Đưa cổ phiếu Việt “đánh chuông xứ người”: Lời hứa còn lại gì?

22/08/2023 09:00
22-08-2023 09:00:00+07:00

Đưa cổ phiếu Việt “đánh chuông xứ người”: Lời hứa còn lại gì?

Trước VinFast, nhiều cái tên cũng mạnh dạn mơ lớn, khát khao đưa cổ phiếu Việt, doanh nghiệp Việt ra thị trường quốc tế. Nhưng định hướng là vậy, còn làm được hay không thì hạ hồi phân giải.

VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã làm nên lịch sử khi đưa cổ phiếu yết trên một sàn chứng khoán Mỹ, cụ thể là Nasdaq.

* Thời khắc lịch sử: Cổ phiếu VFS của VinFast chính thức chào sàn Nasdaq

 

Gọi là sự kiện lịch sử, một phần bởi sự kiện này mang nhiều ý nghĩa hơn tên gọi của nó. Trên thực tế, việc đưa cổ phiếu lên sàn quốc tế không chỉ mang lại nguồn vốn đáng kể, mà còn giúp nâng tầm vị thế và uy tín của doanh nghiệp. Bởi vậy mà trước VinFast, không ít cái tên đã mạnh dạn mơ lớn, tuyên bố định hướng niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, Singapore hoặc các thị trường quốc tế khác.

Năm 2006, CTCP xây dựng và đầu tư Việt Nam (Cavico) từng niêm yết “cửa sau” trên bảng Pink Sheets của thị trường chứng khoản Mỹ thông qua SPAC, sau đó là sàn OTC.BB vào năm 2008. Tháng 9/2009, Cavico mới chính thức đặt chân lên sàn Nasdaq. Nhưng chỉ sau 2 năm, cổ phiếu CAVO của Cavico bị hủy niêm yết do vi phạm yêu cầu liên quan đến công bố thông tin. 

Tân Tạo và lời hứa gây hoài nghi

Ngày 29/04, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA), Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến (hay bà Maya Dangelas) đã hé lộ tham vọng lớn liên quan đến các dự án đầu tư khu công nghệ cao và dược phẩm tại Mỹ.

Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT ITA

Bà Yến cho biết, những dự án ITA tham gia rất khả thi, bởi ITA liên doanh với đối tác là các trường đại học thuộc thung lũng Silicon - vốn có nhiều lợi thế về vị trí và địa hình, đồng thời tiếp tục đàm phán với các đối tác khác để có thêm quỹ đất phát triển. Mục tiêu của liên doanh này, theo bà Yến, là để niêm yết trên thị trường chứng khoán New York (NYSE) trong vòng 2 - 3 năm kế tiếp.

Thực tế thì từ ĐHĐCĐ 2022, bà Yến đã đề cập đến câu chuyện này, đến năm 2023 vẫn là “chuyện cũ nhắc lại” do các dự án có tiến độ chậm vì ảnh hưởng từ COVID-19, theo giải thích của bà. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của ITA lại bết bát với khoản lỗ 260 tỷ đồng năm 2022. Quý 2/2023, lợi nhuận của ITA tiếp tục lao dốc tới 80% vì doanh thu từ cho thuê đất và doanh thu tài chính giảm mạnh.

* Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Việc buộc phá sản ITA lộ rõ sự vô lý đến kinh ngạc

* Bà Đặng Thị Hoàng Yến và những lời hứa

Năm 2022, ITA còn trở thành tâm điểm khi vướng vào lùm xùm phải mở thủ tục phá sản - điều mà bà Yến đã kịch liệt lên tiếng phản đối. Giấc mơ IPO tại Mỹ của ITA, vì thế, khiến không ít người cảm thấy hoài nghi, bởi “việc nhà” chưa yên sao đã vội nghĩ về xứ người?

VNZ - hoài bão của “kỳ lân”?

Hành trình của VNG (UPCoM: VNZ) bắt đầu từ năm 2004, với tư cách là nhà phát hành trò chơi điện tử. Quá trình phát triển đã giúp VNZ khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực, trở thành “kỳ lân công nghệ” với mức định giá trên 1 tỷ USD, đồng thời mở rộng ra nhiều dịch vụ nền tảng khác như chia sẻ nhạc, phát video, nhắn tin, cổng tin tức và thanh toán di động.

Câu chuyện IPO trên thị trường quốc tế của “kỳ lân công nghệ” xuất hiện từ năm 2017, sau khi VNZ ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên Nasdaq ở Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động này tỏ ra không có nhiều tiến triển.

Ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập, Tổng Giám đốc VNZ

Các thông tin về việc IPO của VNZ được đăng tải trên truyền thông nước ngoài. Như Bloomberg, vào tháng 07/2022, đề cập về chuyện VNZ dự tính IPO tại Mỹ với mức giá 500 triệu USD. Cuối năm 2022, Forbes đưa VNZ vào danh sách những cái tên cần theo dõi khi tiến hành IPO trong năm 2023. Tháng 05/2023, Reuters đưa tin VNZ muốn gọi vốn 100 triệu USD để tiếp tục mở rộng và sau đó hướng đến mục tiêu dài hạn là niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore.

Điểm chung của các bài viết là đều có liên hệ với đại diện của Doanh nghiệp và VNZ… từ chối bình luận.

Năm 2023, VNZ đã đưa cổ phiếu lên UPCoM từ đầu năm. Trải qua giai đoạn tăng trần hàng chục phiên, dù thanh khoản nhỏ giọt, để đưa thị giá lên mức cao lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam (hơn 1.3 triệu đồng/cp); hiện ngôi vương thị giá trên thị trường vẫn thuộc về VNZ, với mức hơn 1.1 triệu đồng/cp tại kết phiên ngày 21/08.

Có điều, giá cổ phiếu không phản ánh tình hình kinh doanh của VNZ. Doanh nghiệp trải qua chuỗi thua lỗ 5 quý liên tiếp từ quý 2/2022. Tới quý 2/2023, tình hình có chút khởi sắc với khoản lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng, nhờ vào các sản phẩm trò chơi mới thành công và tiết giảm được chi phí quảng cáo. Tuy vậy các khoản đầu tư vào công ty con và công ty liên kết hầu hết đều đang thua lỗ, đặc biệt là ZaloPay và Tiki Global - những mảng được VNZ xem là “lỗ trong kỳ vọng” và nhằm mục đích “đầu tư dài hạn”.

“Bong bóng vũ trụ” vụn vỡ của ThaiSpace

Những ngày cuối năm 2021, HĐQT CTCP Thaiholdings (HNX: THD) bất ngờ thông qua việc góp vốn thành lập CTCP ThaiSpace. Ngày 31/12/2021, ThaiSpace được thành lập với số vốn điều lệ lên tới gần 26.7 ngàn tỷ đồng, hoạt động chính trong mảng dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không. Người đại diện pháp luật lúc này là một cá nhân mới 20 tuổi - bà Nguyễn Ngọc Mỹ Anh (sinh năm 2001), sau đó chuyển cho ông Trịnh Văn Thiệm theo giấy thay đổi đăng ký kinh doanh ngày 18/02/2022.

Hoài bão của ThaiSpace khi ấy, theo THD công bố, thực sự có thể khiến nhiều người giật mình với mục tiêu thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ từ Phú Quốc, Việt Nam.

Giấc mơ vũ trụ hiển nhiên cần số vốn rất lớn. Với vốn điều lệ gần 26.7 ngàn tỷ đồng, THD góp khoảng 1.3 ngàn tỷ đồng, tương đương 5%. Số còn lại, THD dự định thu được qua đợt IPO ThaiSpace tại Mỹ trong năm 2022.

Giấc mơ ấy có thành sự thực không thì chưa rõ. Nhưng nhìn vào biến động thực tế, dự định IPO của ThaiSpace đang xa như khoảng cách từ Phú Quốc tới… vũ trụ.

Cụ thể, sau chưa đầy nửa năm thành lập, vào ngày 13/05/2022, ThaiSpace bất ngờ giảm vốn điều lệ xuống 2.27 ngàn tỷ đồng, bằng 1/10 so với khi mới thành lập. Trong đó, vốn từ doanh nhân Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) chiếm hơn 83% (gần 1.89 ngàn tỷ đồng), còn lại là từ THD.

Tại ngày 13/06/2022, bầu Thụy hoàn tất bán hết hơn 87 triệu cp THD. Đến ngày 14/06/2022, ThaiSpace đổi sang một cái tên khác hẳn: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bãi Thơm - Phú Quốc, cũng hoạt động trong mảng dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không giống như ThaiSpace.

Trong danh sách thành viên, THD vẫn nắm gần 17% tỷ lệ vốn góp, nhưng không còn bóng dáng của bầu Thụy. Thay vào đó là bà Phạm Thu Hằng (gần 910 tỷ đồng, chiếm 40%) và ông Nguyễn Chí Kiên (978.6 tỷ đồng, chiếm 43%). Ông Nguyễn Chí Kiên hiện là Chủ tịch HĐQT THD.

Đến tháng 10/2022, THD cũng chính thức "rút chân" khỏi Bãi Thơm - Phú Quốc, khi số vốn góp được chuyển sang cho ông Trịnh Văn Thiệm, cũng là Tổng Giám đốc Bãi Thơm - Phú Quốc.

Giấc mơ Mỹ dang dở của Bamboo Airways

Trong một bài viết vào tháng 04/2021, Reuters đưa tin về việc Bamboo Airways (BAV) có kế hoạch IPO tại Mỹ, huy động 200 triệu USD thông qua việc phát hành 5% - 7% cổ phần trong quý 3/2021.

Ông Trịnh Văn Quyết, lúc này là Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, sau đó cũng xác nhận về dự định IPO trên NYSE, trong bối cảnh hãng có định hướng khai thác các chuyến bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ.

Giấc mơ Mỹ của Bamboo Airways ngày càng trở nên xa vời sau khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt

Dù các chuyến bay thẳng đã được khai thông, "giấc mơ Mỹ" của Bamboo Airways đến nay vẫn dang dở. FLC và Bamboo Airways đều trải qua những biến động nặng nề về nhân sự và tình hình tài chính kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán, thậm chí phải hoán đổi nợ bằng cổ phiếu.

Tới nay, chức Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways được chuyển sang cho ông Lê Thái Sâm, người hiện đang nắm trên 50% cổ phần, còn FLC đã không còn cổ phần tại hãng hàng không này nữa.

Vướng mắc khi vươn xa

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác tại Việt Nam có kế hoạch niêm yết ra thị trường quốc tế, như SSI năm 2007 với kế hoạch niêm yết tại Singapore. FPT, PVI, thậm chí cả nhóm ngân hàng như Vietcombank, BIDV… cũng đều từng tuyên bố về kế hoạch niêm yết trên các sàn chứng khoán nước ngoài. Nhưng đến nay, tất cả vẫn chỉ dừng lại ở hai chữ “kế hoạch”.

Trên thực tế, để một doanh nghiệp Việt niêm yết được tại các sàn nước ngoài là không dễ vì còn nhiều vướng mắc, như khác biệt về chuẩn mực kế toán (các chuẩn mực quốc tế IAS, GAAP và IFRS so với chuẩn mực Việt Nam VAS), quy định về tỷ lệ sở hữu vốn của nước ngoài theo pháp luật hiện hành...

Bên cạnh đó, các sàn giao dịch nước ngoài cũng có những tiêu chuẩn khắt khe hơn, đặc biệt là yêu cầu khá lớn về vốn và lợi nhuận (như thị trường Singapore yêu cầu lợi nhuận trước thuế lũy kế trong 3 năm gần nhất phải đạt ít nhất 7.5 triệu USD). Các quy định về quản trị, kiểm soát nội bộ cũng gây trở ngại, khó đáp ứng với nhiều doanh nghiệp Việt.

Châu An

FILI







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Lỗ lũy kế hơn 134 tỷ, cổ phiếu L61 sắp bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo hủy niêm yết bắt buộc gần 7.58 triệu cp của CTCP Lilama 69-1 (HNX: L61) từ ngày 17/05.

VGP lại rơi vào diện cảnh báo

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Cảng Rau Quả (HNX: VGP) vào diện cảnh báo, do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023 quá 15 ngày so...

Hơn 2.2 triệu cp DPC sẽ bị hủy niêm yết từ 14/05

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 16/04 thông báo toàn bộ hơn 2.2 triệu cp của CTCP Nhựa Đà Nẵng (HNX: DPC) sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 14/05, do lỗ lũy kế...

ELC muốn tạo "mưa" cổ phiếu, nâng vốn điều lệ vượt ngàn tỷ

CTCP Công Nghệ - Viễn Thông Elcom (HOSE: ELC) sắp phát hành 1 triệu cp ESOP, thời gian nhận tiền mua từ 15-24/04/2024. Chưa dừng lại ở đó, ELC còn có kế hoạch tạo...

Liên tục thua lỗ, một công ty thép cùng lúc rơi vào diện cảnh báo và kiểm soát

Ngày 04/04, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo đưa cổ phiếu của CTCP Đại Thiên Lộc (HOSE: DTL) vào diện cảnh báo và kiểm soát từ ngày 11/04, sau khoảng...

Cổ phiếu Nước giải khát Chương Dương giảm kịch sàn trước tin bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) sẽ hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu SCD của CTCP Nước giải khát Chương Dương do lỗ ba năm liên tục và vốn điều lệ âm...

Cổ phiếu POM sẽ bị hủy niêm yết

Cổ phiếu POM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm quy định về việc nộp báo cáo tài chính kiểm toán.  

Lỗ vượt vốn điều lệ, một cổ phiếu ngành nhựa có nguy cơ bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây thông báo về khả năng hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của CTCP Nhựa Đà Nẵng (HNX: DPC), sau 2 năm Công ty...

SPC vào diện cảnh báo, nối dài chuỗi ngày bị cắt margin

Ngày 20/03, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Bảo vệ Thực vật Sài Gòn (HNX: SPC) vào diện cảnh báo, đồng thời bổ sung lý do...

Từ 20/03, gần 15.7 triệu cp TKC giao dịch trở lại trên UPCoM, định giá chưa đến 19 tỷ đồng

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo gần 15.7 triệu cp của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ (TKC) sẽ chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98