Hanoitourist muốn Thăng Long GTC thoái vốn dự án đất ‘kim cương’ cạnh hồ Giảng Võ
Hanoitourist muốn Thăng Long GTC thoái vốn dự án đất ‘kim cương’ cạnh hồ Giảng Võ
Một dự án vị trí vô cùng đắc địa nằm ngay hồ điều hòa Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, sau nhiều năm bất động, cổ đông lớn muốn Thăng Long GTC rút khỏi dự án.
Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Thăng Long GTC (ThanglongGTC), đại diện cổ đông nhà nước là Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), ông Nguyễn Văn Dũng nêu một số vấn đề tồn đọng cần Ban Tổng Giám đốc Thăng Long GTC xử lý trong năm 2024. Trong đó có việc đề nghị Công ty thoái toàn bộ vốn góp tại chủ đầu tư dự án 15-17 Ngọc Khánh, Hà Nội.
Theo vị đại diện vốn nhà nước, dự án 15-17 Ngọc Khánh không triển khai đã nhiều năm, trạm điện xây dựng sai quy hoạch, quận Ba Đình yêu cầu tháo dỡ nhưng không giải quyết được. Để bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Công ty, Hanoitourist đề nghị thoái toàn bộ vốn góp của Thăng Long GTC tại Công ty TNHH Pacific Thăng Long, chủ đầu tư dự án 15-17 Ngọc Khánh, theo quy định pháp luật và Nghị quyết ĐHĐCĐ.
Đại diện HĐQT Thăng Long GTC cho hay sẽ tiếp thu ý kiến từ Hanoitourist và chỉ đạo Ban Tổng Giám đốc công ty giải quyết các công việc còn vướng mắc, tồn đọng của Công ty.
Một dự án đất “kim cương” bất động hơn thập kỷ
Dự án 15-17 Ngọc Khánh còn được biết là khu phức hợp Giảng Võ, nằm ngay hồ điều hòa Giảng Võ, là một những lô đất “kim cương” tại quận Ba Đình, được cấp phép vào năm 2007 với quy mô vốn đầu tư thời điểm đó là 70 triệu USD. Công ty TNHH Pacific Thăng Long là doanh nghiệp liên doanh được lập ra vào cùng năm để thực hiện dự án. Trong đó, Thăng Long GTC góp 29%, tương đương 4.93 triệu USD (quy đổi hơn 93.3 tỷ đồng) và bên còn lại là Công ty Janakpup Limited (Ireland) góp 71%, tương đương 246 tỷ đồng. Công ty đặt trụ sở tại vị trí dự án, do ông Ole Bollingtoft (quốc tịch Đan Mạch) làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
Khu phức hợp Giảng Võ có diện tích đất 19,942m2. Trong đó, khu 1 diện tích đất 5,800m2, hiện là 3 toà chung cư đã có cư dân sinh sống. Khu 2 diện tích 14,143m2, có 360m2 là nơi đặt trạm điện và máy phát điện của chung cư, diện tích còn lại là phần đất ven hồ Giảng Võ (với phần đường dạo ven hồ 2,077m2) dự định xây các công trình giai đoạn 2.
Vị trí khu phức hợp Giảng Võ. Ảnh: Google map
|
3 toà chung cư tại khu 1 của dự án và tường quây quanh khu 2. Ảnh: Tienphong
|
Thăng Long GTC cho biết, thời điểm cổ phần hóa (2015), Công ty đã góp vốn vào liên doanh bằng chính giá trị “đặc quyền khai thác 12,066m2 đất và chi phí đền bù tài sản trên đất” của dự án “kim cương” này. Giá trị khoản đầu tư được đánh giá lại khi cổ phần hóa là gần 105 tỷ đồng, tăng 11.4 tỷ đồng so với ban đầu, tức mỗi m2 đất cùng tài sản trên đó có giá chưa đầy 8.7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, với giá đất tăng phi mã như hiện nay, thì giá trị quyền sử dụng đất của dự án chắc chắn cao gấp nhiều lần so với giá trị thời điểm cổ phần hóa chục năm trước.
Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của quận Ba Đình cho biết dự án đã có Quyết định số 5340/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 về việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng.
Thăng Long GTC có vốn điều lệ 1,228 tỷ đồng, trong đó, Hanoitourist nắm 45.19%. Năm 2023, Thăng Long GTC đạt doanh thu bán hàng hơn 32 tỷ đồng với phần lớn đền từ việc cho thuê bất động sản. Doanh thu hoạt động tài chính hơn 104 tỷ đồng, gồm lãi tiền gửi hơn 21.4 tỷ đồng, cổ tức lợi nhuận được chia gần 79 tỷ đồng, doanh thu từ BigC Thăng Long 3.6 tỷ đồng. Lãi sau thuế 102.5 tỷ đồng. Kế hoạch 2024, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 32 tỷ đồng.
Phối cảnh Khu phức hợp Giảng Võ
|
Vị giám đốc người nước ngoài của Pacific Thăng Long có gì đặc biệt?
Tổng Giám đốc Pacific Thăng Long ông Ole Bollingtoft sinh năm 1948, là 1 triệu phú người Đan Mạch. Bên cạnh đó ông còn là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khai thác Đá Hòn Thị (nước ngoài sở hữu 81%), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Pacific Land Việt Nam (nước ngoài sở hữu 100%).
Pacific Land Việt Nam là chủ đầu tư dự án tỷ đô khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (HaBiotech) ở quận Bắc Từ Liêm. Tổng vốn đầu tư dự kiến 250 triệu USD cho hạ tầng kỹ thuật và một số công trình dịch vụ, chung cư cao tầng, ký túc xá (không bố trí đất làm nhà ở gia đình); 800 triệu USD cho các thiết bị đặc chủng như đầu tư phòng thí nghiệm, trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học...
Hồi tháng 8 năm ngoái, UBND quận Bắc Từ Liêm có buổi làm việc với Công ty Pacific Land Việt Nam liên quan đến thúc đẩy triển khai dự án. Ông Ole Bollingtoft cho biết dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc cần sự phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và thành phố, quận. Công ty mong muốn tiếp tục nhận được giúp đỡ của quận hỗ trợ làm pháp lý để dự án được sớm triển khai.
HaBiotech là dự án trọng điểm của Hà Nội, được UBND Thành phố giao UBND quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách. Để tạo quỹ đất xây dựng, dự án giải phóng mặt bằng khoảng 200ha trên địa bàn các phường: Liên Mạc, Tây Tựu, Minh Khai, Cổ Nhuế 2 và Thụy Phương theo theo Quyết định số 4918/QĐ-UBND ngày 10/12/2007 của UBND thành phố Hà Nội.
Dự án Habiotech được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 nhưng do thuộc diện rà soát quy hoạch sau khi hợp nhất tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội; pháp luật về quy hoạch thay đổi nên dự án phải điều chỉnh quy hoạch, đến nay các thủ tục chuẩn bị đầu tư vẫn chưa hoàn thành; công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do vốn sử dụng ngân sách nhà nước lớn, thời gian kéo dài.
Ông Ole Bollingtoft. Ảnh: UBND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
|