Chủ tịch Sao Ta: Hy vọng Minh Phú sẽ “giải oan” cho chính mình và ngành Tôm
Chủ tịch Sao Ta: Hy vọng Minh Phú sẽ “giải oan” cho chính mình và ngành Tôm
Trước những thắc mắc của cổ đông liên quan đến sự việc Tập đoàn Minh Phú (UPCoM: MPC) bị cáo buộc né thuế chống bán phá giá đối với tôm, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) đã có những dòng chia sẻ ngắn gọn trên website của FMC.
* Minh Phú bị cáo buộc né thuế chống bán phá giá đối với tôm
Quan điểm FMC là tôn trọng pháp luật, cố gắng không vì lợi ích riêng mà làm phương hại tới cộng đồng
Ông Lực cho rằng thông tin trên có thể còn diễn biến thêm hay không, chưa có căn cứ, chưa biết được. Vấn đề trên không ảnh hưởng kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá POR13, bởi doanh nghiệp tôm bị đồn đoán trên không dính dáng đến vụ kiện chống bán phá giá tôm từ Hoa Kỳ. Hai sự kiện này không là một.
Còn FMC là bị đơn bắt buộc trong POR13. Sổ sách FMC đã được nhân viên Bộ Thương mại Hoa kỳ thẩm tra là trung thực. Mặt khác về mặt đạo đức kinh doanh, quan điểm FMC là tôn trọng pháp luật, cố gắng không vì lợi ích riêng mà làm phương hại tới cộng đồng.
Hy vọng Minh Phú sẽ “giải oan” cho chính mình và ngành Tôm
Ông Lực cũng nói thêm, thời gian dài vừa qua, Việt Nam có nhập khẩu tôm từ một số nước như Ecuador, Ấn Độ. Nhưng đa phần lượng tôm này mượn Việt Nam trung chuyển để điểm tới cuối cùng là Trung Quốc.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trong rất nhiều năm phản ảnh tình hình này lên Chính phủ và Bộ ngành liên quan nhằm tránh tai tiếng cho ngành tôm Việt. Đến thời điểm này, đã giảm thiểu tối đa chuyện trên qua các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.
Trong giai đoạn tôm nuôi bị dịch bệnh EMS (2010-2015) làm thiệt hại lớn, nguồn tôm nguyên liệu giảm, các cơ sở chế biến Việt đành chữa lửa phần nào thông qua tận dụng nguồn tôm giá rẻ nói trên. Từ vài năm lại đây, chương trình hành động quốc gia phát triển ngành tôm đã có chuyển biến rõ rệt, nguồn tôm nuôi tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu các cơ sở chế biến. Từ cuối năm 2018 chương trình SIMP từ Hoa Kỳ có hiệu lực là sự cảnh báo mạnh mẽ nhất để các doanh nghiệp tôm Việt biết chọn đường đi đúng đắn.
Đối với câu chuyện MPC, ông Lực đánh giá "thực hư ra sao chưa có cơ sở rõ ràng". Uy tín một doanh nghiệp cực kỳ quan trọng, thiết nghĩ MPC không thể để yên, phải có sự bào chữa cho mình.
Sắp tới đây, khi Ấn Độ không còn ưu đãi thuế quan vào Hoa Kỳ, tôm Ấn Độ sẽ bị hai loại thuế khi bán vào Hoa Kỳ, doanh nghiệp nào vi phạm như MPC bị cáo buộc chắc sẽ bị cơ quan chức năng Hoa Kỳ kiểm tra, giám sát. Nếu vi phạm nhiều cũng có thể bị biện pháp răn đe mạnh hơn. Cho nên tình huống hiện nay của MPC là một bài học, một cảnh báo chung cho các doanh nghiệp tôm Việt.
Mặt khác, ông Lực cho hay khi tôm Ấn Độ hết ưu đãi thuế quan khi bán vào Hoa Kỳ, tôm Việt sẽ tăng lợi thế ở thị trường này.
“Hy vọng Minh Phú sẽ chứng minh được, đòi lại sự công bằng cho mình để ngành tôm Việt được sự tín nhiệm ngày càng tốt hơn từ tất cả thị trường” – ông Lực nói.
FILI