Đua nhau khởi nghiệp từ thảo dược
Đua nhau khởi nghiệp từ thảo dược
Thời gian gần đây, nhiều dự án khởi nghiệp liên quan các sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh cá nhân sử dụng nguyên liệu từ thảo dược địa phương ngày càng nở rộ.
Nhiều dự án đi trước thành công đã tạo động lực cho các dự án mới. Bởi lẽ, nguồn tài nguyên thảo dược của Việt Nam rất dồi dào và thị trường đang rộng mở.
Những con số bất ngờ
ThS Đỗ Quang Huy - chuyên gia về thương mại điện tử (TMĐT), thường xuyên theo dõi và phân tích các số liệu trên sàn TMĐT - đã rất bất ngờ khi phát hiện nhiều sản phẩm ở ngành chăm sóc tóc trong tốp bán chạy nhất trên TikTok Shop thuộc về những thương hiệu mới.
"Đa số thuộc về các thương hiệu khởi nghiệp với những sản phẩm làm từ thảo dược địa phương như tinh dầu bưởi, bồ kết, xả, gừng... Nhiều gian hàng tận dụng tốt truyền thông mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm từ quy trình sản xuất, kể câu chuyện thương hiệu để hỗ trợ bán hàng" - ông Huy nhận xét.
Theo ông Huy, giữa lúc TMĐT cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc khai thác được thị trường ngách như trên là cách làm hay, khi không phải cạnh tranh về giá với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ. Một trong những thương hiệu thành công điển hình ở mảng này là Cỏ Cây Hoa Lá (của Công ty TNHH Sản phẩm thiên nhiên và Hữu cơ ONA GLOBAL), chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc tóc, da... từ nguyên liệu thiên nhiên.
Cỏ Cây Hoa Lá từng giành vị trí quán quân tại Startup Wheel năm 2023. Trong chương trình "Thương vụ bạc tỉ" mùa 6, Cỏ Cây Hoa Lá cho biết doanh thu năm 2023 là 120 tỉ đồng, tự định giá 14 triệu USD và được "cá mập" trả cao nhất 1 triệu USD cho 9% (tương đương định giá hơn 11 triệu USD) nhưng startup này đã từ chối.
Một số mỹ phẩm làm từ sâm và các loại thảo dược được giới thiệu tại Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP HCM |
Dự án FUWA3E (Công ty TNHH FUWA Biotech) - chuyên sản xuất sản phẩm tẩy rửa sinh học từ vỏ dứa bằng công nghệ enzyme - cũng rất nổi bật. Sản phẩm FUWA3E đã được cấp chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao và xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó có những nơi yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe như Đức, Ý, Mỹ…
Bà Lê Thị Tú Uyên, đại diện phát triển kinh doanh quốc tế và kênh phân phối hiện đại (MT) của FUWA3E, cho biết dự án được triển khai giữa 3 nhà máy sản xuất dứa lớn tại Thanh Hóa nên có nguồn nguyên liệu dồi dào. Giá bán sản phẩm không chỉ cạnh tranh với hàng nhập khẩu cùng phân khúc mà còn cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp.
Năm 2023, một clip dài gần 9 phút có tên "Vỏ dứa có thể thay thế được xà phòng?" (Can pineapple skins replace soap?) về dự án FUWA3E được đăng tải trên kênh YouTube của báo Business Insider (Mỹ) với gần 5,6 triệu lượt xem đã thu hút thêm đối tác quốc tế đặt mua hàng.
Đến nay, nhiều sản phẩm của FUWA3E đã được bán trên Amazon.com - trang TMĐT nổi tiếng của Mỹ. Sắp tới, FUWA3E đẩy mạnh thêm các dòng sản phẩm có tiêu chuẩn cao hơn dành cho sản phụ và em bé, như: nước rửa bình sữa, nước rửa tay, vệ sinh đồ chơi…
Thị trường tiềm năng
Anh Nguyễn Hoàng Thanh Danh, người đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP SamDaLat (thương hiệu Visante, chuyên sản xuất sản phẩm chăm sóc và làm đẹp tự nhiên từ sâm Việt Nam), cho hay anh quyết định khởi nghiệp ở mảng này sau một chuyến du lịch Hàn Quốc.
"Ở Hàn Quốc, sâm được ứng dụng vào mỹ phẩm rất phổ biến, trong khi sâm Việt Nam được trồng ngày càng nhiều nhưng chế biến không bao nhiêu" - anh Danh so sánh. Đến nay, SamDaLat đã sở hữu 1 trang trại trồng sâm tại Lâm Đồng cùng đội ngũ nhân sự mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển mỹ phẩm.
Anh Danh tin tưởng thị trường trong nước đang rộng mở khi thu nhập của người dân ngày càng tăng. Việc chi tiêu cho vẻ bề ngoài và chăm sóc cơ thể đúng cách bằng sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên thay cho các loại hóa chất tổng hợp cũng tăng dần.
Sau thời gian dài nghiên cứu, SamDaLat đã cho ra mắt một số sản phẩm chăm sóc da đầu và tóc chiết xuất từ sâm Lai Châu, được thị trường đón nhận. "Sâm Lai Châu có 52 loại saponin, cao hơn nhiều so với sâm Hàn Quốc nhưng giá thị trường không quá cao - là cơ sở để chúng tôi đầu tư chế biến sâu các sản phẩm. Sâm Hàn Quốc làm được thì sâm Việt Nam cũng làm được và sẽ làm tốt hơn" - anh Danh kỳ vọng.
Theo ông Võ Bửu Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy Mộc Việt (chuyên nghiên cứu thiết bị chưng cất tinh dầu và sản phẩm tinh dầu), giá tinh dầu thiên nhiên giảm mạnh là một trong những yếu tố giúp các dự án khởi nghiệp như trên nở rộ. Cách đây 5 năm, tinh dầu bưởi giá 5 - 6 triệu đồng/lít thì nay chỉ còn 1,6 triệu đồng; tinh dầu sả 3 triệu đồng/lít nay còn 1,1 triệu đồng; tinh dầu tràm 3 - 4 triệu đồng/lít giảm còn 1,2 triệu đồng..., do sự phát triển của công nghệ chiết xuất cũng như các vùng nguyên liệu quy mô công nghiệp ngày càng nhiều.
"Điểm yếu của các dự án khởi nghiệp trong mảng này thường là giá thành sản xuất cao do quy mô sản xuất còn nhỏ nên gặp khó khi bán hàng. Doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường kỹ trước khi đầu tư sản xuất để bảo đảm hiệu quả" - ông Lợi gợi ý.
Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Organica (chuyên phát triển và bán lẻ thực phẩm hữu cơ), cho biết các sản phẩm nước rửa chén, rửa tay, mỹ phẩm… có chứng nhận hữu cơ, sinh học quốc tế đang bán tại Organica đều là hàng nhập khẩu. Một số nhà cung cấp trong nước có chào hàng nhưng sản phẩm chưa đạt chất lượng, mẫu mã chưa bằng hàng nhập khẩu và chưa có chứng nhận. "Để được chứng nhận sản phẩm hữu cơ, yêu cầu đầu tiên là nguyên liệu phải từ vùng đã được cấp chứng nhận hữu cơ. Chúng tôi sẽ phát triển xà phòng từ dầu dừa, nến thơm từ sáp ong hữu cơ, tinh dầu tràm, quế… khi có đủ nguyên liệu phù hợp" - bà Thảo tiết lộ. |
Bài và ảnh: NGỌC ÁNH