Sức hút của Việt Nam với châu Âu, nhìn từ các công ty Đan Mạch

03/10/2022 13:42
03-10-2022 13:42:00+07:00

Sức hút của Việt Nam với châu Âu, nhìn từ các công ty Đan Mạch

Ngày càng có nhiều công ty hướng tới đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và Việt Nam xếp top đầu trong danh sách mà các công ty Đan Mạch mong muốn mở rộng ở khu vực châu Á.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua Cảng Hải phòng. (Ảnh: TTXVN)

Theo trang mạng dw.com của Đức, các công ty Đan Mạch đang gia tăng sự hiện diện của họ tại Việt Nam, trong bối cảnh đất nước Đông Nam Á đang nhanh chóng tăng lên về giá trị gia tăng và trở thành trung tâm sản xuất công nghệ chính ở khu vực.

Năm 2022, Đan Mạch đã vượt lên trở thành nhà đầu tư lớn tại Việt Nam khi Tập đoàn đồ chơi LEGO của nước này cam kết đầu tư trị giá 1 tỷ USD (1,01 tỷ euro) để xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam. Đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn khổng lồ này.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, thương mại và đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam đã bùng nổ mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại của EU với Việt Nam đã tăng tới 14,3% trong năm 2021, lên mức 63,6 tỷ USD.

Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU tăng 15 % so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận mức xuất siêu của Việt Nam sang EU tăng gần 40%.

EU hiện là nhà đầu tư lớn thứ 6 ở Việt Nam và Việt Nam cũng là một đối tác kinh tế thương mại quan trọng của EU.

Cùng với việc nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, với việc các tập đoàn công nghệ như Apple và Samsung mới đây công bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam, Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo để tiến tới không phát thải ròng vào năm 2050.

Hiện Việt Nam có tốc độ tăng trưởng sản xuất năng lượng tái tạo nhanh nhất Đông Nam Á.

Tập đoàn năng lượng lớn nhất của Đan Mạch, Orsted, đã cam kết đầu tư tới 13,6 tỷ USD cho trang trại điện gió 3,9 gigawatt (GW) ở các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận của Việt Nam.

Một đại diện của tập đoàn Orsted cho biết các dự án đầu tiên liên quan đến khoản đầu tư này sẽ bắt đầu sản xuất điện vào năm 2030.

Tháng 8/2022, tập đoàn Orsted đã ký thỏa thuận với một công ty con của tập đoàn PetroVietnam, để hợp tác trong một số dự án năng lượng tái tạo.

Sức hút của Việt Nam

Trưởng phòng thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, Troels Jakobsen cho hay: "Đan Mạch và Việt Nam có mối quan hệ rất chặt chẽ và năm ngoái chúng ta đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, vì vậy Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư lớn của các công ty Đan Mạch."

“Số công ty Đan Mạch ở Việt Nam nhiều gấp đôi số công ty của các nước Bắc Âu khác cộng lại,” ông Troels Jakobsen nói. “ Ngày càng có nhiều công ty đang hướng tới đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và tại đây, Việt Nam xếp top đầu trong danh sách mà các công ty Đan Mạch mong muốn mở rộng ở châu Á."

Đầu tháng 8, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch đã xuất bản cuốn cẩm nang tiếng Việt cho các doanh nghiệp về thị trường Scandinavia. Vài ngày sau, một phái đoàn về nông nghiệp đã tới thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ giữa các ngành.

Đại sứ quán cũng đã tổ chức một diễn đàn về chuyển đổi số và xanh của Việt Nam trong tháng này, trong khi Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Đan Mạch diễn ra tại Copenhagen vào ngày 5/9.

Các công ty Đan Mạch cũng sẽ tháp tùng Thái tử Frederik trong chuyến thăm thương mại Việt Nam vào đầu tháng 11.

Sức hấp dẫn của Việt Nam

Chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách khu vực châu Á mới nổi tại Ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp Pháp Natixis, bà Trinh Nguyễn, cho rằng sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất đã được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Đất nước này đã nhanh chóng leo thang giá trị gia tăng và đang nhanh chóng trở thành trung tâm quan trọng cho sản xuất công nghệ.

Gã khổng lồ về công nghệ của Mỹ, Apple vào tháng trước đã thông báo rằng họ sẽ bắt đầu sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam. Nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Hàn Quốc Samsung đã là nhà đầu tư và xuất khẩu nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm.

Theo báo cáo kỳ tháng 9/2022 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi bất chấp lạm phát toàn cầu tăng cao cũng như tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính.

Các chuyên gia của WB cho biết, sản xuất công nghiệp - một trong những động lực chính của nền kinh tế tiếp tục cho thấy đà phục hồi. Cụ thể, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ lại ghi nhận thêm một tháng tăng trưởng cao 15,6% và 50,2% (so cùng kỳ năm trước).

Đặc biệt, theo WB, các lĩnh vực năng động nhất bao gồm hàng điện tử (tăng 12% so tháng trước) và phương tiện vận tải (tăng 15,7% so tháng trước). Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực chế tạo chế biến tăng từ 51,2% trong tháng 7 lên 52,7% trong tháng 8, ghi nhận 11 tháng tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến.

Năng lượng là yếu tố then chốt

Chìa khóa cho các nhà đầu tư châu Âu là EVFTA, cắt giảm gần như tất cả các loại thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Châu Âu.

Năng lượng tái tạo là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam với các doanh nghiệp Đan Mạch. (Nguồn: TTXVN)

EVFTA là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo đó, chất lượng đầu tư nước ngoài đã được cải thiện khi họ dành sự đầu tư có chiều sâu vào thị trường Việt Nam, góp phần tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

EVFTA đã thúc đẩy các nhà đầu tư chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam. Tính đến nay, các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ...

Một điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các công ty Đan Mạch là quốc gia này hướng tới năng lượng tái tạo.

Lina Hansen, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch về thương mại và tính bền vững toàn cầu, lưu ý rằng năng lượng là yếu tố quyết định chính đối với đầu tư vào Việt Nam, theo nhận xét của bà tại Hội nghị Việt Nam-Đan Mạch về doanh nghiệp gần đây.

Việt Nam hiện nằm trong số 10 nhà sản xuất điện mặt trời hàng đầu thế giới, tạo ra hơn 11% nhu cầu điện từ năng lượng mặt trời. Với bờ biển dài 3.260km, nó cũng đang đầu tư rất nhiều vào năng lượng gió.

Hiện tại, Việt Nam có công suất năng lượng mặt trời và gió lần lượt vào khoảng 16,6GW và 0,6GW, nhưng chính phủ muốn nâng công suất chung lên 20GW vào năm 2030.

"Việt Nam có lợi thế tự nhiên về gió ngoài khơi. Với 3.000km bờ biển,khu nước nông và tốc độ gió ổn định, Việt Nam cung cấp các điều kiện tuyệt vời để phát triển các dự án về gió ngoài khơi đáng tin cậy và có chi phí cạnh tranh,” Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia của Orsted, công ty đang đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các cơ sở sản xuất điện gió tại Việt Nam./.

Vietnam+





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: 'Các nhà thầu không lo thiếu tiền'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết các nhà thầu thi công đến đâu, tiền sẽ thanh toán, giải ngân đủ đến đó, không lo thiếu tiền để thi công “3 ca, 4 kíp”.

Khởi tố và bắt tạm giam Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Nguyễn Văn Khước, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan tập đoàn Phúc Sơn.

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện mùa nắng nóng 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô...

NVIDIA tiếp tục sang Việt Nam khảo sát địa điểm đầu tư

NVIDIA, hãng sản xuất chíp trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, tiếp tục cử đoàn công tác sang Việt Nam khảo sát Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để bỏ vốn đầu tư.

'Không ai muốn đầu tư để bán điện mặt trời mái nhà 0 đồng'

Chuyên gia cho rằng điện mặt trời mái nhà tự dùng nếu bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp vì suất đầu tư không hiệu quả.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

Ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để...

Xuất khẩu dệt may khởi sắc

Ngành dệt may đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức buộc phải vượt qua để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD trong năm 2024.

Tín chỉ carbon rừng: Nên bán hay để dành?

Có chuyên gia cho rằng nên bán tín chỉ carbon thay vì dự trữ bởi có thời hạn sử dụng, nhưng cũng có ý kiến đề xuất nên thành lập quỹ để có thể mua sớm những tín chỉ...

Ông lớn bán lẻ 190 năm của Nhật sắp mở trung tâm thương mại ở Hà Nội

Takashimaya, ông lớn bán lẻ có tuổi đời hơn 190 năm của Nhật Bản, lên kế hoạch đầu tư 13 triệu USD để xây dựng một trung tâm thương mại tại Hà Nội vào năm 2026.

Loạt đề xuất mới về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải

Trong giai đoạn đầu, các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98