Điện than gặp khó, có lo thiếu điện?

15/10/2021 16:07
15-10-2021 16:07:22+07:00

Điện than gặp khó, có lo thiếu điện?

Các chuyên gia lo ngại, việc các tổ chức tín dụng siết cho vay với các dự án điện than để chuyển sang chiến lược “tín dụng xanh” sẽ khiến các dự án năng lượng chạy than khó gọi vốn, dẫn đến nguy cơ thiếu điện nếu không có nguồn thay thế.

Câu chuyện chuyển dịch sang năng lượng sạch một lần nữa được “hâm nóng” trở lại vào tuần này, khi gần như cùng lúc với có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị phê duyệt Quy hoạch điện 8, Bộ Công thương đồng thời tổ chức hội thảo “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững”, trong khi các tổ chức năng lượng và tín dụng quốc tế cũng có diễn đàn tương tự, kết nối đến điểm cầu tại Việt Nam.

Chỉ 1/3 dự án điện than được thực hiện theo Quy hoạch điện 7

Trước tiên, cần nhắc lại rằng, tại tờ trình Quy hoạch điện 8 vừa trình Thủ tướng, Bộ Công thương cho hay, đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc đạt 69.342 MW thì nhiệt điện than 21.383 MW, chiếm 30,8% công suất và 50% sản lượng; điện khí 9.025 MW (13,1% về công suất, 14,6% sản lượng); điện gió và mặt trời hơn 17.000 MW (24,6% về công suất và 4,1% sản lượng).

Đến năm 2030, với công suất gần 40.900 MW, tỷ lệ điện than sẽ giao động ở mức 28,4 - 31,4% và điện khí tăng mạnh với 27.471 - 32.271 MW, chiếm tỷ lệ 21,1 - 22,4%. Và tới năm 2045, thì tỷ lệ nhiệt điện than giảm còn 15,4 - 19,4%, nhiệt điện khí tiếp tục tăng lên với tỷ lệ 23,5 - 26,9%.

Nhiệt điện than Thái Bình 2, một trong những án chậm tiến độ kéo dài. Ảnh: Chí Hiếu

Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên giữa tuần qua, một đại diện chủ chốt trong Ban soạn thảo Quy hoạch điện 8 của Bộ Công thương thừa nhận rằng, sẽ là thách thức không nhỏ để các dự án nhiệt điện, nhất là điện than đảm bảo tiến độ khi mà việc thu xếp vốn đã trở nên rất khó khăn. “Chúng tôi cũng lo lắm, nhưng hiện nay bản quy hoạch này đã gần như là tối ưu với các mục tiêu đảm bảo cân bằng các nguồn điện, cân bằng giữa các vùng miền, không phải xây dựng thêm đường truyền tải bắc - nam”, vị này nói.

Ngay trong tờ trình, Bộ Công thương cũng đã cho biết, thời kỳ vừa qua, nhiều dự án nhiệt điện than miền Bắc chậm triển khai, khiến tỷ lệ thực hiện Quy hoạch điện 7 điều chỉnh của nhiệt điện than chỉ đạt 33,9% quy hoạch.

Ngân hàng cạnh tranh để cấp vốn cho điện gió?

Tại hội thảo về tín dụng năng lượng giữa tuần qua, ông Patrick Jakobsen, Giám đốc thẩm định tín dụng của Tổ chức Tín dụng xuất khẩu Đan Mạch (EKF), cho hay hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 10% đơn vị tài chính cung cấp tín dụng cho nhiệt điện than và cho rằng “đây là nhóm rất nhỏ” và ngày càng thu hẹp nhanh bởi “thu xếp tài chính cho điện than hiện đang trở thành điều cấm kỵ” và còn rất hiếm tổ chức nào cung cấp tài chính cho dự án điện than mới.

“Các quốc gia đang đưa ra những quy định chống cung cấp tài chính cho điện than, như Trung Quốc và Vương quốc Anh là điển hình. Khi quyết định đầu tư cho điện than các tổ chức tài chính có nhiều thứ để cân nhắc, như phải chịu rủi ro nhất định và cũng ảnh hưởng đến chỉ tiêu xanh mà các tổ chức tài chính trên thế giới phải đáp ứng và đề bù vào đó, lãi suất đương nhiên sẽ cao hơn”, ông Patrick Jakobsen lý giải.

Dự án điện gió ngoài khơi sẽ dễ tiếp cận vốn, với lãi suất thấp hơn nhiều các dự án điện than. Ảnh: GWEC

Thế nhưng, theo vị này, ở chiều ngược lại, sự chuyển dịch của xu hướng tài chính xanh khiến các ngân hàng phải cạnh tranh với nhau để được cung cấp cho các dự án năng lượng sạch, mà điển hình là điện gió ngoài khơi. “Hiện mức cho vay của chúng tôi đối với các dự án ngoài khơi của Vương Quốc Anh là 1,2%. Tất nhiên, ở Việt Nam thì độ rủi ro cao hơn, nên mức cho vay sẽ phải cộng thêm khoảng 2 - 5%”, ông Patrick Jakobsen nói.

Còn ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á thuộc Hội đồng năng lượng gió toàn cầu dẫn số liệu cho biết, suốt thời kỳ 2015 - 2021, các dự án điện than tại Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng hiện 3 quốc gia này đã cam kết dừng đầu tư vào các dự án điện than mới. “Giai đoạn 2021 - 2030 sẽ có khoảng 11.900 MW điện than phải thu xếp vốn nhưng còn 8.600 MW chưa tìm được nguồn, nên sẽ rất khó để các dự án nhiệt điện than về đích vào năm 2030”, ông nói.

Tương tự, ông Sean Huang, Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners - đơn vị đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, cảnh báo: “Việc Quy hoạch 8 phụ thuộc nhiều vào các dự án nhiệt điện than trong những thập kỷ tiếp theo là điều đáng quan ngại. Điều này khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ các dự án nhiệt điện than tiếp tục bị chậm trễ tiến độ hoặc bị hủy bỏ trong tương lai khi các tổ chức quốc tế ngừng cấp vốn cho các dự án điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.

Vị này cho rằng, điện gió ngoài khơi có thể trở thành một giải pháp năng lượng lâu dài cho Việt Nam và không phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu đồng thời bày tỏ rằng, công suất cho điện gió ngoài khơi trong dự thảo quy hoạch mới nhất cần được tăng thêm để hiện thực hóa tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam như nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, tổ chức trong ngành công nghiệp này.

Dù vậy, chia sẻ với Thanh Niên, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), khẳng định công suất đặt của điện gió ngoài khơi tại tờ trình mới nhất không có gì thay đổi so với tờ trình hồi tháng 8.

Chí Hiếu

Thanh niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chính thức giải thể Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giải thể từ 21/3/2025, theo Nghị quyết của Chính phủ.

Phó Thủ tướng: Long An cần đẩy mạnh tăng trưởng xanh

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Long An phải đẩy mạnh tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng tái tạo để hiện thực...

Doanh nghiệp Pháp muốn tham gia dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam

Ngày 21/03, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng phụ trách Giao thông Pháp Philippe Tabarot về hợp tác giao thông vận tải giữa hai...

CPA Australia: Doanh nghiệp nhỏ Việt Nam ghi nhận tăng trưởng cao nhất 4 năm

Theo khảo sát thường niên của CPA Australia (Hiệp hội Kế toán Công chứng Úc), các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam đã trải qua một năm 2024 thành công. 82% doanh...

Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công an, NHNN cùng quản lý sàn giao dịch tiền mã hóa

Mới đây, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 64/TTr-BTC trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa. Trong...

Chủ tịch tập đoàn tư nhân nói về 'phao cứu sinh'

Ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam - cho hay, hiện nay vốn của doanh nghiệp tư nhân hầu hết đều dựa vào ngân hàng. Nói cách khác, ngân hàng là...

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính yêu cầu tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính nhấn mạnh đầu tư xây dựng cơ bản đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư công vừa là động lực, vừa dẫn dắt đầu tư tư...

Chính sách tài chính - yếu tố then chốt để phát triển doanh nghiệp tư nhân

Theo ông Lê Quang Mạnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, chính sách tài chính thông minh và linh hoạt là...

TS Cấn Văn Lực kiến nghị 7 giải pháp phát triển kinh tế tư nhân

Cần có sự thống nhất và nhất quán về tư duy đối với kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ chỉ đạo TKV thăm dò bể than Sông Hồng, trữ lượng gấp 20 lần bể than Quảng Ninh

Chính phủ yêu cầu TKV tiếp tục tìm kiếm đối tác để thăm dò Bể than Đồng bằng sông Hồng có tổng trữ lượng tới 210 tỉ tấn


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98