Bộ trưởng Bộ Công Thương: Việt Nam muốn Lào hạ giá thành bán than
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Việt Nam muốn Lào hạ giá thành bán than
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam đang rất cao và đẩy mạnh xuất khẩu than cũng là mong muốn của nước bạn Lào nhưng quan trọng nhất phải tập trung giải quyết vấn đề giá than sao cho hợp lý.
Ngày 07/04, tại Thủ đô Vientiane, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hội đàm với Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone
|
Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc thúc đẩy tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào sau năm 2025 là rất cần thiết. Thời gian qua, Bộ Công Thương Việt Nam đã tích cực chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, đề xuất khung giá mua điện sau 2025 để báo cáo Bộ Công Thương, sau đó báo cáo Chính phủ thông qua.
"Hiện nay, EVN cũng đã hoàn thành nghiên cứu, dự thảo khung giá và đang gửi xin ý kiến Hội đồng thành viên EVN thông qua trước khi báo cáo Bộ Công Thương. Sau khi có báo cáo chính thức của EVN, Bộ Công Thương sẽ thẩm định và báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến đầu quý 2 năm nay, khung giá mua điện từ Lào sau 2025 sẽ chính thức được ban hành", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Theo Bộ trưởng, nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam đang rất cao, đặc biệt đến từ các Tập đoàn lớn. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu than cũng là mong muốn của nước bạn Lào.
Trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than rất lớn (khoảng 60-100 triệu tấn/năm). Để đáp ứng nhu cầu này, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng kết nối thông tin giữa các Tập đoàn và doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Lào để thúc đẩy hợp tác mua bán than.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, khó khăn cho thương mại than giữa hai nước hiện nay chính là vấn đề giá thành than của Lào vẫn còn cao, do vậy, cần tìm các giải pháp để hạ giá thành bán than từ Lào về Việt Nam, giá than Lào ít nhất phải bằng giá thế giới thì mới có thể cạnh tranh được.
Để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các chủ mỏ than của Lào cơ cấu lại quy trình sản xuất tinh gọn, hiệu quả, đầu tư hệ thống băng tải vận chuyển than qua biên giới để giảm giá thành khai thác, sản xuất, vận chuyển than; đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào xem xét báo cáo Chính phủ Lào bãi bỏ thuế xuất khẩu than (10%).
"Thuế này được ban hành để tạo nguồn thu cho Chính phủ nhưng thực tế sẽ làm cho giá bán than của Lào tăng, dẫn đến than không bán được và từ đó Chính phủ và doanh nghiệp đều thiệt hại", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone đã ký kết Bản ghi nhớ giữa hai bên về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khai thác khoáng sản. Đây tiếp tục là một trong những sự kiện quan trọng, là bước tiến mới trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước Việt Nam - Lào.