KBSV: Cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn năm 2020
KBSV: Cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn năm 2020
CTCK KB Việt Nam (KBSV) dự báo đích kì vọng của VN-Index cho năm 2020 tại vùng 1,100 điểm, tăng hơn 14% so với cuối năm 2019; đồng thời, dòng tiền sẽ tiếp tục hướng tới nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong báo cáo Chiến lược 2020 mới công bố, KBSV cho rằng mặc dù các yếu tố rủi ro vẫn tồn tại, tuy nhiên bối cảnh chung của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bớt xáo trộn hơn so với giai đoạn 2018 - 2019. Thị trường được kỳ vọng phản ứng tích cực nhất trong nửa đầu năm 2020.
Trong đó, bối cảnh quốc tế có phần thuận lợi hơn nhờ: chiến tranh thương mại lắng dịu; Brexit kỳ vọng sớm đạt thỏa thuận; tăng trưởng kinh tế toàn cầu hồi phục nhẹ với động lực đến từ các nền kinh tế mới nổi; các Ngân hàng trung ương (NHTW) tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ…
Đối với bối cảnh trong nước, các chỉ tiêu vĩ mô được kỳ vọng tiếp tục diễn biến thuận lợi (tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, lãi suất…), trong khi thị trường cũng xuất hiện các yếu tố hỗ trợ khác như việc triển khai các ETFs mới; triển vọng nâng hạng FTSE; đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn; kỳ vọng vào việc cắt giảm mặt bằng lãi suất cho vay; giải ngân đầu tư công…
Đáng nói, yếu tố rủi ro lớn nhất tác động đến thị trường trong năm 2018 - 2019 là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ hạ nhiệt do nước Mỹ dồn sự tập trung vào kỳ bầu cử Tổng thống.
Ảnh hưởng của các yếu tố đến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020
Nguồn: KBSV
|
VN-Index đang nằm tại vùng giá hợp lý và hấp dẫn hơn các nước trong khu vực
KBSV nhận định thị trường Việt Nam đang là thị trường chứng khoán (TTCK) hấp dẫn khi P/E của VN-Index hiện vẫn đang thấp hơn TTCK trong khu vực, xét trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao vượt trội. Mối tương quan giữa P/B và ROE cũng chỉ ra VN-Index đang nằm tại vùng giá hợp lý.
P/E của VN-Index so với khu vực
Nguồn: Bloomberg, KBSV
|
Đáng chú ý, nếu so với mức trung bình 10 năm, P/E của VN-Index đang ở mức cao, điều này phản ánh điều kiện thị trường đã được cải thiện mạnh so với các giai đoạn trước.
Thực tế, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng, là yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ biến động thị trường. Với đánh giá thận trọng, P/E của TTCK Việt Nam trong năm 2020 không đổi so với 2019, VN-Index được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tối thiểu 10%, tương ứng với mức tăng EPS của thị trường. Qua đó, KBSV đặt ra đích kì vọng của VN-Index cho năm 2020 tại vùng 1,100 điểm, tăng hơn 14% so với cuối năm 2019.
Đồng thời, KBSV kì vọng thị trường sẽ tạo đáy trung hạn trong quý 1/2020 trước khi hồi phục nhờ vào các yếu tố sau: TTCK Việt Nam đang phản ứng trễ nhịp với TTCK Thế giới khi liên tiếp sụt giảm và nhiều cổ phiếu đã được điều chỉnh mạnh về vùng hấp dẫn; triển vọng kết quả kinh doanh 2020 tích cực hơn sẽ giúp nâng đỡ thị trường; dòng tiền đầu cơ có khả năng sẽ chảy vào TTCK nếu có những thay đổi tích cực trong kì rà soát nâng hạng tới đây của FTSE.
Tuy nhiên về giai đoạn cuối năm, KBSV cho rằng thị trường sẽ có thể biến động mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn khi đây là giai đoạn diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ.
Chiến lược đầu tư 2020 ưu tiên cổ phiếu vốn hóa lớn
Theo nhận định của KBSV xu hướng dòng tiền sẽ tiếp tục hướng tới nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, bất chấp nhóm này hiện đang giao dịch ở vùng giá cao nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh so với các nhóm còn lại. Trong đó, nhà đầu tư có thể ưu tiên một số nhóm chính như sau:
Đầu tiên là nhóm ngành mang tính chất tăng trưởng dài hạn, do hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô hiện tại như cơ cấu dân số trẻ, thu nhập tầng lớp trung lưu tăng, xu hướng ứng dụng công nghệ trong đời sống, cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các ngành nổi bật có thể kể đến ngân hàng, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin.
Kế đến là nhóm doanh nghiệp (có thể) đón nhận dòng tiền lớn từ khối ngoại nhờ việc ra đời các ETFs mới, triển khai NVDR (chứng chỉ không có quyền biểu quyết) và triển vọng nâng hạng của TTCK Việt Nam. Các nhóm doanh nghiệp này phần đông đều là các doanh nghiệp Large Cap (vốn hóa lớn), hiện đang nằm trong rổ Vietnam Diamond, Vietnam Financial Select và Vietnam Leading Financial… hoặc có cơ hội gia tăng tỷ trọng trong các rổ ETFs quốc tế nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng.
Bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu trễ nhịp, diễn biến tiêu cực trong năm 2019. Tuy nhiên, chỉ những cổ phiếu cho thấy triển vọng quay trở lại xu hướng tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh mới có khả năng duy trì được đà hồi phục bền vững về mặt bằng giá cổ phiếu. Trong nhóm này, KBSV ưu tiên các doanh nghiệp ngành dầu khí, nguyên vật liệu.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu phòng thủ cũng là lựa chọn cần thiết khi thị trường có thể có những biến động mạnh trong giai đoạn cuối năm 2020. KBSV nhìn thấy những cơ hội hấp dẫn ở các cổ phiếu ngành điện trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung điện nhưng nguồn cầu vẫn tăng cao.
Cuối cùng là nhóm cổ phiếu xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính phủ đang cho thấy quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công vào những dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu như các tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay Sa Pha và các dự án Nhiệt điện… Nút thắt về việc huy động vốn đã được nới lỏng khi việc tính toán lại GDP đã tạo dư địa vay vốn, tăng nợ công của Chính phủ.