Hành trình “kiến hóa voi” của DGT

10/05/2024 11:02
10-05-2024 11:02:00+07:00

Hành trình “kiến hóa voi” của DGT

Từng là doanh nghiệp vốn không tới 50 tỷ đồng trong suốt nhiều năm, kinh doanh lẹt đẹt với doanh thu vài tỷ đồng tới hơn trăm tỷ đồng, lợi nhuận vài triệu đồng tới vài tỷ đồng; bỗng chốc một doanh nghiệp ngành xây dựng công trình giao thông lớn như thổi sau khi liên tục phát hành cổ phiếu, thay đổi cấu trúc thượng tầng mạnh mẽ.

Lên UPCoM vào năm 2010, CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai (UPCoM: DGT) không để lại nhiều dấu ấn trên thị trường bởi quy mô vốn và tài sản khiêm tốn, doanh thu và lợi nhuận tạo ra ít ỏi, tỷ lệ chi phối của công ty mẹ là CTCP Phát triển KCN Biên Hòa (Sonadezi) chiếm đến 63.72%.

Vốn điều lệ và tổng tài sản của DGT giai đoạn 2009-2019
Doanh thu và lợi nhuận ròng giai đoạn 2009-2019

Bước ngoặt của CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai (UPCoM: DGT) đến vào những năm 2019-2020, sau lần đầu tăng vốn kể từ thời điểm công ty cổ phần hóa năm 2005.

Liên tục phát hành riêng lẻ và sự xuất hiện của nhân sự lãnh đạo mới

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, HĐQT trình kế hoạch phát hành riêng lẻ 4 triệu cp với giá 12,000 đồng/cp. Cổ đông chất vấn ban lãnh đạo về việc thị giá thời điểm đó dao động quanh mức 28,000-33,000 đồng/cp và đề xuất giá phát hành 20,000 đồng/cp, cho rằng giá 12,000 đồng là bán rẻ Công ty cho nhà đầu tư bên ngoài.

Đại diện đoàn Chủ tịch cho rằng, tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược đã được ĐHĐCĐ 2018 thông qua và đại hội 2019 chỉ là thủ tục chốt cuối cùng. Kết quả, 4 triệu cp giá 12,000 đồng được phân phối cho 5 nhà đầu tư cá nhân, mỗi người 600 ngàn cp, tương ứng tỷ lệ sở hữu 9.26%. Vốn tăng lên 64.8 tỷ đồng, Công ty dùng 48 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng, nợ bảo hiểm xã hội và bổ sung vốn lưu động. Cũng trong năm 2019, DGT còn phát hành 190 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 11.5%/năm, kỳ hạn 2 năm, với tài sản bảo đảm là cổ phiếu DGT thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức có giá trị tối thiểu 65% vốn điều lệ, tài sản thuộc sở hữu DGT hoặc bên thứ 3.

Sang năm 2020, HĐQT tiếp tục trình kế hoạch phát hành 20 triệu cp riêng lẻ để tái cơ cấu tài chính, nâng cao năng lực vốn tham gia đấu thầu công trình. Nhiều vị trí trong cấu trúc thượng tầng thay đổi trong năm 2020. Chức Chủ tịch HĐQT từ ông Phan Cao Minh chuyển cho ông Nguyễn Lâm Tùng - một người xuất thân gốc tài chính và được bầu vào HĐQT tại đại hội bất thường năm 2019.

Ông Nguyễn Lâm Tùng

Ông Tùng sinh năm 1982, từng đảm nhiệm các vị trí như trưởng nhóm tư vấn, phó trưởng phòng, trưởng phòng tư vấn tài chính chi nhánh TPHCM CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội, Chứng khoán Đại Dương, Giám đốc chi nhánh TPHCM Chứng khoán Quốc Gia. Ngoài DGT, ông Tùng còn là Thành viên độc lập HĐQT CTCP DRH Holdings (HOSE: DRH), Thành viên HĐQT CTCP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (UPCoM: DSP). DRH giới thiệu: trong nhiều năm liền, ông Tùng đã phụ trách nhiều thương vụ, dự án lớn về tư vấn cổ phần hóa, tư vấn phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, tư vấn niêm yết và tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp…

Dưới sự chèo lái của ông Tùng, DGT có bước ngoặt trong năm 2020, quy mô vốn điều lệ từ 64.8 tăng lên 200 tỷ đồng, thông qua phát hành 13.5 triệu cp riêng lẻ với giá 12,000 đồng/cp cho 2 cá nhân và 1 tổ chức vào tháng 8/2020.


Nguồn: DGT

Sài Gòn HQ Investment thành lập tháng 5/2020, tức 3 tháng trước thời điểm DGT thông qua danh sách cổ đông chiến lược; vốn điều lệ 1 tỷ đồng và ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Các cổ đông sáng lập gồm công ty TNHH Eco United Holdings nắm 34%, Công ty TNHH Uy Nghi Investment giữ 40%, ông Lương Văn Quang 26%. Công ty do ông Lê Quốc Kỳ Quang làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Tháng 4/2021, doanh nghiệp đổi tên thành CTCP HQ Investment Group.

Số tiền thu về khoảng 162 tỷ đồng, DGT dùng 150 tỷ đồng để mua 50% cổ phần Công ty TNHH Đồng Lợi - doanh nghiệp sở hữu mỏ đá trắng Quỳ Hợp ở tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, DGT có 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển KCN DGT và Công ty TNHH MTV Sản xuất và Kinh doanh Vật liệu Xây dựng DGT.

Kết quả kinh doanh năm 2020 bắt đầu xuất hiện doanh thu từ các mỏ đá - vốn là mảng lãnh đạo kỳ vọng sẽ đóng góp chính cho Công ty, trong khi những năm trước DGT chỉ có doanh thu từ 4 mảng là xây lắp (chiếm áp đảo), dịch vụ cho thuê, bán vật liệu xây dựng và khác, gia công bê tông nhựa nóng.

Mảng xây lắp vượt trội nhờ hưởng lợi từ thị trường bất động sản, doanh thu năm 2020 ghi nhận mức cao kỷ lục: 665 tỷ đồng, gấp 71 lần năm 2019; lãi ròng 88 tỷ đồng, bỏ xa khoản lỗ 20 tỷ đồng trước đó. Chỉ riêng khoản lợi nhuận này, DGT xóa được lỗ lũy kế nhiều năm qua.

Cùng với con số lãi khủng, tổng tài sản cuối năm 2020 của DGT “phình to” gần 6 lần, từ 250 lên 1,250 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng từ 20 lên 664 tỷ đồng, tồn kho từ chưa tới 1 tỷ đồng lên 158 tỷ đồng. Kinh doanh lãi khủng, xóa lỗ lũy kế, tài sản vượt mốc ngàn tỷ đồng, song tiền mặt trong tay doanh nghiệp này chỉ có vài trăm triệu đồng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm hơn 244 tỷ đồng.

Bước sang năm 2021, DGT tiếp tục có tham vọng tăng vốn điều lệ gấp đôi - lên 400 tỷ đồng; đồng thời bầu ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng Central vào HĐQT.

Ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng Central

Sau đó, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2021, cổ đông DGT thông qua chào bán riêng lẻ 59 triệu cp cho 11 cá nhân, vẫn với giá 12,000 đồng/cp để tăng vốn lên 790 tỷ đồng. Tiền thu về, DGT tính dùng 325 tỷ đồng góp vào công ty con - Công ty TNHH MTV Đầu tư DGT, 15 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động, 368 tỷ đồng thanh toán nhà cung cấp.


Nguồn: DGT

Dù tăng vốn khủng, trong năm 2021, tổng tài sản của DGT lại bị thu hẹp do tài sản ngắn hạn từ 990 tỷ đồng giảm còn 395 tỷ đồng. Đây là kết quả chính của khoản phải thu từ CTCP Xây dựng Hiệp An giảm từ 584 tỷ đồng còn 11 tỷ đồng, phải thu bà Võ Diệp Cẩm Vân giảm từ 150 tỷ đồng còn 31 tỷ đồng trong thương vụ đặt cọc mua 50% vốn Công ty Đồng Lợi. Ngoài ra, trong năm, Công ty chi 158 tỷ đồng để mua 3.6 triệu cp CTCP Xây lắp và VLXD Đồng Tháp (UPCoM: BDT), chiếm 9.33% vốn điều lệ.

Năm 2022, lãnh đạo DGT tham vọng hơn khi đặt mục tiêu nâng vốn lên 2,000 tỷ đồng giai đoạn 2022-2023 với mong muốn mở rộng đầu tư, M&A các mỏ đá ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh và thâu tóm nốt 50% vốn còn lại của Công ty Đồng Lợi.

Dành nhiều vốn cho đầu tư và M&A nên từ 2018 tới 2023, DGT không chia cổ tức cho cổ đông, dù trước đó tỷ lệ chia dao động từ 10-15%.

Công ty mong muốn mở rộng mảng khai thác khoáng sản, thị trường vật liệu xây dựng và xây dựng công trình nên quyết định hủy bỏ việc sử dụng 325 tỷ đồng thu từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ góp vốn vào Công ty Đầu tư DGT.

Vốn điều lệ của DGT giai đoạn 2018-2023

Tài sản phình to nằm ở đâu?

Liên tục tăng vốn nhưng tiền mặt của doanh nghiệp lại duy trì con số tượng trưng vài trăm triệu đồng. Thay vào đó, tài sản tập trung vào các khoản phải thu như 132 tỷ đồng từ Công ty TNHH Kỹ thuật VLXD Cửu Long vào cuối năm 2022, khoản hợp tác kinh doanh với ông Trương Hiền Vũ 419 tỷ đồng. Công ty cho hay, đây là khoản hợp tác trong 12 tháng với 6 hợp đồng nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư như: mỏ đá trắng tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An 150 tỷ đồng; đầu tư các bến thủy nội địa trên diện tích 5ha tại tỉnh Đồng Tháp 60 tỷ đồng; tìm kiếm phát triển 2 khu công nghiệp ở Nam Trung bộ gần 90 tỷ đồng; đầu tư lĩnh vực VLXD, khoáng sản 154 tỷ đồng; tìm kiếm khu công nghiệp ở Nam Trung bộ 66 tỷ đồng.

Ngoài ra, DGT cho biết, ngày 28/4/2023, Công ty đã ký hợp đồng hứa chuyển nhượng và hứa nhận với ông Nguyễn Văn Đồng, bà Trần Thị Mai Hương - cổ đông nắm 50% cổ phần Công ty TNHH Đồng Lợi - hứa chuyển nhượng toàn bộ cp với giá không thấp hơn 350 tỷ đồng và thời hạn chuyển nhượng là 30/7/2023. Được biết trước đó, DGT chi 150 tỷ đồng để nhận 50% vốn Đồng Lợi từ bà Võ Diệp Cẩm Vân.

Đến cuối năm 2023, DGT đã hoàn tất mua phần vốn góp của ông Đồng và bà Hương, trị giá gần 50 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu từ 50% lên 99.98% Đồng Lợi, tương đương giá trị đầu tư gần 200 tỷ đồng; nâng số lượng công ty con lên 6 đơn vị. Ngược lại, DGT thoái 3.6 triệu cp BDT với giá trị thu được gần 95 tỷ đồng, so với giá trị vốn góp là 121 tỷ đồng, tạm tính công ty lỗ 26 tỷ đồng.

Mặt khác, khoản phải thu đối với ông Trương Hiền Vũ trong năm tăng thêm gần 110 tỷ đồng, lên 530 tỷ đồng.

DGT còn cho vay ngắn hạn với bà Nguyễn Ngọc Hà Phương hơn 206 tỷ đồng và bà Phan Thị Yến 110 tỷ đồng, lãi suất 0% và không tài sản bảo đảm, thời gian tới 31/12/2023.

Tháng 2/2022, DGT đã tranh thủ phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm, lãi suất 11%/năm. Cuối năm 2023, dư nợ này còn 238 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là 12 triệu cp DGT thuộc sở hữu của bên thứ ba và hợp đồng thuê đất, tài sản gắn liền với lô đất hơn 1.5ha tại phường Tràng Dài, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thuộc sở hữu Công ty.

Ngoại trừ năm 2022, hầu hết những năm còn lại, DGT duy trì lượng tiền mặt rất ít.

Tài sản của DGT giai đoạn trước và sau tăng vốn (2018-2023)

Kết quả kinh doanh từ sau năm 2020 cho thấy DGT có sự chuyển mình sang hoạt động bán đá, doanh thu mang lại tăng dần đều và đến 2022 chính thức vượt mảng xây lắp.

Cơ cấu doanh thu của DGT giai đoạn 2018-2023
Nguồn: Người viết tổng hợp
Lợi nhuận ròng giai đoạn 2018-2023

Thay đổi cấu trúc thượng tầng, xuất hiện “đại gia trứng gà” Ba Huân

Trong bối cảnh việc huy động vốn của nhiều doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán giai đoạn dịch COVID-19 không dễ dàng, DGT liên tục thành công và kết quả kinh doanh tăng trưởng thần tốc, từ một doanh nghiệp “con kiến” biến thành “con voi”. Dù vậy, cấu trúc thượng tầng của Doanh nghiệp lại liên tục biến động. Những tháng đầu năm 2023, DGT tiến hành đại hội bất thường để “thay máu” toàn bộ ban lãnh đạo. Mục đích được đưa ra là thực thi chiến lược kinh doanh và giai đoạn phát triển 2023-2028, ĐHĐCĐ bầu và kiện toàn nhân sự HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2023-2028. Trước đó, HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2020-2025 đã bị cho miễn nhiệm và kết thúc trước nhiệm kỳ.

HĐQT mới có sự xuất hiện của nhiều cá nhân từ “đại gia trứng gà” - CTCP Ba Huân và CTCP Vital Investment Group như ông Nguyễn Trung Quân là Giám đốc vận hành Ba Huân, Giám đốc tài chính CTCP Vital Investment Group; ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc nhà máy Tân Nhựt, CTCP Ba Huân; ông Trần Hữu Lưu - nhân viên CTCP Ba Huân; ông Nguyễn Minh Phú - chuyên viên pháp chế Vital Investment Group.

Các lãnh đạo mới ngồi ghế nóng chưa được bao lâu thì DGT tiến hành đại hội bất thường lần thứ hai trong năm 2023 để giảm số lượng thành viên HĐQT từ 6 còn 5. Ông Trần Quang Tuấn và ông Trần Hữu Lưu là 2 người được giữ lại, BKS thay toàn bộ.

HĐQT và Tổng Giám đốc DGT thay đổi liên tục trong năm 2023
Nguồn: Người viết tổng hơp

Có thể thấy, trong năm 2023, ghế nóng Chủ tịch DGT lần lượt qua các cá nhân gồm ông Nguyễn Lâm Tùng, ông Trần Việt Hà, ông Bành Quang Phúc. Chức Tổng Giám đốc lần lượt qua các ông Trần Ngọc Minh, ông Ngô Đức Trường, ông Nguyễn Thanh Phong.

Các cổ đông lớn lần lượt thoái vốn

Một số cổ đông tham gia trong các đợt phát hành riêng lẻ của DGT đã thoái sạch vốn thời gian qua như Sài Gòn HQ Investment thoái hết 10.2 triệu cp vào ngày 11/10/2023, ông Huỳnh Tài thoái hết 12 triệu cp ngày 22/8/2023, bà Nguyễn Đăng Thùy Dương thoái hết 11.9 triệu cp vào ngày 20/6/2023 (Tuy nhiên, sau đó bà Dương  quay trở lại mua đúng số cổ phiếu này). Được biết, các giao dịch đều thực hiện thỏa thuận và giá trị thấp hơn khá nhiều so với giá mua ban đầu.

Trong khi đó, dàn lãnh đạo của DGT chỉ có duy nhất ông Trần Quang Tuấn sở hữu cổ phiếu Công ty, còn lại đều không ai sở hữu, kể cả người thân.

Cơ cấu cổ đông DGT cuối năm 2023
Nguồn: DGT

Cũng nói thêm,  kể từ sau tăng vốn, diễn biến cổ phiếu DGT từ thị giá từng đạt hơn 100,000 đồng/cp thì nay chỉ còn quanh 5,000 đồng/cp. Đặc biệt là từ nửa cuối năm 2022 tới nay, cũng là khoảng thời gian DGT không còn thực hiện các đợt tăng vốn, giá cổ phiếu luôn duy trì dưới mệnh giá.

Diễn biến cổ phiếu DGT sau các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ

Nguồn: VietstockFinance

Tiến Vũ

FILI







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (4)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 04/10

Danh sách các mã cổ phiếu tăng và giảm mạnh nhất những phiên gần đây theo số liệu thống kê của Vietstock.

04/10: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán?

Cùng điểm lại những tin tức tài chính kinh tế trong nước và quốc tế đáng chú ý diễn ra trong 24h qua trước giờ giao dịch.

VPS tăng mạnh thị phần môi giới trên UPCoM

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách top 10 thị phần môi giới trên thị trường niêm yết và UPCoM quý 3/2024.

85 mã bị cắt margin trên HOSE trong quý 4/2024

Danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) quý 4/2024 trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) bao gồm 85 mã, nhiều hơn 6 mã so với quý 3...

Theo dấu dòng tiền cá mập 03/10: Tự doanh cùng khối ngoại “gom ròng” hơn 1,000 tỷ

Giao dịch tự doanh các công ty chứng khoán và khối ngoại diễn biến tích cực trong phiên 03/10. Đánh dấu phiên thứ 3 liên tiếp đồng thuận mua ròng với giá trị lần...

Tân binh UPCoM tăng 179% sau 6 phiên, lãnh đạo khẳng định điều chắc nịch

Tân binh sàn UPCoM là CTCP Vạn Đạt Group (UPCoM: VDG) có ngày giao dịch đầu tiên vào 26/09. Từ mức giá tham chiếu lúc chào sàn 11,000 đồng/cp, sau 6 phiên tăng trần...

HNG về sàn UPCoM vẫn hút tiền dù thị trường kém sôi động

Cổ phiếu CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, UPCoM: HNG) dù mới giao dịch trên UPCoM từ ngày 18/09/2024 nhưng đã chiếm gần 10% khối lượng giao...

Các chỉ số sàn HOSE đồng loạt tăng nhẹ trong tháng 9

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2024, chỉ số VN-Index đạt 1,287.94 điểm, VNAllshare đạt 1,344.59 điểm, VN30 đạt 1,352.56 điểm. So với cuối tháng...

Sóng lớn ở cổ phiếu ngân hàng

Khép lại tháng 9, cổ phiếu ngành ngân hàng thể hiện xu hướng tăng điểm nhờ kỳ vọng lợi nhuận quý 3/2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. 

Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 03/10

Danh sách các mã cổ phiếu tăng và giảm mạnh nhất những phiên gần đây theo số liệu thống kê của Vietstock.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98