Phát hành ồ ạt, doanh nghiệp che giấu năng lực tài chính

10/01/2022 09:55
10-01-2022 09:55:00+07:00

Phát hành ồ ạt, doanh nghiệp che giấu năng lực tài chính

Theo PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhóm ngành năng lượng tái tạo (NLTT) phát hành ồ ạt trong năm 2021, về cơ bản không phù hợp với “khẩu vị” của nhà đầu tư cá nhân thích lướt sóng. Vì vậy, lượng TPDN NLTT “cháy hàng” thời gian qua đã đặt nhiều dấu hỏi về năng lực tài chính của DN phát hành.

Nhiều dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận-Bình Thuận đến nay vẫn không bán được điện vì không có đường dây tải điện.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc phát hành ồ ạt TPDN NLTT trong năm 2021 có gây ra rủi ro?

PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: - Năm 2021, bên cạnh sự tăng trưởng của trái phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản là sự tăng trưởng nhanh của trái phiếu NLTT.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi thời điểm hiện nay các DN NLTT đang rất cần vốn, trong khi vốn tự có hạn chế và khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng chỉ có giới hạn.

Chính vì vậy, phát hành TPDN NLTT mới có vốn để triển khai các dự án mới, đáp ứng yêu cầu bãi bỏ nhiệt điện than và những dạng năng lượng hóa thạch.

Vấn đề cần quan tâm ở đây là tầm mức rủi ro như thế nào. Tương tự như đối với trái phiếu bất động sản, trái phiếu NLTT cũng rủi ro khi không có bảo lãnh thanh toán.

Bảo lãnh thanh toán là bên trung gian đứng ra nhận thanh toán hộ nếu như bên phát hành không thể thanh toán được. Nhưng điều này rất hiếm.

Còn bảo lãnh phát hành chỉ bảo lãnh cho DN bán ra hết số cổ phiếu. Các dự án NLTT ở Việt Nam thời gian qua phát triển rất ồ ạt, thiếu kiểm soát và nguy cơ vỡ nợ cũng rất cao.

Điển hình, hàng loạt dự án điện mặt trời đến nay đang ở thế lưỡng nan. Theo đó, nếu triển khai và khai thác tiếp sẽ thua lỗ, trong khi bán lại cho Nhà nước (Tập đoàn Điện lực - EVN) cũng không thể bán được, chưa nói đến lợi nhuận.

Ngay điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng không bán được vì không có đường dây tải điện, nhà đầu tư đứng trước nguy cơ không có khả năng trả nợ. Năng lượng gió, vốn được cho là có ưu đãi nhiều hơn về chính sách, nhưng thời gian qua cũng rất nhiều vấn đề. Khả năng thu hồi vốn của dự án này cũng tương đối lâu dài.

Vì thế, TPDN NLTT phát hành chỉ trong vòng vài năm khả năng trả nợ rất khó, còn nếu theo chu kỳ sản xuất để sinh ra lãi lên đến hàng chục năm. Điều này sẽ mâu thuẫn với kỳ vọng của các nhà đầu tư cá nhân khi đa số vốn ít, chỉ quan tâm đến lãi suất, thích đầu tư lướt sóng, thu hồi vốn nhanh.

Vì thế, khi TPDN NLTT bán ra trên thị trường hiện nay ở thời hạn 2-3 năm, có rất nhiều vấn đề phải chú ý. Bởi khi huy động vốn ồ ạt như vậy đồng nghĩa khả năng rủi ro vỡ nợ sẽ rất lớn.

- Có ý kiến cho rằng việc phát hành TPDN ồ ạt với “mồi nhử” lãi suất cao 8-11% hiện nay do các DN nhóm ngành NLTT đang che giấu năng lực tài chính thực sự của mình, ý kiến của ông như thế nào?

- Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế, quy định về phát hành TPDN chưa chặt chẽ. Tôi biết thời gian qua có DN dù làm ăn không lợi nhuận bao nhiêu, nhưng phát hành trái phiếu cao gấp hàng chục lần số vốn thực họ đang có. Đây là điều nguy hiểm đối với nhà đầu tư khi mua vào.

Ở nước ngoài, họ có quy định rất rõ ràng về việc DN phát hành trái phiếu ra thị trường, có tỷ lệ cụ thể và được thẩm định chi tiết, được khống chế chặt chẽ bởi nhà nước. Thực ra phát hành TPDN là hình thức một kênh vay nợ.

Có thể dẫn chứng như New Zealand, Australia, Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha, tỷ lệ chung của vốn vay trên vốn tự có 3:1 (huy động 3, vốn chủ sở hữu 1). Đối với Canada, tỷ lệ này 2:1, Pháp và Mỹ 1,5:1, Trung Quốc 2:1 với DN thông thường, đối với DN nhóm tài chính ngân hàng được phép theo tỷ lệ 5:1.

Nhưng ở Việt Nam hiện chưa có quy định rõ ràng về điều này. Các DN phát hành trái phiếu không có xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Rất đáng báo động, tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư mà cho cả hệ thống tài chính tiền tệ.

Chỉ một vài DN nhỏ vỡ nợ, lòng tin nhà đầu tư với TPDN sẽ ngay lập tức sụt giảm, DN cũng khó huy động vốn qua kênh này.

Đó là chưa kể còn xảy ra hiệu ứng lan truyền khiến nhiều DN cùng trong trạng thái đứng trước nguy cơ phá sản, đẩy hệ thống tài chính tiền tệ vào bất ổn, tạo ra những cú sốc về tài chính.

- Phải chăng đã đến lúc cần có cơ chế kiểm soát loại hình trái phiếu này, thưa ông?

- Thực tế, phần lớn DN đầu tư NLTT hiện nay đều chưa phải là các tập đoàn có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm. Rất nhiều DN sử dụng đòn bẩy tài chính cao, điều này càng làm gia tăng rủi ro cho các ngân hàng và nhà đầu tư. Để chạy đua cho các dự án NLTT, nhiều DN đã chạy đua huy động vốn dài hạn bằng trái phiếu. Những rủi ro đến nay cũng đã bắt đầu dần lộ diện.

Vốn đầu tư phụ thuộc quá lớn vào kênh TPDN, trong khi doanh thu của các dự án hầu hết chỉ được phát sinh sau nhiều năm, khiến chủ đầu tư phát hành trái phiếu sẽ có thời điểm rơi vào vùng trả lãi trái chủ sớm, gây áp lực tài chính sớm so với giai đoạn ghi nhận doanh thu dự phóng.

Do đó, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần có cơ chế giám sát đối với những TPDN tăng trưởng nóng như NLTT hiện nay, hoặc ít nhất có những khuyến cáo kịp thời cho các nhà đầu tư.

- Xin cảm ơn ông.

Thời gian qua nhiều DN dù làm ăn không lợi nhuận bao nhiêu nhưng phát hành trái phiếu cao gấp hàng chục lần số vốn thực họ đang có. Đây là điều nguy hiểm đối với nhà đầu tư khi mua vào.

HOÀNG SƠN

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bất động sản Minh Ngọc mua lại trước hạn hàng trăm tỷ đồng trái phiếu dù âm vốn chủ

Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Ngọc Minh cho biết trong 3 tháng đầu năm 2024 đã mua lại trước hạn gần 370 tỷ đồng lô trái phiếu 1.3 ngàn tỷ đồng.

Lối nào cho trái phiếu xanh?

Chi phí chuyển đổi xanh quá lớn, thời gian chuyển đổi dài và những vướng mắc pháp lý là những nút thắt cản trở quá trình “xanh hoá” hoạt động sản xuất – kinh doanh...

Saigon Glory mua lại trước hạn 468 tỷ đồng của 10 lô trái phiếu

Theo thông báo ngày 17/04 trên HNX, Công ty TNHH Saigon Glory đã mua lại trước hạn 10 lô trái phiếu có mã từ SGL-2020.01 đến 10.

Chuyên gia: Nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ 'đau đầu' lo đáo hạn trái phiếu

Một số doanh nghiệp chia sẻ từ khi lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt, họ đã chủ động mua lại trước hạn nhiều lô trái phiếu nhằm giảm bớt gánh nặng về chi phí lãi vay...

TNG sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng tại lô trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng

Ngày 10/04/2024, HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) thông qua việc sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung trong toàn văn phương án phát hành trái phiếu ra công...

PSH tiếp tục gia hạn trả lãi trái phiếu

Theo thông báo ngày 06/04, CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH) tiếp tục gia hạn việc trả lãi cho lô trái phiếu PSHH2224003. Bên cạnh đó, cổ...

Công ty liên quan Bitexco báo lỗ, tiếp tục điều chỉnh lịch mua lại trái phiếu

Báo cáo tình hình tài chính năm 2023, CTCP BVB lỗ sau thuế 127 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 24 triệu đồng, đồng thời tiếp tục có sự điều chỉnh lịch thanh...

VBMA: Hơn 8 ngàn tỷ đồng trái phiếu được mua lại trước hạn trong tháng 3

Thống kê từ VBMA (Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam), có 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong tháng 03/2024. Trong khi đó, giá trị...

Trái phiếu doanh nghiệp tháng 03/2024: Bất động sản chiếm 80% giá trị phát hành

Trong tháng 03/2024, toàn thị trường phát hành tổng cộng 11 lô trái phiếu, giá trị 10.8 ngàn tỷ đồng theo mệnh giá. Các lô này có lãi suất thấp nhất 6.2%/năm cho...

NVL đạt thỏa thuận tái cấu trúc lô trái phiếu 300 triệu USD, cổ phiếu được cấp margin trở lại

Ngày 03/04, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL) công bố kết quả bỏ phiếu của trái chủ liên quan đến lô trái phiếu quốc tế 300 triệu USD.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98