Có gì trong thỏa thuận trần nợ của Mỹ?
Có gì trong thỏa thuận trần nợ của Mỹ?
Trong ngày 28/05, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã thỏa hiệp về một số vấn đề như chi tiêu liên bang và hỗ trợ cho người nghèo trong thỏa thuận trần nợ. Rào cản kế tiếp sẽ là thuyết phục các nhà làm luật ở Quốc hội thông qua thỏa thuận.
Tổng thống Joe Biden (bên trái) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy
|
Dưới đây, Bloomberg đề cập tới một số điều khoản có tác động lớn nhất về kinh tế và gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận vừa công bố trong ngày 28/05.
Không nâng mà chỉ đình chỉ trần nợ
Hai bên thống nhất sẽ đình chỉ việc áp trần nợ đến tháng 1/2025. Điều này đồng nghĩa với việc trần nợ sẽ không tăng, song Chính phủ Mỹ cũng sẽ không phải lo về việc không thể vay thêm tiền.
Đây là thắng lợi của Đảng Dân chủ, nhất là ông Biden, khi không phải lo lắng về việc lại phải đàm phán về trần nợ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Giảm một số chi tiêu Chính phủ
Thỏa thuận mới sẽ áp đặt giới hạn với các khoản ngân sách cho các cơ quan liên bang và chương trình chính phủ mà Quốc hội có thể điều chỉnh định kỳ. Các chương trình bắt buộc như Medicare (bảo hiểm y tế) và an sinh xã hội không bị ảnh hưởng.
Dự luật này áp mức trần 886 tỷ USD đối với chi tiêu cho an ninh quốc gia – bao gồm cả quốc phòng – và mức trần 704 tỷ USD với các khoản chi ngoài an ninh quốc gia trong năm tài khóa 2024. Hai con số này sẽ được nâng lên tương ứng 895 tỷ USD và 711 tỷ USD trong năm 2025.
Chi tiêu quốc phòng năm 2024 sẽ tăng 3.3%, đúng theo đề xuất ngân sách của ông Biden. Con số này thấp hơn mức tăng của lạm phát và không đáp ứng nguyện vọng của các quan chức “diều hâu” về quốc phòng trong Đảng Cộng hòa. Đây là điểm khác với thỏa thuận nâng trần nợ năm 2011 giữa tổng thống bấy giờ là ông Obama và Quốc hội. Khi ấy, việc giới hạn chi tiêu công được thực hiện ở cả lĩnh vực quốc phòng và ngoài quốc phòng.
Nhiều chương trình liên bang sẽ bị cắt giảm ngân sách vì khoản tiền được tăng không đủ để bù đắp lạm phát. Quốc hội vẫn cho phép tăng chi tiêu trong những trường hợp không lường trước như chiến tranh, bệnh dịch.
Thỏa thuận cũng nhằm buộc Quốc hội hoàn thành các dự luật chi tiêu hàng năm. Nếu các dự luật phân bổ chi tiêu thông thường không được thông qua trước ngày 01/01, thì dự luật quy định tự động cắt giảm 1% đối với cả giới hạn chi tiêu an ninh và phi an ninh.
Siết tiêu chuẩn nhận trợ cấp
Một trong những biện pháp được ông Biden và ông McCarthy thống nhất để cắt giảm chi tiêu là siết chặt tiêu chuẩn nhận trợ cấp với tem lương thực.
Những người trưởng thành thu nhập thấp có khả năng lao động, không có người phụ thuộc (con nhỏ, người thân khuyết tật…) từ 49 đến 54 tuổi sẽ phải có việc làm để nhận tem lương thực.
Nhà Trắng cho rằng họ đã đạt điều mình muốn khi giành được quyền ngoại lệ cho cựu chiến binh và những nhóm dễ bị tổn thương như người vô gia cư. Một quan chức trong chính quyền Biden cho rằng ngoại lệ này áp dụng cho khoảng nửa triệu người, cũng tương đương với số người bị tác động bởi việc siết chặt tiêu chuẩn nhận trợ cấp.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa cũng đạt điều mình muốn khi giảm được số người nhận trợ cấp chống đói nghèo, qua đó giảm chi tiêu công.
Rà soát các dự án năng lượng
Trong thỏa thuận được ký kết, hai bên sẽ thực hiện những điều chỉnh nhỏ đối với Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA). Đây là đạo luật đã tồn tại trong 53 năm qua, trong đó yêu cầu đánh giá liên bang đối với các dự án năng lượng. Nhưng lại bỏ qua những thay đổi lớn mà Đảng Cộng hòa mong muốn.
Dù vậy, Đảng Cộng hòa cũng đạt được một bước tiến khi áp đặt giới hạn 1 năm đối với các đánh giá về môi trường và 2 năm đối với các báo cáo về tác động môi trường. Tuy nhiên, việc gia hạn sẽ được cho phép. Theo dự luật mới, các nhà tài trợ dự án có thể yêu cầu tòa án xem xét lại nếu một cơ quan liên bang không đáp ứng được thời hạn đề ra.