Từ sự ''bốc hơi'' của Luna và TerraUSD: Nhìn lại chính sách liên quan tới tài sản kỹ thuật số

16/06/2022 08:17
16-06-2022 08:17:59+07:00

Từ sự ''bốc hơi'' của Luna và TerraUSD: Nhìn lại chính sách liên quan tới tài sản kỹ thuật số

Vài tuần trở lại đây, thị trường chứng kiến sự bốc hơi “dữ dội” của loạt tài sản kỹ thuật số khi các tài sản này thi nhau lao dốc. Đặc biệt, với hiện tượng đồng Luna và TerraUSD rớt thảm càng đặt ra các yêu cầu đối với xây dựng chính sách điều chỉnh hoạt động đầu tư này trên thị trường tài chính...

Từ sự “bốc hơi” của Luna và TerraUSD: Nhìn lại chính sách liên quan tới tài sản kỹ thuật số

Liên tục đổ dốc, giá Bitcoin những ngày gần đây xuống mức thấp kỷ lục.

Tháng 11 năm ngoái, thị trường tài sản kỹ thuật số đạt đỉnh với việc đồng Bitcoin (BTC) đạt mức cao kỷ lục khi 1 BTC “ăn” 69.000 USD và mức vốn hóa thị trường này đạt khoảng 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó thị trường này liên tục lao dốc. Cho đến đầu tháng 5 năm nay, BTC đã lao xuống dưới mốc 30.000 USD.

Tiếp đó, ngày 18/5, BTC giảm về mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua khi chỉ còn hơn 28.000 USD sau những công bố của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt cho tới khi lạm phát hạ nhiệt. Mức vốn hóa thị trường tài sản số này theo đó giảm chỉ còn đạt khoảng 1,24 nghìn tỷ USD.

Mặc dù mức vốn hóa thị trường này vẫn còn nhỏ so với mức vốn hóa các thị trường tài chính truyền thống, nhưng sự quan tâm của nhà đầu tư ngày càng cao đối với các loại tài sản này đã đặt ra các yêu cầu đối với chính sách điều chỉnh hoạt động đầu tư trên thị trường này, đặc biệt là sau khi Luna và TerraUSD gần như mất sạch giá trị vào ngày 13/5 khiến nhiều sàn giao dịch đi đến quyết định tạm dừng giao dịch các đồng tiền này.

Thậm chí, Cơ quan quản lý Hàn Quốc phải đưa ra quyết định điều tra “khẩn cấp” thị trường giao dịch tiền kỹ thuật số để tìm ra các phương án bảo vệ nhà đầu tư trong tương lai.

Tuy nhiên, cho tới nay các chính sách điều chỉnh tài sản số vẫn còn rất “mỏng”, và có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Điều này lại càng tạo ra nhiều thách thức trong việc điều chỉnh hoạt động này.

Nỗ lực xây dựng chính sách liên quan tới tài sản kỹ thuật số

Nhìn chung, hiện nay các quốc gia có các cách tiếp cận với các mức độ phát triển khác nhau trong công cuộc chạy đua xây dựng chính sách điều chỉnh tài sản kỹ thuật số.

Một số quốc gia đã xây dựng các cơ chế tương đối đầy đủ và toàn diện nhằm khuyến khích áp dụng các loại tài sản mới này, như Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Anh, Singapore; một số đang tích cực xây dựng và áp dụng các chính sách mới để bắt kịp các quốc gia đi đầu như Nga, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia; và số còn lại tiếp tục giữ quan điểm thận trọng và mới dừng lại ở việc nghiên cứu các loại tài sản này như Việt Nam.

Dù với cách tiếp cận nào, các cơ quan quản lý đều hướng tới mục tiêu nhận diện và quản lý được rủi ro hoạt động và rủi ro hệ thống của các loại tài sản này nhằm đảm bảo được sự ổn định của thị trường tài chính.

Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản do đặc điểm giao dịch liên thị trường, xuyên biên giới của các loại tài sản này. Phần lớn các quốc gia đều đã đưa ra các cảnh báo về các rủi ro liên quan đến các loại tài sản này như rủi ro lừa đảo, rủi ro biến động thị trường, rủi ro thanh khoản và rửa tiền.

Do các quốc gia áp dụng các chiến lược khác nhau, cơ chế hiện tại không cho phép một quốc gia có thể đảm đương được hết các công tác giám sát, thanh tra các loại tài sản này.

Ngay cả trong một thị trường có khung pháp lý điều chỉnh tài sản kỹ thuật số tương đối đầy đủ như thị trường Hoa Kỳ, quan điểm giám sát tài sản này vẫn đang có sự khác nhau giữa các Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai, Cục Dự trữ Liên bang và Ủy ban Giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, xu hướng chung giữa các quốc gia hiện nay là hướng tới việc phân định các trách nhiệm giữa các cơ quan và phối kết hợp để xây dựng các văn bản pháp quy điều chỉnh và đánh giá tác động của các loại tài sản này đối với nền kinh tế.

Những rủi ro hoạt động và rủi ro hệ thống do tiền kỹ thuật số, tài sản kỹ thuật số mang lại bao gồm các rủi ro liên quan sàn giao dịch, các loại ví, bảo vệ nhà đầu tư, dự trữ không đầy đủ hay công bố thông tin không chính xác.

Ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển, với sự cởi mở đối với tiền điện tử, những tài sản kỹ thuật số bắt đầu đóng vai trò thay thế các đồng nội tệ, phá vỡ rào cản về phương tiện trao đổi và các biện pháp quản lý tài khoản vốn.

Nhờ những hoạt động này, các loại hình tội phạm mới trên thị trường tài chính xuất hiện và điều này cũng lại là một quan ngại khác của cơ quan quản lý khi hiện nay vẫn thiếu vắng các quy định điều chỉnh các công ty tiền kỹ thuật số, tài sản kỹ thuật số. Điển hình là Binance, mặc dù nổi tiếng và phổ cập đối với nhà đầu tư toàn cầu, công ty này bị rất nhiều quốc gia từ chối cho phép hoạt động.

Tương lai và định hướng chính sách

Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ vẫn tiếp tục phải trả lời các câu hỏi về việc bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính và bảo vệ nhà đầu tư.

Các quốc gia cần hợp tác và xây dựng cách tiếp cận nhất quán đối với tiền và các loại tài sản kỹ thuật số. Theo đó, các khuôn khổ, quy định quốc tế cần cho phép một sân chơi bình đẳng giữa các quốc gia theo tiêu chí “lợi nhuận lớn, rủi ro cao”.

Bài học từ Luna và TerraUSD cho thấy các tổ chức cung cấp dịch vụ tiền điện tử hay rộng hơn là tài sản kỹ thuật số cần phải có được sự cấp phép từ các cơ quan quản lý sau khi đáp ứng được những tiêu chí nhất định do các cơ quan này yêu cầu. Những quy định này sẽ không chỉ giới hạn đối với các công ty cung cấp tài sản, giải pháp kỹ thuật số mà cả các sàn cung cấp dịch vụ giao dịch và các loại hình công ty liên quan khác.

Các quy định cần bao gồm lưu trữ, chuyển giao, thanh toán, lưu ký các khoản dự trữ của các loại tài sản này. Các quy định này sẽ tương tự như các quy định đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường tài chính hiện hành, nhưng cần được điều chỉnh cho phù hợp với tính chất của tài sản kỹ thuật số và các loại Stablecoins (đồng tiền ổn định) và đồng thời cung cấp các khuyến nghị đối với những rủi ro tiềm ẩn đối với các loại tài sản không đáp ứng được các tiêu chí đặt ra.

Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan quản lý cũng cần có sự hỗ trợ của các tổ chức cung cấp dịch vụ để có thể tìm hiểu thêm các kỹ năng công nghệ khác như học máy, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sổ cái phân tán để áp dụng vào trong công tác giám sát hoạt động thị trường của mình (regtech). Để làm được điều này, sự hợp tác giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ và các cơ quan quản lý là cần thiết, đảm bảo cách tiếp cận giám sát tốt nhất đối với các loại hình công nghệ, sản phẩm cũng như các giải pháp mới trên thị trường.

Về phía thị trường Việt Nam, theo thống kê của Statista, Việt Nam là một trong số những quốc gia có số người đã sử dụng hoặc sở hữu tiền mã hóa nhiều nhất thế giới, nhưng hiện nay việc đầu tư vào các loại tài sản này vẫn bị cấm. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là gần đây nhiều nỗ lực đáng kể đã được thực hiện nhằm hướng tới việc điều chỉnh các loại tài sản này.

Quyết định số 942 ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối Blockchain giai đoạn 2021-2023.

Tiếp đó, trong năm 2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1798/VPCP-KTTH ngày 23/03/2022 gửi Bộ Tài chính về việc xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo, tiền ảo. Do đó, có thể hy vọng rằng trong thời gian không xa, nhà đầu tư Việt Nam đối với các loại tài sản này sẽ có được những cơ chế bảo vệ tốt hơn.

Kiều Mai

VnEconomy





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

“Biết trước đã giàu” và bài học cay đắng từ coin thủ… cháy tài khoản

Thị trường giao dịch tiền ảo - dù chưa chính thức được pháp luật bảo hộ tại Việt Nam - vẫn là sân chơi đầy cám dỗ khi về bản chất có thể mang đến cơ hội kiếm tiền...

Giá đồng tiền điện tử bitcoin có thể chạm ngưỡng 110.000 USD mỗi BTC

Theo Doanh nhân Arthur Hayes, sáng lập BitMEX, đợt tăng giá bitcoin sẽ được thúc đẩy bởi việc Fed chuyển từ chính sách thắt chặt sang nới lỏng, bơm thêm thanh khoản...

Tổng thống Donald Trump và tham vọng biến Mỹ thành siêu cường tiền mã hóa

 Với loạt chính sách mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt cược lớn vào tiền mã hóa. Ông muốn biến Mỹ thành siêu cường trong lĩnh vực này, thay đổi hoàn toàn...

Tổng Giám đốc VanEck trao đổi kinh nghiệm phát triển thị trường tài sản số, đề nghị cùng SSI lập quỹ đầu tư Bitcoin

Sáng ngày 17/03/2025, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Tài sản VanEck - ông Jan van Eck - đã có buổi trao đổi với Thứ trưởng thường trực Nguyễn Minh Vũ tại trụ sở Bộ...

Nhà sáng lập Binance phủ nhận thông tin đàm phán với gia đình Trump

Changpeng Zhao, nhà sáng lập và cựu CEO của Binance - sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới, vừa công khai phủ nhận thông tin cho rằng gia đình Trump đang đàm...

WSJ: Gia đình Trump đàm phán mua cổ phần của Binance

Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn nguồn tin thân cận cho biết đại diện gia đình Tổng thống Trump đang tiến hành đàm phán để sở hữu cổ phần tài chính trong chi nhánh...

Meme coin là gì mà khiến thị trường tiền ảo điên đảo?

Trên thị trường tiền số, meme coin là một trong những dòng coin hot nhất trên thị trường, thu hút hàng trăm triệu nhà đầu tư toàn cầu. Nhưng meme coin chính xác là...

Thất vọng với sắc lệnh từ Trump, Bitcoin về sát 80,000 USD

Bitcoin giảm mạnh trong ngày 10/03, tiếp nối giai đoạn biến động mạnh sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh lập kho dự trữ Bitcoin chiến lược cho Mỹ.

Trump ký sắc lệnh lập quỹ dự trữ Bitcoin chiến lược, giá Bitcoin vẫn giảm

Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để thiết lập Kho Dự trữ Bitcoin Chiến lược của Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách tiền ảo của siêu...

Elon Musk và TT Donald Trump: Có liên minh tiền số đằng sau kế hoạch lớn?

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch kho dự trữ tiền số quốc gia, cái tên Elon Musk lại một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận. Liệu có một liên...


TIN CHÍNH

Doanh nghiệp sở hữu điểm bán hàng đầu Việt Nam tiếp tục đạt lợi nhuận dương trong quý 1/2025

Doanh nghiệp sở hữu điểm bán hàng đầu Việt Nam tiếp tục đạt lợi nhuận dương trong quý 1/2025

Doanh nghiệp bán lẻ sở hữu điểm bán hàng đầu Việt Nam - WinCommerce dự kiến tiếp tục mang về lợi nhuận dương trong quý 1/2025. Với trợ lực từ các chính sách thiết thực của Chính phủ như giảm thuế VAT, các doanh nghiệp bán lẻ hứa hẹn sẽ gặt hái nhiều kết quả tích cực trong năm nay.




Hotline: 0908 16 98 98