Thứ trưởng Ngoại giao: 'Ký EVFTA và IPA là thời khắc lịch sử của quan hệ Việt Nam - EU'
Thứ trưởng Ngoại giao: 'Ký EVFTA và IPA là thời khắc lịch sử của quan hệ Việt Nam - EU'
Thứ trưởng nhấn mạnh lợi ích của các hiệp định và khẳng định năm 2019 đánh dấu giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
![]() Lễ ký kết EVFTA và IPA giữa Việt Nam và EU tại Hà Nội ngày 30/6. Ảnh: Reuters.
|
"Hiệp định EVFTA và EVIPA đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU", Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về việc Việt Nam và EU ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) tại Hà Nội ngày 30/6 sau 9 năm đàm phán.
Theo ông, hợp tác kinh tế - thương mại song phương đã chuyển từ chỗ cơ bản là Việt Nam nhận hỗ trợ của EU để phát triển, xóa đói, giảm nghèo sang quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các cam kết của một hiệp định thương mại tự do (FTA) "thế hệ mới".
Theo nhiều nghiên cứu, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025; GDP của EU ước tính sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu tăng 29% vào năm 2035.
"Có thể nói, việc ký EVFTA và IPA là một trong những thời khắc lịch sử quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ Việt Nam - EU. Dấu mốc mới chứa đựng những cơ hội hợp tác to lớn song cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực chung", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Với việc ký kết hai hiệp định, có thể đánh giá "năm 2019 đánh dấu giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam", Thứ trưởng Ngoại giao nhận định.
Ông giải thích rằng Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là một mắt xích trong các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực quan trọng. Với 16 FTA đã thực thi, đang đàm phán và chuẩn bị phê chuẩn, Việt Nam trở thành tâm điểm của mạng lưới kết nối FTA sâu rộng và toàn diện chiếm 59% dân số thế giới, 61% GDP và 68% thương mại toàn cầu, góp phần tăng đan xen lợi ích với hầu hết các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới.
Từ năm 2019, Việt Nam bước vào giai đoạn thực thi các cam kết kinh tế quốc tế then chốt như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hong Kong (AKFTA). Việc tham gia EVFTA cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Việt Nam còn tham gia vào quá trình định hình các cấu trúc mới ở khu vực và toàn cầu với tâm thế mới. Tại WEF Davos hồi tháng Một, Việt Nam là nước đầu tiên ở Ðông Nam Á ký Thỏa thuận hợp tác với WEF xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và kết nối Trung tâm này với các Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF trên thế giới. Việt Nam cũng tích cực đóng góp cho các vấn đề quốc tế tại các diễn đàn đa phương như Hội nghị G20 ở Nhật cuối tuần qua.
Việc ký kết EVFTA và IPA là bước khởi đầu và hai bên còn nhiều việc phải làm để các hiệp định này được phê chuẩn, có hiệu lực. "Hy vọng EVFTA và IPA sẽ sớm được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn để chính thức đi vào triển khai, góp phần quan trọng đưa quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU lên tầm cao mới, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của hai bên cũng như của hai khu vực Á - Âu và trên thế giới", Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói.
Phương Vũ