“Bến đỗ” của ông Trầm Bê sau khi ra tù?
“Bến đỗ” của ông Trầm Bê sau khi ra tù?
Với số phiếu tán thành hơn 42 triệu cp, chiếm tỷ lệ biểu quyết 98.98%, ông Trầm Bê đã trúng cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 của CTCP Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An (OTC: TrieuAn) sau khi đã thi hành xong 2 bản án hình sự với hình phạt 7 năm tù.
Ông Trầm Bê
|
Ngày 29/05/2023, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Bệnh viện Triều An đã thông qua bầu bổ sung ông Trầm Bê làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027. Như vậy, sau khi mãn hạn tù, ông Trầm Bê quay trở lại tham gia HĐQT của Bệnh viện Triều An - nơi ông đã góp vốn gầy dựng từ hơn hai thập kỷ trước.
Ông Trầm Bê là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1959, quê quán Trà Vinh, lập nghiệp tại TP.HCM. Sau khi gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực bất động sản, ông tiếp tục đầu tư sang lĩnh vực y tế. Năm 2001, ông Bê tham gia thành lập BV Triều An, một trong những bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y Tế công nhận và giữ chức Chủ tịch HĐQT BV Triều An.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cái tên Trầm Bê lần đầu xuất hiện vào năm 2004, khi đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Nam và là Thành viên HĐQT ngân hàng này. Ông cũng từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Nam trước khi tham gia và giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank).
Người đàn ông này từng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực khi bị bắt giam vào ngày 01/08/2017. Sau đó ông phải chấp hành 2 bản án hình sự: vụ án Phạm Công Danh 4 năm tù và vụ án Dương Thanh Cường 3 năm tù, tổng cộng 7 năm tù.
Trong vụ án Phạm Công Danh, ông Trầm Bê bị TAND TP HCM tuyên phạt 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" vì giúp sức cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng – VNCB, nay là CB). Thiệt hại xảy ra khi ông Trầm Bê giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank.
Trong vụ án Dương Thanh Cường, ngày 30/07/2020, ông Trầm Bê (với cương vị là Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam) và 8 bị cáo là cán bộ, nhân viên Ngân hàng Phương Nam đã biết rõ Công ty Bình Phát không đủ điều kiện được cấp tín dụng nhưng vẫn đề xuất cho vay, phê duyệt cho vay dẫn đến việc Ngân hàng Phương Nam bị thiệt hại 505 tỷ đồng.
Sau khi ông Trầm Bê vướng vào vòng lao lý, người kế nhiệm vị trí Chủ tịch BV Triều An thay cho ông Bê là ông Trần Ngọc Hen Ri.
Trong thời gian vắng bóng ông Trầm Bê tại BV Triều An, tên ông Trầm Bê không còn trong danh sách HĐQT cũng như sở hữu vốn tại Bệnh viện kể từ năm 2019.
Tuy nhiên, người thân của ông vẫn nắm giữ vị trí cao sở hữu vốn tại Bệnh viện này. Tính đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của BV Triều An là 490 tỷ đồng, trong đó bà Trầm Thuyết Kiều, con gái ông Trầm Bê vẫn đang là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc và đang nắm 21.42% vốn cổ phần, tương đương gần 10.5 triệu cp.
Kết quả kinh doanh qua các năm của Bệnh viện Triều An | ||
Về tình hình kinh doanh, trong khi ông Trầm Bê đang thi hành án, Bệnh viện Triều An vẫn ghi nhận doanh thu thuần đều đặn trên 400-600 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2022. Riêng năm 2021, Bệnh viện phải kinh doanh dưới giá vốn do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 nên kết quả doanh thu ở mức 379 tỷ đồng và lỗ sau thuế 27 tỷ đồng. Năm 2022, công ty đã có lãi trở lại và thiết lập mức đỉnh doanh thu.
Năm 2023, Bệnh viện Triều An đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 628 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 52 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 19% so với thực hiện năm 2022.
Bệnh viện Triều An cho biết, do phần lãi năm 2022 bù lỗ cho năm 2021 nên không chia cổ tức cho năm 2022. Phần còn lại 12 tỷ đồng sẽ chuyển vào năm 2023 và thực hiện chia cổ tức của năm 2023, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 10%/vốn góp.