Nhiều động lực cho thị trường chứng khoán từ việc nâng hạng
Nhiều động lực cho thị trường chứng khoán từ việc nâng hạng
Tại buổi tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" được tổ chức sáng ngày 23/07, một nội dung rất được quan tâm gần đây là tiến độ nâng hạng thị trường, cũng như những cơ hội từ việc nâng hạng mang lại đã được các chuyên gia chia sẻ.
Tháo gỡ nút thắt Pre-funding
Trước câu hỏi về tiến độ nâng hạng thị trường, ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, việc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nâng hạng trong năm 2025 là mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đồng thời cũng có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện các giải pháp trong phạm vi, chức trách, nhiệm vụ của mình để giải quyết các nút thắt gây cản trở cho việc nâng hạng.
Về phía Bộ Tài chính, công tác chuẩn bị không hề trầm lắng mà diễn ra vô cùng sôi động. Hiện nay, UBCKNN cùng các thành viên thị trường đang tích cực xây dựng giải pháp, chuẩn bị nguồn lực, nhân lực, công nghệ, tài chính… để chuẩn bị cho việc thị trường được nâng hạng, cũng như các giải pháp để nâng hạng.
Hiện tại, với nút thắt lớn nhất là câu chuyện Pre-funding (ký quỹ trước khi giao dịch), Bộ Tài chính đã hoàn thành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Thông tư để tháo gỡ. Dự thảo Thông tư này đã được lấy ý kiến của toàn bộ thành viên thị trường, các đối tượng chịu tác động, thậm chí là cả World Bank, các nhà đầu tư nước ngoài, Hiệp hội thị trường tài chính và chứng khoán châu Á (ASIFMA).
Ông Hải cho biết, nếu có thêm ý kiến đóng góp, bản Dự thảo Thông tư này sẽ được chỉnh sửa trước khi UBCKNN trình ký ban hành.
Đối với câu chuyện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài và quyền tiếp cận bình đẳng thông tin của nhà đầu tư nước ngoài, trong bản Dự thảo Thông tư mới đăng tải cũng đã có những quy định mang tính chất bắt buộc và có lộ trình.
Theo đó, đối với các công ty niêm yết sẽ phải đăng công bố thông tin đồng thời bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt để đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài các thông tin định kỳ và bất thường, thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng sẽ được đăng song ngữ công khai trên trang của các Sở Giao dịch, Trung tâm lưu ký.
Về phía các Bộ, ngành khác (Bộ KHĐT, NHNN), đang tích cực triển các giải pháp có liên quan đến tháo gỡ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở tài khoản đầu tư vốn gián tiếp và rà soát lại việc công bố đầy đủ danh mục, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các ngành nghề theo hướng công khai.
Theo ông Hải, trong quá trình tiến hành các giải pháp, UBCKNN luôn trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế. Phần lớn vấn đề liên quan đến các giải pháp lớn đều đã nhận được sự đồng thuận. Còn những vấn đề đang được trao đổi thêm chủ yếu liên quan đến tính kỹ thuật, mà hầu như liên quan đến mối quan hệ giữa nhà đầu tư, công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký.
Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
|
Kỳ vọng thúc đẩy dòng tiền
Đánh giá về tác động của việc được nâng hạng, bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán SSI cho rằng đây là cơ hội rất lớn với các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Việc được FTSE nâng hạng sẽ là tiền đề để MSCI nâng hạng vào thị trường mới nổi sau này.
"Mặc dù không thể kỳ vọng dòng tiền sẽ vào ngay tức khắc, nhưng sau này dòng tiền sẽ chảy vào nhiều hơn", bà Hằng nhận định.
Trong kịch bản suôn sẻ, TTCK Việt Nam được FTSE nâng hạng vào tháng 9/2025 và sớm nhất được vào rổ thị trường mới nổi vào tháng 3/2026. Với các mốc thời gian này, bà Hằng dự báo thị trường sẽ sôi động ở nửa cuối năm 2025.
“Các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng nhiều vào câu chuyện TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong năm nay, ước tính khoảng 2 tỷ USD vốn ngoại rút ra. Tuy nhiên, nếu được đưa vào danh mục cổ phiếu thị trường mới nổi của FTSE, ước tính cũng sẽ thu hút được khoảng 2 tỷ USD tiền vào”, bà Hằng chia sẻ.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng, dòng tiền vào nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào việc thị trường có nhiều câu chuyện mới, hàng hóa mới để tạo ra chất xúc tác.
Bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán SSI
|