CEO Lộc Trời: Giá gạo cao sẽ không tạo ra được sự ổn định cho xuất khẩu hàng thiết yếu
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời nhận định, giá gạo hiện nay đang tăng rất cao và vượt qua kỷ lục của năm 2008. Dự kiến diễn biến này có thể kéo dài hơn do nguồn cung trên thị trường bị thiếu hụt so với nhu cầu.
Giá lúa, gạo trong nước tăng từng ngày và đạt mức cao kỷ lục trong quý 2/2023 do nhu cầu tăng mạnh tại nhiều thị trường trong khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm. Một số ý kiến cho rằng thời cơ để tăng tốc xuất khẩu gạo đã đến. Trong những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp trao đổi với ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG về hoạt động xuất khẩu gạo cũng như triển vọng cuối năm 2023.
Thưa ông, thị trường gạo toàn cầu “nóng” trước thông tin cấm xuất khẩu gạo của nhiều nước, đặc biệt là Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, điều này tác động như thế nào đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam?
CEO Nguyễn Duy Thuận: Về mặt sản xuất, những lệnh cấm xuất khẩu mà chúng ta nhìn thấy không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lúa gạo ở châu Á và châu Phi. Về mặt xuất khẩu, các đơn hàng vẫn ổn định, tuy giá tăng nhưng có sự thương thảo giảm thiệt hại của các đơn hàng ký trước.
Đây là dịp để Việt Nam khẳng định một lần nữa sự vững chắc và bền vững của lúa gạo Việt Nam chứ không phải cơ hội để tìm kiếm trên thị trường nhờ chúng ta đã chứng minh được uy tín thông qua tính ổn định đối với nguồn cung hàng hóa.
*10 năm lên đỉnh của giá gạo xuất khẩu
Từ kinh nghiệm của Lộc Trời, doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị gì để trước bối cảnh giá gạo tăng cao? Ngoài ra, đâu là yếu tố rủi ro khi giá gạo tăng?
Với bối cảnh này thì Việt Nam hiện khẳng định được khả năng có thể xuất khẩu gạo ổn định, liên tục, đạt chất lượng. Đây cũng là lúc chúng ta nhìn ra được, người mua quốc tế, người mua những lô lớn và ổn định sẽ tìm tới Việt Nam, sẵn sàng tìm kiếm cơ hội nghiêm túc, ổn định, lâu dài và sẵn sàng cùng với Việt Nam tạo ra nguồn cung ổn định trên thế giới.
Từ kinh nghiệm của Lộc Trời trong việc vận hành theo chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững, để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp có thể tận dụng để phát huy lợi thế thông qua một số chiến lược cụ thể.
Thứ nhất, cần mở rộng vùng trồng, tăng sản lượng cho xuất khẩu. Tiếp tục tổ chức sản xuất lớn bắt đầu từ đơn hàng; xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo cung ứng đầy đủ, theo tiến độ mùa vụ nguồn giống, thuốc, phân, dịch vụ nông nghiệp và bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân.
Thứ hai, đa dạng chủng loại gạo phù hợp thị trường quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn xuất gạo vào các thị trường cao cấp như EU, USA, Canada, Australia. Triển khai và mở rộng quy mô các mô hình canh tác lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế SRP100, mô hình canh tác lúa hữu cơ… giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, nâng cao nhận thức về môi trường và tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.
Ngoài ra, cần phát triển gạo chất lượng cao yêu cầu nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vận hành tốt các hệ thống quản lý chất lượng (SMETA, BRCGS, FSMA, HACCP…).
Cuối cùng là xây dựng thương hiệu gạo trên thị trường thế giới.
Về yếu tố rủi ro, lúa gạo là mặt hàng thiết yếu nên cần có giá và chất lượng ổn định, giá cao sẽ không tạo ra được sự ổn định cho xuất khẩu hàng thiết yếu.
Thưa ông, việc giá gạo tăng mạnh thời gian gần đây có lặp lại cơn sốt giá gạo của năm 2008 hay không? Lộc Trời dự báo xu hướng tăng của giá gạo thế giới sẽ duy trì được bao lâu và đến mức nào?
Giá gạo hiện đang tăng rất cao và vượt qua kỷ lục của năm 2008. Diễn biến này có thể kéo dài hơn vì nguồn cung trên thị trường bị thiếu hụt so với nhu cầu, đặc biệt là các loại gạo cao cấp mà Việt Nam và Thái Lan đang sản xuất. Tuy nhiên, giá gạo thế giới phụ thuộc vào động thái của Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng giai đoạn này là thời cơ “vàng” để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lãi lớn và có hợp đồng mới. Điều này có đúng với Lộc Trời và phản ứng của Công ty ra sao?
Về bản chất, Lộc Trời hoàn toàn không mong muốn giá xuất khẩu cao, vì lúa gạo là mặt hàng thiết yếu nên giá và chất lượng cần ổn định.
Lộc Trời đương nhiên sẽ chuẩn bị cho những diễn biến trên thị trường. Lợi thế của chúng tôi có đủ lượng hàng tồn kho và vùng nguyên liệu liên kết để sẵn sàng cho các đơn hàng đã ký kết.
Tới thời điểm này, lượng hàng trong kho của Lộc Trời là 200,000 tấn gạo và chúng tôi đã có những hợp đồng mới để sẵn sàng xuất khẩu từ giờ đến giữa tháng 11/2023. Lúa Hè Thu và Thu Đông trong vùng nguyên liệu Lộc Trời đã gia công, hợp tác với bà con nông dân để canh tác đã sẵn sàng thu hoạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo xuất khẩu năm nay có thể đạt từ 7.5 - 8 triệu tấn gạo. Trước diễn biến hiện tại liệu mục tiêu này có thay đổi?
Mục tiêu này vẫn có thể thực hiện bởi chúng ta đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Diện tích canh tác lúa gạo của ĐBSCL trong vụ Đông Xuân khoảng 700 - 800 ngàn ha, đây là nguồn đảm bảo lớn nhất để chúng ta có đủ gạo xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề El Nino, yếu tố này sẽ tác động như thế nào đến ngành hàng lúa gạo Việt Nam, thưa ông?
Nhu cầu tăng giá bắt đầu vào cuối năm 2022 khi xuất hiện dự báo về El Nino, đặc biệt sau khi El Nino hiện diện rõ ràng vào tháng 4, các nước đều nhận thấy yếu tố này ảnh hưởng đến việc sản xuất lương thực.
Nguồn cung lúa gạo của các thị trường tiêu thụ nội địa bị ảnh hưởng, khi thì mưa quá nhiều, nhưng đôi khi không có mưa. Diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa dẫn đến thiếu hụt nguồn thu, đây là nguyên nhân chính khiến các nước phải tăng mua để xài hằng ngày và tăng dự trữ. Tại Việt Nam, nguồn tăng dự trữ ổn định và chắc chắn sẽ bán được gần như hết số lượng tồn kho, thương phẩm đang sản xuất.
Những tháng còn lại của năm yếu tố nào tác động đến sự tăng trưởng của ngành gạo? Lộc Trời dự kiến kim ngạch xuất khẩu và kết quả kinh doanh cuối năm ra sao?
Những tháng còn lại cuối năm, sự ổn định về giá sẽ tác động đến sự tăng trưởng của ngành gạo. Do cuối năm thu hoạch vụ Thu Đông nên dự kiến 4 tháng cuối năm 2023, kim ngạch và kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng theo kế hoạch năm đã xây dựng.
Câu chuyện giá trị thu được trên mỗi tấn lúa không tăng gần 10 năm qua, do chi phí đầu tư phân bón, lao động, thuốc trừ sâu… đều tăng đáng kể. Lộc Trời đánh giá như thế nào về hiện thực này? Yếu tố chi phí đầu vào ảnh hưởng gì tới Công ty?
Thu nhập ổn định tính trên đơn vị sản phẩm (tiền lời mỗi ký lúa) bất chấp chi phí đầu vào tăng lên, là một chỉ số cho thấy sự ổn định và vững chắc của hoạt động sản xuất lúa trên đồng ruộng. Đối với Lộc Trời, khi yếu tố đầu vào tăng sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu giảm lượng sử dụng (giảm giống, phân, thuốc) cũng như tăng năng suất lao động để duy trì sức cạnh tranh của nông dân Việt Nam.
Gần đây, Lộc Trời đã chấp thuận các hợp đồng giao dịch với các đối tác liên quan đến việc mua bán, xuất khẩu lúa, gạo đến Indonesia và Malaysia, Công ty có thể chia sẻ thêm về những hợp đồng này? Về các hợp đồng cũ ký kết trước đó giờ ra sao và tình hình các hợp đồng mới trong thời gian tới như thế nào?
Đây là tín hiệu vui thể hiện sự uy tín của Lộc Trời được đối tác tin cậy và tìm kiếm. Đối với Indonesia, lần đầu tiên Lộc Trời ký số lượng lớn theo hình thức đấu thầu, Công ty đang giao hợp đồng đã ký 100,000 tấn và sẽ tham gia ký kết nhiều hơn với đối tác trong tương lai.
Lộc Trời luôn ký hợp đồng trước, sau đó đặt nông dân canh tác nên sản lượng luôn có đủ. Công ty có đủ cam kết về sản lượng và giá với hợp đồng đã có, đáp ứng tiêu chí sản lượng, chất lượng, hiệu quả cho doanh nghiệp nên không bị ảnh hưởng đến cam kết từ trước và hiện nay.
Quý 2/2023, Lộc Trời đã mua lại CTCP Lương thực Lộc Nhân. Vai trò của đơn vị này trong hệ sinh thái của Lộc Trời là gì?
Lộc Trời kết nạp Lộc Nhân (LNG) vào hệ sinh thái nông nghiệp tập đoàn nhằm tăng cường năng lực sản xuất lúa gạo cho ngành nông sản của Lộc Trời – ngành chiếm đến hơn 70% tổng doanh thu (năm 2022) cũng như mở rộng mạng lưới đối tác mua hàng lúa gạo. Theo đó, tổng số nhà máy gạo đã tăng từ 5 lên 10 nhà máy với công suất sấy lúa tươi tăng cường đạt 10 ngàn tấn/ngày và tăng lên 14 ngàn tấn/ngày, năng xay xát đạt 5 ngàn tấn/ngày và lưu kho đạt 150 ngàn tấn gạo.Các hợp đồng đã ký cho năm 2023 của Lộc Nhân cũng trên 500 ngàn tấn, tiêu biểu là hợp đồng cho Vinafood1 năm 2022.
Lộc Trời có kế hoạch mở rộng diện tích trồng lúa không? Công ty có xây dựng chiến lược gì nhằm nâng cao thị phần cũng như giá trị hạt gạo Việt Nam?
Chúng tôi có kế hoạch mở rộng diện tích trồng lúa, vừa qua Công ty đã ký MOU với UBND tỉnh Long An để triển khai thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” và cũng đang trong quá trình đàm phán trong việc mở rộng diện tích ở những tỉnh khác.
Gạo Việt có nhiều cơ hội để cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Về thị trường, Việt Nam xuất khẩu ổn định hơn 6 triệu tấn gạo mỗi năm, các đơn hàng đa dạng từ gạo hạt dài, gạo thơm đến gạo dẻo. Chính phủ cũng đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu.
Về chiến lược lâu dài, Tập đoàn đã và đang xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời với chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững từ gieo trồng đến sản xuất phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu để doanh nghiệp trở thành nguồn cung cấp lương thực ổn định cho Việt Nam và thế giới.
Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục chuẩn hóa quy trình trồng lúa, mở rộng thị trường, đa dạng hóa người mua cho thương hiệu Lộc Trời ở các thị trường, tìm và phát triển hợp tác với các đối tác chiến lược ở từng thị trường để đồng hành cùng phát triển và phân phối gạo thương hiệu Lộc Trời.