Chứng khoán Kenanga họp ĐHĐCĐ bàn về nhiều vấn đề quan trọng
Chứng khoán Kenanga họp ĐHĐCĐ bàn về nhiều vấn đề quan trọng
CTCP Chứng khoán Kenanga Việt Nam (OTC: KVS) vừa thông báo chốt danh sách tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 vào ngày 14/11. Dự kiến, Công ty sẽ tổ chức họp vào ngày 05/12/2023.
Theo thông báo, cuộc họp sẽ bàn về nhiều vấn đề như thông qua Phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, thay đổi trụ sở chính, thực hiện đổi tên Công ty và bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán.
Trước đó, Công ty đã thông qua đổi tên từ Chứng khoán Kenanga Việt Nam sang Chứng khoán BIS.
Nửa đầu năm 2023, Kenanga Việt Nam báo lỗ gần 1 tỷ đồng. Nguồn thu duy nhất hiện tại của Công ty đến từ lãi tiền gửi ngân hàng. Mặt khác, Công ty vẫn phải trả chi phí quản lý gần 1 tỷ đồng.
Cuối quý 2, Kenanga Việt Nam có tổng tài sản 94.4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 95 tỷ đồng đầu năm. Công ty nắm 92 tỷ đồng tiền mặt. Ngoài ra, Công ty cũng ghi nhận 39 tỷ đồng các khoản phải thu. Chất lượng các khoản phải thu này không cao khi Công ty phải dự phòng suy giảm giá trị hơn 43 tỷ đồng. Công ty còn lỗ lũy kế gần 126 tỷ đồng.
Chứng khoán Kenanga Việt Nam tiền thân là CTCP Chứng khoán Vàng Việt Nam thành lập tháng 12/2007 với vốn 40 tỷ đồng. Tháng 11/2008, Công ty đổi tên thành Chứng khoán Kenanga Việt Nam và tăng vốn lên 135 tỷ đồng cùng với việc đón cổ đông chiến lược là K&N Holdings Berhad, công ty con của Kenanga Investment Bank Berhad (Malaysia). Ở thời điểm này, Chứng khoán Kenanga Việt Nam còn một nhóm cổ đông lớn khác là ông Cao Văn Sơn và người thân.
Trong quá khứ, cổ đông tổ chức nước ngoài K&N Holdings Berhad từng tố cáo ông Cao Văn Sơn cố tình chiếm giữ con dấu, tài khoản và tài sản của Công ty.
Tới giữa năm 2022, Chứng khoán Kenanga Việt Nam có sự thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông. Trong tháng 5/2022, các cổ đông lớn của Công ty như K&N Kenanga Holdings Berhad (Quốc tịch Malaysia, sở hữu 49%), ông Cao Văn Sơn (sở hữu 27.28%), bà Phạm Khánh Loan (sở hữu 9.63%), ông Cao Quang Hưng (5.61%) và bà Hồ Ngọc Xuân Thanh (8.48%) đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho các cổ đông mới.
Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Hưng An Điền (49%), bà Phạm Lê Tú Uyên (20%), bà Phan Thanh Trà (16.91%) và bà Đặng Hồng Thi (14.09%).
Sau chuyển nhượng, nhóm cổ đông lớn rút khỏi HĐQT Công ty. Bà Phan Thanh Trà được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT. Hai nữ cổ đông lớn còn lại được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT.
Trong đó, bà Đặng Thị Hồng Thi (sinh năm 1986) là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank AMC), đồng thời là Giám đốc Trung tâm Quản lý Nợ của Ngân hàng Vietbank.
Bà Phạm Lê Tú Uyên là Chủ tịch HĐTV của một loạt công ty TNHH gồm Dược Phẩm Hoa Lâm, AS Việt Nam, Đầu tư Xây dựng 3B, Bất động sản First Home.