vào đầu tháng 3, Bắc Kinh tỏ rõ sự bất mãn khi các bài bình luận từ giới truyền thông Nhà nước liên tục chỉ trích tập đoàn này.

Vào sáng thứ Năm, ngay trước khi công bố kết quả kinh doanh, hai tờ báo Ta Kung Pao và Wen Wei Po đăng các bài viết mới chỉ trích thỏa thuận Panama, nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng yêu nước và lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, CK Hutchison, với hoạt động đa ngành từ bán lẻ, viễn thông cho tới cơ sở hạ tầng, đã mở rộng hoạt động vượt xa Trung Quốc và Hồng Kông. Điều này được thể hiện rõ nét qua kết quả tài chính mới nhất cho thấy lợi ích kinh doanh của tập đoàn nghiêng về châu Âu thay vì Trung Quốc.

Tổng doanh thu năm 2024 tăng 3% lên 476.68 tỷ Đôla Hồng Kông. Trong đó, châu Âu chiếm 244.37 tỷ USD Hồng Kông, tăng 5%, chiếm tới 52% tổng doanh thu - tăng từ mức 50% tại thời điểm 1 năm trước.

Trong khi đó, tổng doanh thu từ Hồng Kông và Trung Quốc đại lục chỉ đạt 58.24 tỷ Đôla Hồng Kông, giảm 6%, thậm chí thấp hơn cả khu vực “Châu Á, Úc và các khu vực khác”, vốn đóng góp 73.19 tỷ Đôla Hồng Kông. Phần còn lại đến từ Canada cùng danh mục “tài chính, đầu tư và các lĩnh vực khác”.

Sự chuyển hướng sang châu Âu của tập đoàn cũng được thể hiện rõ qua các chỉ số khác.

Năm ngoái, châu Âu đóng góp tới 52% trong tổng EBIT (lợi nhuận trước lãi vay và thuế) trị giá 54.43 tỷ Đôla Hồng Kông và chiếm 51% tổng tài sản của Tập đoàn (1,110 tỷ Đôla Hồng Kông).

Gần 80% tổng chi tiêu vốn trị giá 22.35 tỷ Đôla Hồng Kông được dành cho châu Âu; trong khi chưa đến 10% dành cho Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cộng lại.

Lợi nhuận ròng của tập đoàn giảm 27% trong năm qua xuống còn 17.03 tỷ Đôla Hồng Kông do ảnh hưởng chủ yếu từ khoản ghi giảm giá tài sản và dự phòng trị giá 3.74 tỷ Đôla Hồng Kông trong mảng viễn thông tại Việt Nam.

Cổ tức trên mỗi cổ phiếu bị cắt giảm từ 1,775 Đôla Hồng Kông (năm trước) xuống còn 1,514 Đôla Hồng Kông giữa những đồn đoán về khả năng chia cổ tức đặc biệt quy mô lớn nếu thương vụ bán cảng được thực hiện như kế hoạch.

Công ty không tổ chức họp báo mà chỉ mời một số nhà phân tích tham dự cuộc họp riêng.

Trong tuyên bố của Chủ tịch Victor Li, ông đề cập rằng “có thể sẽ có những trở ngại do gián đoạn chuỗi cung ứng dự kiến xảy ra vào đầu năm nay vì các tuyến vận tải biển chuyển sang liên minh mới cũng như rủi ro địa chính trị tiếp diễn ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu”.

Tuy nhiên, ông không đề cập đến tranh cãi Panama mà chỉ thừa nhận rằng “môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp của tập đoàn dự kiến sẽ biến động và khó đoán định”. Ông cũng nhấn mạnh việc “hạn chế chi tiêu vốn và đầu tư mới” đồng thời tập trung vào quản lý dòng tiền chặt chẽ trong bối cảnh này.

Công ty đã đồng ý chuyển nhượng 90% cổ phần tại Công ty Cảng Panama cho liên doanh do BlackRock dẫn đầu cùng với quyền kiểm soát tại 43 cảng với tổng giá trị lên tới 22.8 tỷ USD.

Mặc dù công ty khẳng định đây hoàn toàn là vấn đề kinh doanh nhưng động thái này dường như là cách khéo léo và có lợi để tránh sự phẫn nộ từ Trump.

Trump từng tuyên bố sẽ “giành lại” kênh đào Panama và ngụ ý rằng Mỹ có thể sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Quan điểm rằng kênh đào nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc có lẽ bắt nguồn từ quyết định trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông khi Mỹ thu hồi quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông - đồng nghĩa với việc thành phố này sẽ bị đối xử như Trung Quốc đại lục.

Điều này được thực hiện với lý do rằng việc Bắc Kinh siết chặt an ninh quốc gia tại thành phố đã vi phạm công thức quản lý “một quốc gia, hai chế độ”, vốn dự kiến kéo dài đến năm 2047 theo Tuyên bố chung Trung-Anh mang tính ràng buộc quốc tế.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Lý Gia Thành bị Bắc Kinh chỉ trích khi đế chế của ông tại Hồng Kông chuyển hướng tập trung ra nước ngoài. Chiến lược đa dạng hóa sang châu Âu - bắt đầu khi Lý Gia Thành vẫn còn điều hành trước khi ông tuyên bố nghỉ hưu vào năm 2018 - được xem là nỗ lực nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường nội địa.

Dẫu vậy, CK Hutchison hiện đang chịu sức ép không chỉ từ một mà là hai siêu cường cùng lúc.

Vì sao thương vụ cảng Panama của tỷ phú Lý Gia Thành khiến Trung Quốc phẫn nộ?

Bán cảng Panama cho Mỹ, tỷ phú Lý Gia Thành hứng cơn thịnh nộ từ Trung Quốc

BlackRock thành công mua lại các cảng ở Panama

Quốc An (theo Asia Nikkei)

FILI

- 09:42 24/03/2025







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nước Mỹ đứng trước nguy cơ thiếu hụt hàng hóa vì chính sách thuế quan

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ dự kiến lượng hàng nhập khẩu sẽ giảm 20% trong nửa cuối năm và nước này sẽ đối mặt với tình trạng kệ hàng trống rỗng nếu chính sách...

Yuval Noah Harari: Thế giới của Trump - nơi các pháo đài đối địch

Điều đáng ngạc nhiên về các chính sách của Donald Trump là người ta vẫn còn ngạc nhiên về chúng. Giới truyền thông liên tục bày tỏ sự kinh hoàng mỗi khi Trump tấn...

Anh không đạt được thỏa thuận thương mại với chính quyền Tổng thống Trump

Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết hai bên không thống nhất được quan điểm khi phía Mỹ đưa ra những yêu cầu mới, trong đó có việc cắt giảm thuế đối với ôtô nhập khẩu...

Học gì từ thương chiến Mỹ – Trung?

Trên TikTok, các nhà sản xuất Trung Quốc tiết lộ danh tính và địa điểm các nhà máy Trung Quốc đang gia công hàng cho những thương hiệu nổi tiếng với người tiêu dùng...

Ông Trump dự kiến hoàn tất các thỏa thuận thương mại trong 3-4 tuần tới

Tổng thống Donald Trump vừa đưa ra tuyên bố đầy tự tin về tiến độ các thỏa thuận với các đối tác thương mại của Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time được công...

Trung Quốc bơm hơn 80 tỷ USD vào hệ thống để đối phó với tác động của thuế quan

Trung Quốc đang mạnh tay bơm tiền để bảo vệ nền kinh tế trước những tác động từ hàng rào thuế quan của Mỹ.

Trung Quốc hủy đơn hàng 12,000 tấn thịt lợn Mỹ

Theo dữ liệu được công bố vào ngày 24/04, Trung Quốc đã hủy đơn hàng 12,000 tấn thịt lợn từ Mỹ, đánh dấu một bước leo thang trong căng thẳng thương mại giữa hai...

Trung Quốc cân nhắc miễn thuế cho một số hàng hóa Mỹ

Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc miễn thuế 125% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, khi những tổn thất kinh tế từ cuộc đấu thuế quan đang đè nặng lên nhiều...

WB và IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2025

Theo báo cáo cập nhật kinh tế khu vực công bố ngày 24/4, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm còn 4% trong năm 2025...

Thuế quan của Mỹ: Nhật Bản công bố gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp

Theo hãng tin Kyodo, ngày 25/4, Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói biện pháp kinh tế khẩn cấp nhằm đối phó với tác động tiêu cực từ việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu.


TIN CHÍNH

Cấp xã làm thủ tục đất đai: Cuộc 'đại phẫu' cần thiết, nhưng...

Cấp xã làm thủ tục đất đai: Cuộc 'đại phẫu' cần thiết, nhưng...

Theo chuyên gia, việc phân cấp thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai cho cấp xã khi tổ chức chính quyền theo mô hình hai cấp mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bản chất vấn đề không chỉ nằm ở chuyện “có phân quyền” hay không, mà là làm sao để phân quyền có kiểm soát.




Hotline: 0908 16 98 98