Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp gia tăng ở Thái Lan
Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp gia tăng ở Thái Lan
JKN Global Group, chủ sở hữu của Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe Organization), là một trong số các doanh nghiệp của Thái Lan vỡ nợ trái phiếu trong năm nay trong bối cảnh lãi suất tăng cao.
JKN Global Group, chủ sở hữu của Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe Organization) rơi vào tình trạng vợ nợ sau khi không thể hoàn trả lô trái phiếu trị giá 443 triệu baht (12 triệu đô la) đáo hạn vào ngày 1-9. Ảnh: Bilyonaryo |
Số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Thái Lan đang trên đà tăng khi Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) liên tục tăng lãi suất, dẫn đến chi phí huy động vốn đắt đỏ hơn và khiến một số doanh nghiệp không thể tìm kiếm được nguồn vốn cần thiết để trả nợ.
Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng chịu áp lực do sự thận trọng ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với việc mua trái phiếu hoặc các công cụ khác không được đảm bảo bằng tài sản thế chấp.
“Các vụ vỡ nợ gần đây ở nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp khác nhau đã khiến tâm lý chung trên thị trường trái phiếu Thái Lan chùng xuống, dẫn đến giá trị giao dịch sụt giảm”, Kasem Prunratanamala, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của CGS-CIMB Securities (Thái Lan), nói.
Vụ vỡ nợ gần đây nhất là của JKN Global Group, chủ sở hữu của Miss Universe Organization. Công ty này đã không thể hoàn trả lô trái phiếu trị giá 443 triệu baht (12 triệu đô la) đáo hạn vào ngày 1-9. JKN Global Group, nhà phân phối nội dung giải trí, có trụ sở ở tỉnh Samut Prakan, rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản sau khi mua lại Miss Universe Organization với giá 14 triệu đô la hồi năm ngoái, và đa dạng hóa sang lĩnh vực chăm sóc da và du lịch.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Thái Lan (TBMA), tính đến ngày 31-8, có 7 công ty đại chúng của Thái Lan trễ thời hạn mua lại trái phiếu với tổng trị giá 19 tỉ baht (541 triệu đô la). Con số này nhiều hơn sáu vụ vỡ nợ trái phiếu với tổng trị giá 13,5 tỉ baht của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Thái Lan từ năm 2016 đến năm 2022.
Các doanh nghiệp trên hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ quản lý tài sản, phát triển bất động sản đến điện tử, năng lượng tái tạo. Các vấn đề về thanh khoản của họ phản ánh nhu cầu vẫn còn yếu khi Thái Lan vẫn đang xoay xở để lấy lại động lực tăng trưởng trước Covid-19.
Nhà phát triển bất động sản All Inspire Development đã không hoàn trả được 7 lô trái phiếu trị giá 2,3 tỉ baht trong khi Công ty quản lý tài sản Asia Capital Group vỡ nợ trái phiếu trị giá 2,6 tỉ baht.
Các chủ nợ của All Inspire Development đã chấp thuận cho đại diện của họ, Ngân hàng Ayudhya, tiến hành khởi kiện buộc công ty phải hoàn trả 2,3 tỉ baht càng sớm càng tốt.
Tòa án đã thụ lý vụ việc và phiên tòa sẽ bắt đầu vào tháng 10.
Năm ngoái, các công ty Thái Lan đã phát hành một lượng trái phiếu lớn bất thường, khiến các nhà đầu tư không còn nhiều tiền mặt để phân bổ cho các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới trong năm nay.
Theo TBMA, tổng số tiền huy động được từ các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 tăng lên mức kỷ lục 1,27 nghìn tỉ baht.
Tất cả doanh nghiệp Thái Lan từ các tập đoàn khổng lồ cho đến công ty vừa và nhỏ đều tận dụng chính sách tiền tệ còn lỏng lẻo để huy động vốn giúp họ phục hồi ở thời kỳ hậu Covid.
Giờ đây các tổ chức phát hành trái phiếu phải đưa ra mức lãi suất cao hơn để thu hút nhà đầu tư.
Vụ vỡ nợ 9,2 tỉ baht trong năm nay của Tập đoàn Stark, nhà sản xuất dây cáp điện hàng đầu của Thái Lan, làm giảm niềm tin không chỉ vào ngành tài chính mà còn cả các cơ quan quản lý của Thái Lan.
Stark đã niêm yết cổ phiếu gián tiếp bằng “cửa sau” vào năm 2019 thông qua việc thâu tóm Siam Inter Multimedia. Stark bị cáo buộc giả mạo sổ sách kế toán để báo cáo kết quả kinh doanh lãi, thay vì lỗ vào năm 2021.
Từng là một trong 100 công ty niêm yết hàng đầu Thái Lan, Stark đã trễ thời hạn trả nợ 5 lô trái phiếu.
Các cơ quan quản lý Thái Lan đã tiến hành vụ kiện gian lận nhằm vào 10 lãnh đạo của Stark. Cho đến nay, vẫn không rõ liệu Stark có thể huy động vốn bằng cách nào để trả nợ.
Terdsak Taweethiratham, Phó chủ tịch của Asia Plus Securities, nhận định giới đầu tư hiện tại hết sức thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp. Điều này sẽ gây khó khăn cho hoạt động phát hành trái phiếu nhằm mở rộng kinh doanh hoặc đảo nợ hiện tại.
“Các tổ chức phát hành trái phiếu và bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp sẽ phải làm việc vất vả kể từ bây giờ vì các nhà đầu tư rất thận trọng”, Taweethiratham nói.
Một số nhà phân tích cho rằng các doanh nghiệp Thái Lan sẽ phải huy động vốn bằng cách vay ngân hàng.
Nhưng họ sẽ đối mặt với chi phí tài chính cao hơn khi lãi suất ngày càng tăng. BoT đã tăng lãi suất chính sách bảy lần liên tiếp trong nỗ lực kiểm soát lạm phát, lên mức 2,25% trong tháng 8. Đây là mức lãi suất điều hành cao nhất trong 9 năm ở Thái Lan
Các cáo buộc gian lận sổ sách kế toán và tình trạng mất thanh khoản không phải là vấn đề duy nhất khiến thị trường trái phiếu Thái Lan ảm đạm.
Kasem Prunratanamala của CGS-CIMB Securities cảnh báo, những vụ vỡ nợ khác có thể xuất hiện khi các điều kiện thị trường trở nên u ám do “những bất ổn chính trị kéo dài, lãi suất tăng và đà phục hồi kinh tế yếu ớt”.
Prunratanamala cũng cho rằng vụ kiện gian lận nhằm vào Stark cũng làm mất đi “khẩu vị” của nhà đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp.
Gần đây, TBMA đưa cảnh báo đối với nhà đầu tư về lô trái phiếu của Công ty phát triển bất động sản Risland (Hồng Kông) đáo hạn vào ngày 19-10 tới. Lý do là Risland bị Fitch Rating hạ bậc tín nhiệm nợ từ hạng đầu tư xuống hạng đầu cơ do dòng tiền của công ty này suy giảm và ảnh hưởng của nền kinh tế ảm đạm của Trung Quốc đối với hoạt động của công ty tại nước này. Risland có chi nhánh tại Thái Lan và đã triển khai một số dự án căn hộ cấp cao tại đây.
Chánh Tài (Theo Nikkei Asia)