Mối lo dầu mỏ giữa bất ổn Mỹ - Iran

05/01/2020 21:00
05-01-2020 21:00:00+07:00

Mối lo dầu mỏ giữa bất ổn Mỹ - Iran

Sau khi Mỹ tấn công giết chết tướng Qassem Soleimani - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, giá dầu cũng như nguồn cung cấp dầu từ khu vực Trung Đông sẽ thay đổi thế nào, các nước ngoài khu vực sẽ bị tác động ra sao?

Mối lo dầu mỏ giữa bất ổn Mỹ - Iran
Lượng dầu từ vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz lên đến 18 triệu thùng mỗi ngày. Reuters

Dầu tăng giá! Đó là phản ứng gần như tất yếu của thị trường toàn cầu mỗi khi khu vực Trung Đông xảy ra một biến động lớn về an ninh, chính trị, quân sự. Vì thế, sau khi tướng Soleimani thiệt mạng trong vụ tấn công do Mỹ thực hiện khiến tình hình Mỹ - Iran đứng trước ngòi nổ chiến tranh, thì giá dầu đã tăng cao. Vụ tấn công xảy ra tại Iraq nên bất ổn cũng xảy ra tại nước này.

Giá dầu không tăng sốc

Đóng cửa thị trường ngày 3.1 (giờ Mỹ), tức khoảng 1 ngày sau khi vụ việc trên được công bố chính thức, giá dầu Brent tăng khoảng 3,55% lên mức 68,6 USD/thùng, giá dầu WTI tăng 3,06% lên mức 63,05 USD/thùng. Đây là mức tăng không thấp, nhưng chưa đủ gây sốc nếu so sánh với thời điểm giữa tháng 9.2019 khi cơ sở khai thác dầu của Ả Rập Xê Út bị tấn công bởi máy bay không người lái và tên lửa vào ngày 14.9.2019.

Vụ việc xảy ra vào thứ bảy ngày 14.9.2019, đến thứ hai đầu tuần tiếp theo (16.9.2019), giá dầu Brent tăng thêm 8,8 USD/thùng, tương đương tỷ lệ 14,6%, lên mức 69,02 USD/thùng. Cùng ngày, giá dầu WTI tăng thêm 8,05 USD/thùng, tương đương tỷ lệ 14,7%, lên mức 62,9 USD/thùng. Đây là mức tăng nhanh nhất trong 1 ngày kể từ năm 1988 đến nay. Vào tháng 9.2019, giới chuyên gia dự báo giá dầu Brent sẽ sớm cán mức 80 USD/thùng. Nhưng trong thực tế, từ khi xảy ra sự cố ở Ả Rập Xê Út đến nay thì giá dầu Brent chưa bao giờ vượt mức 70 USD/thùng, chứ đừng nói đến mức 80 USD/thùng.

Không quá khó hiểu về sự khác biệt của hai sự kiện. Vụ việc xảy ra hồi tháng 9.2019 có tầm ảnh hưởng lớn hơn bởi Ả Rập Xê Út - có sản lượng dầu thô xuất khẩu lớn hơn cả Iran và Iraq cộng lại - đã phải giảm khoảng 50% sản lượng khai thác dầu.

Thực tế thời gian qua, sau khi bị Mỹ trừng phạt nên Iran gặp khó trong việc xuất khẩu dầu. Sản lượng xuất khẩu của Iran chỉ khoảng 2,1 - 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Còn Iraq khoảng 3,6 triệu thùng mỗi ngày. Tổng cộng hai nước xuất khẩu khoảng 5,8 triệu thùng mỗi ngày, thấp hơn mức xấp xỉ 7 triệu thùng của Ả Rập Xê Út.

Thêm vào đó, hơn 2 năm qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC), với 14 thành viên - trong đó có Iran, Iraq, Ả Rập Xê Út, đã phối hợp cùng Nga để tự hạn chế mức sản lượng nhằm để giá dầu ở mức cao. Cho nên, khi cần thiết thì OPEC vẫn có thể “mở van” để bù vào sản lượng từ Iran và Iraq. Chính vì vậy, ngay cả khi bất ổn diễn ra ở Iran và Iraq thì thị trường thế giới không thiếu nguồn dầu thay thế.

Nỗi lo của Nhật Bản và Trung Quốc

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất nếu xảy ra xung đột ở Trung Đông chính là việc Iran có thể phong tỏa eo biển Hormuz - cửa ngõ kết nối khu vực vịnh Ba Tư với Ấn Độ Dương. Vịnh Ba Tư (tiếp giáp với Iran, Iraq, Ả Rập Xê Út, Qatar, UAE, Kuwait...) là nơi xuất phát của nguồn dầu mỏ xuất khẩu lên đến 18 triệu thùng mỗi ngày. Chính vì thế, nếu Tehran tiến hành phong tỏa eo biển Hormuz thì nguồn cung cấp dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Cụ thể, tổng lượng dầu đến từ vịnh Ba Tư chiếm khoảng 38% tổng nguồn nhập khẩu dầu của Trung Quốc. Giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa thực sự lắng dịu, nếu thiếu đi nguồn cung cấp dầu như trên, đây sẽ là một thách thức lớn cho Bắc Kinh.

Còn với Nhật Bản thì hơn 80% lượng dầu mà nước này nhập khẩu đi qua eo biển Hormuz. Chính vì thế, không hề khó hiểu khi giữa các biến động, Tokyo đã phải điều động tàu chiến sang khu vực Trung Đông để bảo vệ cho tàu chở hàng và dầu mỏ liên quan Nhật Bản.

Trong khi đó, “người trong cuộc” là Mỹ lại có tỷ lệ nhập khẩu dầu từ khu vực Trung Đông ở mức không quá lớn. Nước này tự chủ được hơn 85% nhu cầu nội địa. Và ở phần nhập khẩu, phần đến từ khu vực vịnh Ba Tư chiếm chỉ khoảng 15%.

Chính vì vậy, chiến sự bùng nổ tại vùng Vịnh thì không phải Mỹ mà Nhật và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về nguồn cung cấp dầu mỏ.

Ngô Minh Trí

Thanh niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

OECD nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới

OECD đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới, nhờ sự phục hồi mạnh của kinh tế Mỹ, trong lúc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tụt lại...

Sàn giao dịch điện nở rộ, thu hút nhà đầu tư

Thị trường điện châu Âu có những bước tiến tự do hóa xa hơn. Hợp đồng điện tương lai được giao dịch rộng rãi, ước tính có quy mô gấp bảy lần quy mô thị trường giao...

"Ông lớn" dược phẩm Pfizer với cái kết hậu COVID-19

Giám đốc tài chính của Pfizer bày tỏ hài lòng về mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ 11% của các sản phẩm không liên quan tới COVID-19 trong quý vừa qua của công ty...

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ lên 6,8%

IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại từ 6,5% (được đưa ra hồi tháng Một) lên mức 6,8%, chủ yếu nhờ đầu tư công.

Chủ tịch Jerome Powell: Fed khó nâng lãi suất trở lại

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng lạm phát vẫn còn quá cao và Fed không cảm thấy tự tin về tiến triển lạm phát.

Fed giữ nguyên lãi suất, giảm nhịp độ thắt chặt định lượng

Fed giữ nguyên lãi suất khi cuộc chiến chống lạm phát dần trở nên khó khăn hơn trong thời gian gần đây.

Kinh tế toàn cầu hồi phục "đáng kinh ngạc" bất chấp các cú sốc lớn

IMF nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm nay lên 3,2%, tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách vẫn cần phải có những hành động quyết đoán để bảo vệ những...

Quỹ đầu tư Mỹ sắp đạt thoả thuận mua lại cổ phần tại chuỗi gà rán KFC Nhật Bản

Nikkei Asia cho biết quản lý quỹ tài sản Carlyle Group của Mỹ sắp mua lại KFC Holdings Japan, nhà điều hành chuỗi cửa hàng gà rán KFC tại nước này.

Nhiều nước châu Á đẩy lùi thời điểm giảm lãi suất

Với triển vọng ngày càng mờ mịt về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng tiền tệ trong năm, nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á buộc phải đẩy lùi thời điểm...

Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc được nâng lên 4,8%

Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhờ nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và việc chính quyền nỗ lực phát triển công nghệ...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98