Bứt tốc quý cuối năm 2023, Nhựa Tiền Phong lãi hơn gấp đôi cùng kỳ
Bứt tốc quý cuối năm 2023, Nhựa Tiền Phong lãi hơn gấp đôi cùng kỳ
Nhờ giá nguyên vật liệu và chi phí lãi vay giảm mạnh trong quý 4/2023, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) báo lãi ròng hơn gấp đôi cùng kỳ, gần 165 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 4/2023 và năm 2023 của NTP
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Quý 4/2023, doanh thu thuần hợp nhất của NTP giảm 14% so với cùng kỳ, còn 1,351 tỷ đồng; nhưng nhờ giá nguyên vật liệu giảm mạnh, kéo giảm giá vốn hàng bán, lãi gộp Công ty đạt 449 tỷ đồng, tăng 31%. Tương ứng, biên lãi gộp ở mức 33%, cao hơn 22% cùng kỳ.
Chi phí bán hàng ghi nhận 172 tỷ đồng (lùi 8% so với cùng kỳ) và chi phí quản lý doanh nghiệp 54 tỷ đồng (tăng 48%).
Chi phí lãi vay được tiết giảm cũng là nguyên nhân góp phần cho mức tăng lợi nhuận sau thuế, theo giải trình của NTP. Song, con số cụ thể không được tiết lộ trên BCTC. Trong khi đó, chi phí tài chính (gồm chi phí lãi vay) ghi nhận 55 tỷ đồng, tăng 22%.
Sau khấu trừ chi phí, quý 4/2023, NTP lãi sau thuế (lãi ròng) 165 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ.
Có thể thấy, chặn đường kinh doanh của Nhựa Tiền Phong trong năm 2023 chia thành hai nửa rất khác. Nửa đầu năm 2023, Công ty ghi nhận 2 quý liên tiếp có lợi nhuận đi lùi (quý 1 giảm 21% và quý 2 giảm 28% so với cùng kỳ); nửa sau 2023, NTP bắt đầu tăng tốc, nhất là ở quý 4, được thúc đẩy từ việc giá nguyên vật liệu giảm mạnh.
Tính chung cả năm, NTP lãi trước thuế 659 tỷ đồng và lãi ròng 559 tỷ đồng, cùng tăng 17% so với năm trước. Doanh thu đạt 5,176 tỷ đồng, giảm 9%.
So với kế hoạch cả năm 2023, NTP thực hiện được 88% mục tiêu doanh thu (5,875 tỷ đồng) và vượt 23% mục tiêu lãi trước thuế (535 tỷ đồng).
Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn gần gấp 4 lần đầu năm
Tính tới ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của NTP ở mức 5,454 tỷ đồng, mở rộng gần 390 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương tăng 8%. Đáng chú ý, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của NTP tại cuối năm 2023 gấp 3.6 lần đầu năm, ghi nhận 451 tỷ đồng.
Hàng tồn kho giảm 25% so với đầu năm, ở mức 1,159 tỷ đồng, chủ yếu do nguyên vật liệu (674 tỷ đồng) giảm 35%.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh so với đầu năm, từ gần 9 tỷ đồng lên hơn 47 tỷ đồng, chủ yếu phản ánh chi phí xây dựng cơ bản (21 tỷ đồng) và máy móc thiết bị (hơn 26 tỷ đồng) cho nhà máy Quận Dương Kinh (Hải Phòng).
Nợ phải trả (hoàn toàn là nợ ngắn hạn) ghi nhận 2,338 tỷ đồng, tăng 5%. Trong đó, NTP vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 1,703 tỷ đồng, nhích nhẹ so với đầu năm.