IEA dự báo nhu cầu dầu năm 2019 tăng trưởng yếu nhất trong nhiều năm
IEA dự báo nhu cầu dầu năm 2019 tăng trưởng yếu nhất trong nhiều năm
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa hạ ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong 2 tháng liên tiếp vì nỗi lo ngại về thương mại và khả năng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo được nhiều người theo dõi này được đưa ra khi thị trường dầu toàn cầu trải qua sự chuyển biến kịch tích trong vài tháng gần đây, chuyển từ lo ngại thiếu cung dầu từ các đợt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hoặc các lệnh trừng phạt Mỹ đối với Iran và Venezuela cho tới lo ngại về sự suy yếu của tăng trưởng nhu cầu dầu.
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng 45% trong 4 tháng đầu năm 2019 và đổ đèo không lâu sau đó. Kể từ đầu tháng 4/2019, hợp đồng dầu thô tương lai giảm hơn 15%.
“Mãi cho tới gần đây, nhà đầu tư lại tập trung về phía cung dầu vì những bất ổn tương tự – Iran, Venezuela, Libya và thỏa thuận Vienna – đã nâng giá dầu Brent vượt ngưỡng 70 USD vào đầu tháng 4/2019 và giữ giá ở mức này cho tới cuối tháng 5/2019”, IEA cho biết trong ngày thứ Sáu (14/06). “Thỏa thuận Vienna” ý muốn nói tới các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh vào đầu năm 2019.
“Giờ thì tâm điểm chú ý lại chuyển sang nhu cầu dầu khi tăng trưởng kinh tế suy yếu”.
Giá dầu Brent dao động quanh mức 61.39 USD/thùng trong ngày thứ Sáu (14/06), còn giá dầu WTI giảm nhẹ xuống 52.14 USD/thùng.
Nhu cầu dầu giảm tốc
Đà giảm gần đây của giá dầu đã đảo chiều trong ngày thứ Năm (13/06) sau các đợt tấn công vào hai tàu chở đầu ở một trong những tuyến vận chuyển quan trọng của thế giới.
Sự cố ở Vịnh Ô-man đã đẩy hợp đồng dầu thô tương lai có lúc tăng tới 4.5% trong ngày thứ Năm (13/06). Đây là lần thứ hai trong chưa đầy 1 tháng mà các tàu chở dầu bị tấn công ở khu vực quan trọng nhất thế giới đối với nguồn cung dầu, trong đó hàng trăm triệu USD dầu được quá cảnh thông qua khu vực này mỗi năm.
Washington nhanh chóng cáo buộc Iran thực hiện các đợt tấn công này, nhưng Tehran đã phủ nhận cáo buộc này.
Về bên cầu, IEA cùng với OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2019.
IEA cho biết, hiện họ kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu có thể đạt mức 1.2 triệu thùng/ngày trong năm nay, trước khi phục hồi về mức 1.4 triệu/thùng trong năm 2020.
Trong ngày thứ Sáu (14/06), IEA cho biết: “Thông điệp rõ ràng từ cái nhìn đầu tiên của chúng tôi về năm 2020 là nguồn dầu từ các nước bên ngoài OPEC sẽ tăng trưởng mạnh và đáp ứng nhu cầu từ người tiêu dùng, với giả định không có cú sốc địa chính trị lớn và các quốc gia OPEC vẫn còn công suất dư thừa 3.2 triệu thùng/ngày”.
“Đây là thông tin đáng mừng cho người tiêu dùng và tình hình của nền kinh tế toàn cầu tại thời điểm này, vì nó sẽ kìm hãm áp lực tăng mạnh của giá dầu”. IEA cho hay. IEA đề cập tới nhiều lý do dẫn tới sự giảm tốc của nhu cầu dầu toàn cầu bao gồm: Mùa đông ấm áp ở Nhật Bản, đà giảm tốc của ngành hóa dầu ở châu Âu, nhu cầu xăng và dầu diesel ảm đạm ở Mỹ và triển vọng thương mại ngày càng tệ.
Mỹ và Trung Quốc đã áp thêm thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa của đối phương kể từ đầu năm 2018, qua đó làm chao đảo các thị trường tài chính và ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc tiến tới một thỏa thuận thương mại bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào ngày 28-29/06/2019 đã phai nhạt dần trong vài ngày gần đây.
OPEC cũng đề cập tới căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là rủi ro tác động tới tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
OPEC+
Trong báo cáo hàng tháng công bố vào ngày thứ Năm (13/06), OPEC cho biết sản lượng dầu đã giảm xuống đáy 5 năm trong tháng 5/2019. Tình trạng này diễn ra khi OPEC và các đồng minh cân nhắc có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Bên cạnh Nga và 9 quốc gia khác, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Ả-rập Xê-út đã tiến tới một thỏa thuận với phần còn lại của OPEC để cắt giảm tổng cộng 1.2 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2019. Liên minh OPEC+ cho biết họ sẽ cân nhắc cẩn thận đến triển vọng kinh tế tại cuộc họp sắp diễn ra trong vài tuần tới.
“Biến số quan trọng gây phức tạp hóa đối với Ả-rập Xê-út và OPEC+ là một bước đột phá tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu về dầu - nhưng kết quả này là rất khó xảy ra”, Ayham Kamel, Trưởng bộ phận Trung Đông và Bắc Phi tại Eurasia Group, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu được công bố trong ngày thứ Năm (13/06).
“Ngay cả trong một kịch bản như vậy, OPEC + vẫn sẽ gia hạn thỏa thuận nhưng sẽ điều chỉnh hạn ngạch để cho phép sản xuất nhiều hơn”, ông Kamel cho hay.
FiLi