Tập đoàn Keppel lớn cỡ nào?
Những dự án tầm cỡ tại Việt Nam như Saigon Centre, Empire City, Saigon Sport City, khu đô thị Celesta, The View at Riviera Point… chắc ít ai biết doanh nghiệp thực hiện chúng đến từ đâu và “khủng” cỡ nào.
Lịch sử thành lập
Có trụ sở chính tại Singapore, Keppel là một trong những tập đoàn lớn và đa ngành hàng đầu trong khu vực. Tập đoàn này có nguồn gốc từ thế kỷ 19 và đã trải qua một quá trình dài để phát triển đến tầm quốc tế.
Vào năm 1859, bến cảng đóng tàu đầu tiên của Singapore được xây dựng tại Cảng Mới và sau này đổi tên thành Cảng Keppel. Mãi cho đến năm 1968, Công ty Keppel Shipyard được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập Cảng đóng tàu của Cơ quan quản lý Cảng Singapore do Tập đoàn sửa chữa tàu của Anh quản lý.
Cảng đóng tàu Keppel tại Singapore những năm 1850 - Nguồn: Keppel
Đầu những năm 1970, Keppel Shipyard bắt đầu lấn sân sang mảng kinh doanh xa bờ, điển hình là việc mua lại 39% lợi ích trong Công ty Far East Shipbuilding vào năm 1971 (sau được đổi tên thành FELS vào năm 1972) và tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 61.3% vào năm 1973. Sau đó, Công ty mở rộng sang ngành hàng hải vào năm 1976 bằng việc mua lại công ty đóng và sửa chữa tàu biển Singmarine Shipyard.
Thập niên 1980 là dấu ấn đáng nhớ khi Công ty được đổi tên thành Tập đoàn Keppel và Keppel Shipyard trở thành một bộ phận của tập đoàn. Cũng trong khoảng thời gian này, Keppel chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore. Năm 1983, Keppel lấn sân sang lĩnh vực bất động sản bằng việc mua lại 82% quyền sở hữu tại Công ty Straits Steamship Company.
Tập đoàn Keppel lần đầu hoạt động trong mảng tài chính với công ty Shin Loong Credit vào năm 1978, mua lại Ngân hàng thương mại Châu Á (ACBank) vào năm 1990 và đổi tên thành Ngân hàng Keppel. Mảng ngân hàng và dịch vụ tài chính trở thành trụ cột tăng trưởng chính của Keppel.
Thập niên 1970 cũng đánh dấu việc Keppel đặt chân ra nước ngoài, mở đầu tại Philippines. Kế đến, đầu những năm 1990, Tập đoàn tiếp cận các nước Trung Đông, sau đó là Việt Nam, Azerbaijan, Hà Lan, Kazakhstan, Trung Quốc, Brazil, Qatar…
Đầu những năm 2000, Keppel xác định các ngành kinh doanh cốt lõi của tập đoàn xoay quanh hàng hải, bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nguồn: VietstockFinance
Cấu trúc Tập đoàn Keppel
Hoạt động trụ cột của Tập đoàn Keppel được chia thành 4 mảng lớn gồm quản lý tài sản, năng lượng & môi trường, phát triển đô thị và cuối cùng là kết nối.
Nguồn: VietstockFinance
Keppel Capital Holdings (Keppel sở hữu 100%) đứng đầu mảng quản lý tài sản. Keppel Capital Holdings hiện đang nắm giữ 7% cổ phần trong Keppel REITs - Quỹ tín thác đầu tư bất động sản (Keppel Land nắm giữ 40%). Tính đến cuối năm 2022, Keppel Capital Holdings đang quản lý tài sản 50 tỷ SGD (khoảng 36.6 tỷ USD).
Ở mảng năng lượng & môi trường là Keppel Infrastructure Holdings, hoạt động thông qua cung cấp giải pháp về các vấn đề liên quan đến năng lượng, môi trường và nguồn năng lượng mới.
Keppel Land là công ty đứng đầu mảng kinh doanh phát triển đô thị của Keppel, nhà cung cấp giải pháp không gian đô thị sáng tạo bằng việc ứng dụng công nghệ.
Với mảng kết nối, Keppel Telecommunications & Transportation (Keppel T&T) là công ty đứng đầu, cung cấp dịch vụ với các hoạt động trong trung tâm dữ liệu và hệ thống cáp ngầm dưới biển. Keppel T&T hiện đang nắm giữ 19.6% cổ phần của Keppel DC REITs - công ty trung tâm dữ liệu Quỹ tín thác đầu tư bất động sản.
Cấu trúc Tập đoàn Keppel - Nguồn: VietstockFinance
Tính đến tháng 03/2023, Công ty Temasek Holdings Limited là cổ đông lớn nhất của Keppel với tỷ lệ sở hữu 21.12%. Kế đến là Công ty Citibank Nominees Singapore Pte Ltd nắm giữ 17.19%. Ngoài ra, còn có các cổ đông lớn khác gồm DBS Nominees Limited (6.95%), Raffles Nominees Pte Limited (5.99%) và HSBC (Singapore) Nominees Pte Ltd (5.57%).
Nguồn: VietstockFinance
Hiện tại, ông Danny Teoh đang là Chủ tịch Tập đoàn Keppel và ông Loh Chin Hua là Tổng Giám đốc. Ông Loh cũng đang giữ chức Chủ tịch Keppel Land.
Một số dự án nổi bật Keppel đã thực hiện trong mảng cơ sở hạ tầng như khu công nghiệp kinh tế tuần hoàn quận Phòng Sơn, Bắc Kinh, tòa nhà năng lượng Green Mark Platinum đầu tiên tại Singapore, trang trại gió ngoài khơi tại Đức...
Nguồn: Keppel
Keppel Marina East là nhà máy khử muối thứ tư của Singapore và cũng là nhà máy khử muối đầu tiên của Singapore có thể xử lý cả nước biển và nước ngọt.
Nguồn: Keppel
Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Keppel phát triển khoảng 39 ngàn căn nhà và 1.7 triệu m2 tổng diện tích sàn thương mại trải rộng khắp Singapore, Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia khác.
Các dự án phát triển tiêu biểu của công ty như khu bờ sông Keppel Bay, trung tâm tài chính Marina Bay ở Singapore, thành phố sinh thái Thiên Tân Trung Quốc, Empire City và Saigon Centre ở Việt Nam.
Saigon Centre tại Việt Nam
Lĩnh vực kết nối, Keppel sở hữu và vận hành các trung tâm dữ liệu tiết kiệm năng lượng nhằm cung cấp và cho thuê các máy chủ, giải pháp trung tâm dữ liệu và dịch vụ dự phòng kinh doanh trên khắp châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu. Keppel còn cung cấp giải pháp IoT (Internet of Things) ở Singapore.
Ngoài ra, Keppel đồng sở hữu và phát triển hệ thống cáp ngầm dưới biển Bifrost, kết nối trực tiếp Singapore với bờ biển phía tây của Bắc Mỹ qua Indonesia, biển Java và biển Celebes, trở thành tuyến cáp quang tốc độ cao có dung lượng lớn nhất trên Thái Bình Dương.
Tình hình kinh doanh
Kết thúc năm 2022, Singapore vẫn là nơi đóng góp lớn nhất vào doanh thu cho Keppel với gần 4 tỷ USD.
Xếp thứ hai là tại các quốc gia châu Á khác, ghi nhận doanh thu khoảng 810 triệu USD gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam.
Doanh thu thực hiện tại Úc và Trung Đông (gồm Qatar và UAE) lần lượt đạt 43 triệu USD và gần 54 triệu USD; còn ở các quốc gia châu Âu khoảng gần 10 triệu USD và gần 3 triệu USD tại Bắc Mỹ.
Nguồn: VietstockFinance
Trong giai đoạn 5 năm, từ 2018 - 2022, doanh thu trung bình của Keppel gần như đi ngang, đạt gần 5 tỷ USD. Doanh thu cao nhất Keppel từng đạt là 5.5 tỷ USD vào năm 2019 và thấp nhất gần 4.4 tỷ USD vào năm 2018.
Phần lớn nguồn thu của Keppel đến từ mảng năng lượng & môi trường với 65% tổng doanh thu, mảng kinh doanh phát triển đô thị khoảng 18%, mảng kết nối 14% và mảng quản lý tài sản đóng góp tỷ lệ thấp nhất trong giai đoạn này, trung bình 2%.
Cơ cấu doanh thu của Tập đoàn Keppel giai đoạn 2018 - 2022. Nguồn: VietstockFinance
Nhìn chung, ngoại trừ năm 2020 Keppel lỗ 371 triệu USD thì các năm còn lại trong giai đoạn 2018 - 2022 có lãi ròng tương đối ổn định với trung bình 661 triệu USD/năm. Lãi ròng đạt cao nhất khoảng 751 triệu USD vào năm 2021.
Doanh thu và lãi ròng của Tập đoàn Keppel trong giai đoạn 2018 – 2022. Nguồn: VietstockFinance
Lợi nhuận của Keppel giai đoạn trên chủ yếu từ mảng phát triển đô thị và quản lý tài sản. Đây cũng là 2 mảng kinh doanh đã cứu lỗ cho Keppel trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021 (ngoại trừ khoản lỗ năm 2020 do lỗ nặng từ mảng năng lượng và môi trường).
Cụ thể, lãi ròng ở mảng phát triển đô thị năm 2018 đạt mức cao nhất với 697 triệu USD, chiếm 98% tổng lãi ròng của Keppel. Tương tự, lãi ròng mảng này năm 2021 đạt 560 triệu USD. Trong khi, năng lượng và môi trường đóng góp doanh thu đến 65% thì có tới 4 năm liên tục lỗ, chỉ duy nhất năm 2022 có lãi khoảng 126 triệu USD.
Đối với mảng quản lý tài sản, lợi nhuận cũng đóng góp đáng kể khi chiếm tỷ trọng cao và có xu hướng tăng dần trong những năm trở lại đây.
Lãi ròng các mảng kinh doanh của Tập đoàn Keppel giai đoạn 2018 – 2022. Nguồn: VietstockFinance
Về hiệu quả kinh doanh, Keppel đạt lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình 8%/năm trong giai đoạn trên. Cao nhất đạt 9.1% vào năm 2021 và thấp nhất là năm 2020 do kinh doanh ảm đạm.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Keppel giai đoạn 2018 – 2022. Nguồn: VietstockFinance
Tổng tài sản của Tập đoàn Keppel tính đến cuối tháng 06/2023 đạt gần 20 tỷ USD, giảm 11% so đầu năm. Trong đó, đầu tư trong công ty liên doanh, liên kết gần 5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản với 25%.
Ngoài ra, chiếm tỷ trọng tương đối đáng kể trong tổng tài sản còn có các tài sản khác như cổ phiếu hơn 1.5 tỷ USD; tiền mặt, tiền gửi ngân hàng hơn 950 triệu USD, các khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Tổng tài sản - Nợ phải trả - Vốn chủ sở hữu của Keppel giai đoạn 2018 - 30/06/2023. Nguồn: VietstockFinance
Bên kia bảng cân đối, Keppel có nợ phải trả chủ yếu là các khoản nợ vay ngắn hạn gần 2 tỷ USD và các khoản nợ vay dài hạn hơn 6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lần lượt 15% và 53% tổng nợ, phần lớn là vay nợ ngân hàng.
Trên thị trường chứng khoán Singapore, Tập đoàn Keppel có mã cổ phiếu là BN4, niêm yết trên sàn SGX với hơn 1.82 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Kết phiên 22/08/2023, giá cổ phiếu của Keppel đạt 6.65 SGD (4.91 USD), tăng 40% so với đầu năm 2023.
Dấu ấn Keppel Land tại Việt Nam
Năm 1983, Keppel Land tại Việt Nam khởi nguồn từ Công ty Keppel Shipyard và bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khi mua lại 82% lợi ích trong Công ty Straits Steamship. Năm 1989, Công ty này được đổi tên thành Straits Steamship Land và đặt bước chân đầu tiên vào Việt Nam vào năm 1993. Straits Steamship Land chính thức được đổi tên thành Keppel Land vào năm 1999, thuộc sở hữu 100% của tập đoàn Keppel (tính đến cuối năm 2022).
Theo đó, ông lớn Singapore này chính thức đầu tư vào Việt Nam thông qua công ty con Keppel Land, đóng góp vào sự phát triển đô thị tại Việt Nam với hơn 20 dự án trong 30 năm qua, tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 3.5 tỷ USD. Keppel Land tập trung vào 2 lĩnh vực cốt lõi là phát triển bất động sản và quản lý quỹ tài sản.
Một số dự án lớn tạo dấu ấn của Keppel Land tại Việt Nam đã và đang triển khai có thể kể đến Đồng Nai Waterfront City, Saigon Centre, Empire City, Saigon Sport City, khu đô thị Celesta, The View at Riviera Point …
Một số dự án tiêu biểu của Keppel Land tại Việt Nam
Ông Loh Chin Hua - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Keppel, đồng thời cũng là Chủ tịch của Keppel Land. Ngoài ra, còn có ông Louis Lim Lu-yi hiện đang là Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành tại Keppel Land. Tại Việt Nam, ông Joseph Low Kar Yew là người đứng đầu với vai trò là Chủ tịch - Thị trường Việt Nam.
Phân bổ tài sản của Keppel Land tại các quốc gia cuối năm 2022 ghi nhận 9 tỷ USD, nhiều nhất là ở Trung Quốc với 40%, Singapore xếp thứ hai với 37%. Đáng chú ý, Việt Nam đứng vị trí thứ ba, trước Indonesia, với 12.4%, cho thấy đất nước hình chữ S là thị trường ưu tiên tiềm năng của Tập đoàn Keppel trong tương lai.
Cơ cấu tài sản của Keppel Land thời điểm cuối năm 2022 - Nguồn: VietstockFinance
Những cái “bắt tay” với doanh nghiệp Việt Nam
Gần đây nhất, vào tháng 08/2023, Tập đoàn Keppel công bố hoàn tất việc mua lại 49% vốn điều lệ Công ty TNHH Bất động sản Bình Trưng Mới từ Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Bất động sản Bình Trưng. Thương vụ được thực hiện bởi Công ty TNHH VN Success Pte. Ltd (liên doanh giữa Keppel Land và Keppel Vietnam Fund).
Vào tháng 02/2023, Keppel Land Việt Nam và CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) đã ký hợp tác kinh doanh phát triển các dự án khu dân cư, các đô thị bền vững tại TPHCM.
Cho tới tháng 05/2023, Keppel mới công bố đã ký kết thỏa thuận ràng buộc để mua lại từ Khang Điền 49% cổ phần trong 2 dự án khu dân cư liền kề tại TP. Thủ Đức, với tổng mức đầu tư gần 3,200 tỷ đồng. Hai bên đang có kế hoạch cùng nhau phát triển tổng cộng hơn 200 căn nhà liền kề và hơn 600 căn hộ cao tầng trên 2 khu đất có tổng diện tích khoảng 11.8ha, tổng chi phí dự kiến khoảng 10,200 tỷ đồng.
Buổi ký kết hợp tác tại Singapore với Khang Điền
Đầu năm 2022, Tập đoàn Keppel cũng đã hợp tác cùng Tập đoàn Sovico phát triển các giải pháp năng lượng và đô thị hóa bền vững tại Việt Nam, bắt đầu từ TPHCM và Hà Nội. Ngoài ra, Keppel Land cùng với Keppel Urban Solutions và Tập đoàn Sovico, Công ty Địa ốc Phú Long (một thành viên của Tập đoàn Sovico) đã ký thỏa thuận hợp tác về phát triển đô thị, các dự án bền vững và thông minh trên khắp Việt Nam. Các công ty này liên quan đến việc mua lại 49% lợi ích của 3 lô đất ở tại Hà Nội với tổng diện tích 14.2ha, giá trị thương vụ hơn 2,700 tỷ đồng.
Ngoài ra, thời điểm cuối năm 2020, Keppel Land hợp tác với Keppel Capital ra mắt Keppel Việt Nam Fund (KVF), một quỹ tập trung đầu tư bất động sản tại Việt Nam, với số vốn huy động đợt đầu tiên 400 triệu USD.
Danh mục tài sản chính của Tập đoàn Keppel đang sở hữu tại Việt Nam - Nguồn: VietstockFinance
Danh mục các Công ty bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam của Tập đoàn Keppel - Nguồn: VietstockFinance