MSCI: Kuwait chính thức được nâng hạng, chứng khoán Việt sẽ ra sao?
MSCI: Kuwait chính thức được nâng hạng, chứng khoán Việt sẽ ra sao?
Mới đây, MSCI thông báo sẽ chính thức nâng bậc xếp hạng của chỉ số MSCI Kuwait Index lên thị trường mới nổi, tùy theo việc cấu trúc của tài khoản tổng (omnibus account) và khả năng giao dịch chéo theo Mã số Nhà đầu tư Quốc gia (NIN) có được cung cấp cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trước khi kết thúc tháng 11/2019 hay không. MSCI sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 31/12/2019.
Giả sử các tính năng thị trường được đề cập ở trên được triển khai trong tháng 11/2019, MSCI sẽ đưa chỉ số MSCI Kuwait vào MSCI Emerging Market Index trong một bước, trùng với đợt Đánh giá chỉ số bán niên vào tháng 5/2020. Điều này sẽ dẫn đến việc thêm 9 cổ phiếu Kuwait vào chỉ số MSCI Emerging Market Index với tỷ trọng xấp xỉ 0.5%.
* MSCI: Việt Nam lại lỡ hẹn với danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi
* MSCI thấy điểm tích cực gì ở chứng khoán Việt Nam?
Hiện tại, tỷ trọng của Kuwait trong quỹ iShare MSCI Frontier 100 ETF đang là hơn 25% và kế đó là Việt Nam với tỷ trọng hơn 15%. Khi Kuwait được nâng hạng, tỷ trọng của Kuwait trong rổ thị trường cận biên sẽ trở về mức 0% và nhờ đó, tỷ trọng của Việt Nam trong danh mục sẽ tăng rất mạnh.
Ngoài ra, cũng có một yếu tố tác động tới danh mục của thị trường cận biên là khả năng Iceland được phân loại lại từ “thị trường độc lập” sang “thị trường cận biên”.
Tại đợt review lần này, với việc Kuwait được nâng hạng và Iceland có khả năng chuyển sang “thị trường cận biên”, MSCI cũng đưa ra một bảng mô phỏng tác động của việc này tới danh mục MSCI Frontier Markets 100 Index.
Như thể hiện ở bảng trên, tỷ trọng Việt Nam được tăng mạnh từ 15% lên 30% và số lượng cổ phiếu Việt tăng từ 28 lên 29 cổ phiếu.
Ngoài ra, MSCI cũng có đưa ra mô phỏng về top 10 cổ phiếu thành phần trong danh mục MSCI Frontier Markets 100 Index. Trong đó, có sự góp mặt của 3 cổ phiếu Việt Nam là VIC (5.6%), VNM (5%) và VHM (3.5%). Tại dữ liệu ngày ngày 24/06, 3 cổ phiếu Việt này có tỷ trọng trong iShares MSCI Frontier 100 ETF – quỹ bám theo chỉ số MSCI Frontier Markets 100 – lần lượt là 3.08%, 2.75% và 1.77%.
Kuwait được nâng hạng, Việt Nam được gì?
Trong trường hợp Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi, CTCK Rồng Việt (VDS) dự báo tỷ trọng của Việt Nam sẽ được tăng lên trong MSCI Frontier Market Index và MSCI Frontier Market 100 Index với tỷ lệ lần lượt là 25.8% và 30%. Trong đó, chỉ riêng quỹ bị động Ishares MSCI Frontier 100 ETF cũng có thể đầu tư thêm 65 triệu USD vào Việt Nam. Tiềm năng của các quỹ chủ động còn lớn hơn thế khi có ít nhất 3 tỷ USD đang "theo dõi" chỉ số MSCI Frontier Market Index. Trong đó có 800 triệu USD đang đầu tư vào Kuwait và Argentina.
Theo ông Lê Hoàng Phương, nếu Kuwait được MSCI chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2019, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets 100 Index có thể tăng lên mức 30% và trong rổ MSCI Frontier Markets Index có thể tăng lên mức 25%. Theo đó, Việt Nam có thể sẽ thu hút khoảng 250 triệu USD đổ vào thị trường chứng khoán.
Theo khảo sát của BVSC, hiện tại có 10 quỹ lớn đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam sử dụng MSCI Frontier Markets 100 Index hoặc MSCI Frontier Markets để làm tracking index hoặc làm benchmark. Trong đó chỉ có duy nhất iShare MSCI Frontier Markets 100 ETF là quỹ ETF – quỹ đầu tư thụ động và cũng là là quỹ duy nhất trong 10 quỹ bám sát theo MSCI Frontier Markets 100 Index.
Điều gì cần lưu ý?
Ông Phương lưu ý rằng, nếu Kuwait được công bố nâng hạng trong kỳ review tháng 6/2019 thì nhanh nhất là đến tháng 5/2020 thì Kuwait mới chính thức rời khỏi rổ cổ phiếu của MSCI Frontier Markets 100 và MSCI Frontier Markets Index. Do vậy, phải đến khoảng thời gian đó iShare MSCI Frontier Markets 100 ETF mới rót thêm vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các quỹ chủ động, có thể dòng tiền sẽ chảy vào thị trường Việt Nam sớm hơn thời điểm Kuwait chính thức rời MSCI Frontier Markets 100 và MSCI Frontier Markets Index.
Chỉ số MSCI Frontier Market được xây dựng nhằm mục đích bám sát thay đổi của các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mà nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch được (investable). Do đó, ông Đào Phước Toàn Trưởng phòng Nghiên cứu của Bien An Toan Capital, cho rằng khi nhìn vào dòng tiền mô phỏng chỉ số thì sẽ thấy hiệu ứng giao dịch của khối ngoại rõ nhất ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, có room ngoại trên 10%, tỷ lệ free-float cũng trên 10% và thanh khoản cao. Điển hình là các mã như VNM, VIC, VHM, MSN, HPG, VCB, POW, VJC…
FiLi