Trái phiếu chính phủ và chuyện tiếp cận vốn của doanh nghiệp

22/05/2023 11:32
22-05-2023 11:32:05+07:00

Trái phiếu chính phủ và chuyện tiếp cận vốn của doanh nghiệp

Ngoài tác động làm giảm hiệu quả sử dụng vốn khi lượng phát hành trái phiếu chính phủ vẫn vượt trội hơn so với lượng vốn đầu tư công cần giải ngân khiến tồn quỹ ngân sách ngày càng cao, việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu chính phủ vẫn tăng trưởng cao cũng làm gia tăng hiệu ứng lấn át vốn.

Việc hạn chế phát hành TPCP không chỉ giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách mà còn có thể làm tăng thêm cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: LÊ VŨ

Cần tăng hiệu quả sử dụng vốn

Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhấn mạnh cần điều chuyển, sử dụng vốn linh hoạt, hạn chế phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) khi chưa giải ngân được nguồn vốn huy động cũ. Nhìn vào xu hướng phát hành TPCP từ đầu năm đến nay, lượng phát hành thành công vẫn rất lớn, trong khi việc sử dụng chưa hết gây lãng phí ngân sách, vì vậy đề xuất trên là có cơ sở.

Cụ thể, thống kê từ các phiên đấu thầu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong bốn tháng đầu năm 2023, tổng lượng trái phiếu (gồm cả TPCP bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và tín phiếu) được gọi thầu là 172.500 tỉ đồng, tăng 70.000 tỉ đồng, tương đương tăng 68% so với cùng kỳ. Đặc biệt, giá trị trúng thầu đạt 139.683 tỉ đồng, tăng 93.681 tỉ đồng, tương đương tăng 204% so với cùng kỳ bốn tháng đầu năm 2022.

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước bốn tháng đầu năm 2023 ước đạt 131.200 tỉ đồng, dù có tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng nếu so với kế hoạch năm nay thì chỉ mới đạt 19%. Trong bốn tháng qua, lượng vốn ngân sách đã giải ngân nói trên (131.200 tỉ đồng) còn thấp hơn cả lượng trái phiếu đã phát hành thành công (139.683 tỉ đồng), chưa kể lượng vốn ngân sách tồn đọng từ năm trước chuyển sang.

Đó là chưa nói đến nguồn thu ngân sách đạt kết quả khá tốt trong những năm gần đây, giúp ngân sách duy trì thặng dư tích cực. Cụ thể, sau khi đạt thặng dư 222.500 tỉ đồng trong năm 2022, ngân sách nhà nước bốn tháng đầu năm nay tiếp tục thặng dư 145.100 tỉ đồng; với tổng thu ngân sách sau bốn tháng dù có giảm 5% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đạt 39,8% dự toán năm, trong khi chi ngân sách tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ mới bằng 24,1% dự toán năm.

Việc KBNN phát hành TPCP rồi lấy lượng tiền huy động được đem gửi ngắn hạn tại các ngân hàng, tiếp đó các ngân hàng thừa vốn đem lượng tiền này tiếp tục tái đầu tư vào các TPCP kỳ hạn dài để tận dụng chênh lệch lãi suất, về bản chất dòng tiền chỉ xoay vòng, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế mà chỉ là cuộc chơi cân đo đong đếm lãi suất và quản trị rủi ro kỳ hạn để tìm kiếm lợi ích của các tổ chức.

Với các dự án đầu tư công vẫn chưa đạt tiến độ thực hiện như kỳ vọng, lượng vốn mà Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động thành công qua kênh trái phiếu những năm gần đây trở nên dư thừa, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, có thể gây lãng phí ngân sách.

Trước đó, vào cuối năm 2022, đại diện KBNN chia sẻ nguồn tiền tổ chức này gửi tại hệ thống ngân hàng khoảng 900.000 tỉ đồng. “Số tiền 900.000 tỉ đồng đó là tiền tồn quỹ ngân sách trung ương, tồn quỹ ngân sách của 63 tỉnh, 700 huyện và hơn 10.000 xã cùng với hơn 100.000 số dư tài khoản của các tổ chức, đơn vị kinh tế khác”.

Được biết số tiền gửi ở hệ thống ngân hàng này chia thành hai loại. Thứ nhất là tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định. Thứ hai là số tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại đáp ứng quy định của Bộ Tài chính với các kỳ hạn 1-3 tháng, trong đó chủ yếu là kỳ hạn 1 tháng, với lãi suất theo quy định đấu thầu giữa các ngân hàng khoảng 6%.

Tuy mức lãi suất này có cao hơn lãi suất phát hành mà KBNN trả cho các nhà đầu tư, nhưng rõ ràng không phải toàn bộ tiền gửi đều là có kỳ hạn, trong khi lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hiện nay rất thấp – từ 0,5% trở xuống. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vào tháng 11 năm ngoái cho biết khoản tiền gửi không kỳ hạn khoảng 600.000 tỉ đồng và có kỳ hạn 290.000 tỉ đồng.

Vào cuối năm 2022, KBNN từng chia sẻ, hiện nay, thu ngân sách trung ương đạt khá trong khi giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách trung ương còn thấp, dẫn đến việc tồn ngân quỹ nhà nước duy trì ở mức cao. Vì vậy, cơ quan này cũng có định hướng thời gian tới sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ giải ngân để huy động khối lượng TPCP tương ứng nhằm đảm bảo vốn vay về phù hợp nhu cầu sử dụng, nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng vốn.

Hiệu ứng lấn át

Ngoài tác động làm giảm hiệu quả sử dụng vốn khi lượng phát hành TPCP vẫn vượt trội hơn so với lượng vốn đầu tư công cần giải ngân khiến tồn quỹ ngân sách ngày càng dư thừa, việc huy động vốn trên thị trường TPCP vẫn tăng trưởng cao cũng làm gia tăng hiệu ứng lấn át vốn, trong đó nguồn vốn dành cho khu vực tư có thể bị cạnh tranh và hạn chế nhiều hơn, nhất là khi đặt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên dòng tiền càng có động lực chạy vào những khu vực an toàn như TPCP.

Thực tế thanh khoản hệ thống ngân hàng thời gian qua dồi dào trở lại là điều ai cũng nhận thấy, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Tăng trưởng tín dụng bốn tháng đầu năm chỉ xấp xỉ hơn 3%, tương đương với con số tuyệt đối là hơn 362.000 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lên đến hơn 755.695 tỉ đồng.

Ngược lại, tình trạng thừa vốn cũng đã thúc đẩy các ngân hàng – vốn là những nhà đầu tư lớn trên thị trường trái phiếu, tăng nhu cầu đầu tư vào TPCP, bất chấp lãi suất phát hành đã giảm mạnh trở lại trong thời gian gần đây. Thống kê cho thấy tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu bốn tháng đầu năm nay lên đến 81%, gần gấp đôi so với tỷ lệ 45% của cùng kỳ năm 2022. Trong 15 ngày đầu của tháng 5-2023, tỷ lệ này là 86%.

Một dữ liệu khác cũng cho thấy các ngân hàng đang thừa thanh khoản và cạnh tranh quyết liệt để rót vốn vào thị trường TPCP này như thế nào, là tỷ lệ đăng ký đấu thầu/gọi thầu lên đến 310% trong bốn tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ bốn tháng đầu năm ngoái tỷ lệ này là 193%. Đặc biệt, các kỳ hạn trúng thầu chủ chốt vẫn tập trung vào kỳ hạn dài lên đến 10 năm và 15 năm, cho thấy các ngân hàng và tổ chức vẫn nhìn nhận tích cực về xu hướng lãi suất trong dài hạn.

Việc KBNN phát hành TPCP rồi lấy lượng tiền huy động được đem gửi ngắn hạn tại các ngân hàng, tiếp đó các ngân hàng thừa vốn đem lượng tiền này tiếp tục tái đầu tư vào các TPCP kỳ hạn dài để tận dụng chênh lệch lãi suất, về bản chất dòng tiền chỉ xoay vòng, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế mà chỉ là cuộc chơi cân đo lãi suất và quản trị rủi ro kỳ hạn để tìm kiếm lợi ích của các tổ chức.

Chính vì vậy, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách chưa sử dụng hết, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng đặt ra, việc hạn chế phát hành TPCP không chỉ giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách như đã nói, mà còn có thể làm tăng thêm cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, khi hệ thống ngân hàng với thanh khoản quá dồi dào buộc phải tăng cường kênh đầu ra tín dụng một khi cửa đầu tư vào TPCP bị thu hẹp lại. Khi đó hiệu ứng lấn át vốn sẽ giảm bớt và cũng có thể tạo điều kiện cho lãi suất tiếp tục được kéo xuống theo mục tiêu đề ra.

Tuệ Nhiên

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Fuji Nutri Food chậm trả 2 kỳ lãi của lô trái phiếu ngàn tỷ đáo hạn năm nay

Theo công bố mới đây, CTCP Fuji Nutri Food (FNF) tiếp tục chậm trả lãi cho lô trái phiếu mã FNFCH2223001 được phát hành vào tháng 08/2022.

Chủ siêu dự án “The Spirit of Saigon” trả hơn ngàn tỷ đồng lãi trái phiếu trong năm qua

Công ty TNHH Saigon Glory ngày 25/04 có báo cáo lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà nội (HNX) về tình hình thanh toán gốc lãi năm 2022.

Trái phiếu chuyển đổi là gì?

Đã có nhiều tổ chức phát hành các trái phiếu có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu. Như vậy, thực chất các chứng khoán này là gì? Ưu và nhược điểm khi nắm giữ là gì?

HNX công bố danh sách 54 doanh nghiệp từng chậm thanh toán lãi trái phiếu

Ngày 21/02/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường hoặc báo cáo theo yêu cầu có nội dung...

Bộ Tài chính sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp để ổn định và phát triển thị trường TPDN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu...

VNDirect: Người bán TPDN sẵn sàng chấp nhận mức chiết khấu 14 - 17%

Báo cáo Thị trường trái phiếu quý 1/2023 của Công ty Chứng khoán VNDirect phơi bày bức tranh trầm lắng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2022 và...

VC2 gia hạn thanh toán nợ gốc và lãi lô trái phiếu hơn trăm tỷ đồng

Ngày 07/02/2023, CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (HNX: VC2) đã tổ chức hội nghị trái chủ, qua đó thống nhất sẽ gia hạn thời gian đáo hạn lô trái phiếu VC2H2122001...

32.8 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ được phát hành trong tháng 01/2023

Trong tháng 01/2023, Bộ Tài chính đã phát hành gần 32.8 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, lãi suất bình quân 4.54%/năm.

Sơn Hà mua lại trước hạn 42 tỷ đồng trái phiếu

CTCP Quốc tế Sơn Hà (HOSE: SHI) vừa công bố thông tin về việc mua lại trước hạn đối với mã trái phiếu SHIH2124001 phát hành ngày 28/07/2021.

Lãi suất trái phiếu chính phủ cao hơn từ 2.3% đến 4.12% so với đầu năm 2022

Theo Kho bạc Nhà nước, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành năm 2022 là 203,222 tỷ đồng, chủ yếu đáp ứng nhu cầu chi trả nợ gốc đến hạn của ngân sách...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98