Fintech sẽ gặp khó với quy định giới hạn sở hữu nước ngoài
Fintech sẽ gặp khó với quy định giới hạn sở hữu nước ngoài
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) khá lo ngại khi đề cập tới quy định giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các công ty fintech mà Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo.
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019
|
Theo AmCham, sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính và fintech sẽ phụ thuộc vào việc triển khai khung pháp lý, quy định và chính sách thuận lợi cho đầu tư và cho phép các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp cho sự thịnh vượng và phổ cập tài chính của Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù lạc quan về những nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt và phát triển lĩnh vực kỹ thuật số, AmCham cũng đang quan ngại về một số quy định gần đây về lĩnh vực thanh toán và fintech. Đặc biệt là đề xuất trần 30% sở hữu nước ngoài trong các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP.
AmCham cho rằng, kế hoạch áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán và fintech đang tăng trưởng nhanh sẽ hạn chế đáng kể các công ty khởi nghiệp fintech Việt Nam trong việc huy động vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài, từ đó hạn chế khả năng thu hút nhân tài và khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác trong khu vực.
"Nhìn chung, những giới hạn như vậy sẽ cản trở sự phát triển của ngành và chúng tôi hy vọng rằng chính phủ sẽ duy trì các chính sách tạo điều kiện cho dịch vụ fintech có cơ hội đóng góp vào công cuộc đổi mới công nghệ và phổ cập tài chính tại Việt Nam", vị đại diện AmCham đánh giá.
Cùng quan điểm trên, nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại của diễn đàn VBF cũng đưa ra lưu ý rằng, hạn chế sở hữu nước ngoài có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của fintech tại Việt Nam khi mà nhiều dịch vụ fintech phụ thuộc rất lớn vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và các công ty nước ngoài đã đi trước trong việc phát triển các công nghệ này.
Vì vậy, nhóm này kiến nghị Chính phủ bảo đảm rằng sẽ không có hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với các công ty fintech để không cản trở sự phát triển của ngành này tại Việt Nam.
Ngoài quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nhóm Công tác cũng chỉ ra rằng pháp luật Việt Nam đang thiếu quy định hướng dẫn đã khiến các doanh nghiệp fintech gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm hướng phát triển cho ngành công nghiệp này tại Việt Nam.
Cụ thể, hiện Việt Nam không có ngành nghề kinh doanh cụ thể cho dịch vụ cho vay ngang hàng và doanh nghiệp không rõ họ nên đăng ký ngành nghề kinh doanh nào để cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng tại Việt Nam.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã phải đăng ký các ngành nghề kinh doanh khác để cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng và chấp nhận nguy cơ không tuân thủ với các giấy phép kinh doanh như giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Từ thực tế trên, nhóm công tác đã đề xuất Chính phủ ban hành thêm quy định hướng dẫn cho các dịch vụ fintech mới, đặc biệt là các dịch vụ fintech như dịch vụ cho vay ngang hàng đã và đang hoạt động tại Việt Nam.
Đào Hưng