Nguồn cung bất động sản TP.HCM lao dốc trong quý I
Nguồn cung bất động sản TP.HCM lao dốc trong quý I
Quý I/2020, thị trường TP.HCM ghi nhận chỉ có 11 dự án mới được mở bán, giảm 8 dự án so với quý IV/2019.
* Bất động sản, nỗi lo 'ngủ đông' và hiệu ứng dây chuyền
* Góc nhìn Bất động sản: Khu Nam tiếp tục khẳng định đẳng cấp
* Bất động sản mùa dịch, sẵn tiền mua nhà lúc giá hời
Theo báo cáo mới đây của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, TP.HCM chỉ có 5.497 sản phẩm từ 11 dự án ở các phân khúc được chào bán ra thị trường.
Trong đó, tổng số căn hộ được mở bán là 4.664 căn với hơn 37% là căn có diện tích 50-70 m2. Các sản phẩm có giá dưới 35 triệu đồng/m2 chiếm đến gần 43%, tiếp sau đó là nhóm sản phẩm có giá hơn 70 triệu đồng/m2 với 36,7%. Khu vực huyện Bình Chánh là nơi có nguồn cung căn hộ lớn nhất với khoảng 43% tổng căn hộ của thị trường.
Đối với phân khúc shop house chỉ có 133 sản phẩm tập trung ở Nhà Bè, quận 10 và quận 4. Các sản phẩm này được chào bán với mức giá trên 70 triệu đồng/m2, chủ yếu có diện tích lớn hơn 120 m2. Tương tự, thị trường biệt thự ghi nhận 227 sản phẩm tại quận Nhà Bè được bán ra thị trường.
Nguồn cung nhà phố tập trung ở Nhà Bè và Thủ Đức với 138 căn, có giá trên 70 triệu đồng/m2, còn phân khúc đất nền với 335 sản phẩm tập trung tại Nhà Bè, Bình Chánh và Củ Chi.
Quý I/2020, thị trường TP.HCM ghi nhận chỉ có 11 dự án mới được mở bán, giảm 8 dự án so với quý IV/2019. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Theo số liệu của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, nguồn cung quý I/2020 chỉ bằng khoảng gần 1/3 so với quý IV/2019.
Bên cạnh những vướng mắc về vấn đề pháp lý từ năm 2019, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm này cũng một phần do tác động của dịch Covid-19 khiến các kế hoạch mở bán, phát triển dự án của nhiều chủ đầu tư phải hủy hoặc hoãn không thời hạn.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định thị trường đang trong giai đoạn xấu, chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát, tình trạng mới có thể được cải thiện.
Ông Hoàng cho rằng, trong trường hợp không kiểm soát được dịch trong thời gian gần, các doanh nghiệp buộc phải có những biện pháp mới để thích nghi, làm quen với thị trường và có những phương thức mới trong hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm.
"Nhiều doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm với phương thức hoạt động mới nên có thể gặp khó khăn và mất thời gian trong giai đoạn đầu. Đồng thời, để vượt qua thời điểm này, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhiều loại chi phí, đặc biệt là hỗ trợ về lãi vay ngân hàng từ phía Nhà nước và các ngân hàng", ông nói thêm.
Hà Bùi